Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 9 & 10

DIỆU ĐẾ THỨ I: KHỔ ĐẾ

Diệu đế thứ nhất là Khổ. Khi ta nghe nói khổ, ta không nhận thấy cái gì là quan trọng tai hại của khổ. Vì ai ai cũng biết đời là khổ cực đủ điều. Nhưng thật ra, sự hiểu biết về khổ của chúng sanh và thánh nhân có khác nhau, vì các bậc thánh nhân hiểu khổ, thấy khổ bằng tuệ; còn ta thấy bằng tâm trong cảnh ngộ, khi qua khỏi cảnh ngộ ta lại quên đi khổ cũng như khi lâm bệnh, chúng sanh thấy khổ, nhưng khi mạnh thì lại quên khổ. Trái lại, thánh nhân dù bệnh hay không, cũng thấy có thân này là là khổ, là ở khổ.

Hơn nữa, chúng sanh chỉ biết khổ, nhưng không biết nguyên nhân sanh khổ, nên không sợ lắm. Riêng các bậc thánh nhân thấy rõ khổ, biết khổ và biết rõ nguyên nhân sanh khổ, nguồn gốc của khổ. Đây, xin ví dụ sự biết bệnh của người bệnh và sự biết của vị bác sĩ. Người bệnh biết rằng ta bệnh nhưng không biết do đâu có bệnh. Vị bác sĩ biết bệnh và nguyên nhân sanh bệnh, mà còn biết thuốc để trị bệnh.

Vị bác sĩ tôi tạm ví như Đức Phật, vì Ngài biết khổ và nguyên nhân sanh khổ. Hơn thế nữa, Ngài lại biết phương pháp dập tắt khổ. Còn người bệnh là chúng ta đây, chỉ biết khổ nhưng chịu chết với khổ, chớ không có phương pháp nào chạy khỏi khổ.

Đây tôi xin nhắc lại Phật ngôn trong bài kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật thuyết lần đầu tiên tại vườn Lộc Giả.

Trước hết tôi xin nói có hai cái khổ để quí vị dễ nhận định.

1. Sabbavadukkha: khổ theo liền với thân. Phật ngôn dạy trong bài Chuyển Pháp Luân rằng: Này các thầy Tỳ khưu, sanh khổ, già khổ, chết khổ. (khổ này liền với thân vì khi có thân là có khổ này theo liền).

2. Pakinnadukkha: khổ nếu sau khi có thân này là: khổ vì sự trái ý nghịch lòng, khổ vì thất vọng, khổ vì bực tức, khổ vì uất ức, khổ vì thân ái biệt ly, khổ vì oán thù hội ngộ, khổ vì sự ly biệt người yêu, khổ vì không được như ý (những khổ này đến sau khi có được thân này).

Khổ, nói chung lại, chỉ có một là Sankhitena Pancupatthanakkandhadukkha: tóm lại sự chấp lấy thân ngũ uẩn là khổ.

Chúng ta thấy khổ trên đây chia ra hai loại: Khổ do thân này và khổ mới đến sau. Còn câu chót Đức Thế Tôn dạy: Vì ta còn chấp lấy thân này nên có khổ, nghĩa là còn có thân là có khổ.

Lẽ ra tôi phải viết ra mười hai cái khổ. Tôi không giải những cái khổ ở phần nhì, vì quí vị hiểu và chắc chắn gặp nó luôn luôn trên đường đời. Trong loại khổ đi chung với thân ngũ uẩn – sanh, già, chết – chắc quí vị thắc mắc tại sao tôi không kể đau, vì đúng theo Phạn ngữ không có đề cập đau. Các bản chú giải có thêm vào nên tất cả có 13 thứ khổ, vì thế trong kinh nào cũng có Đau và Tứ khổ.

1. Sanh khổ: nghĩa là khi sanh ra có thân này, giờ nào là khổ theo liền bên trong vào ấy.

Sanh khổ có 3 điều:

– Khổ khi còn trong thai bào.

– Khổ khi sanh.

– Khổ vì sự sanh. Ý nói vì có sanh, nên có những khổ khác theo bên.

Như đã nói trên, khổ có 13 chi. Tôi xin ví dụ sanh như cái đùm của bánh xe và 11 cái khổ kia là căm xe. Bánh xe này lăn đi được là do nơi bộ máy điều khiển là ái dục.

Để chứng minh sanh khổ, Đức Phật có dạy 10 điều sanh khổ:

a) Biến tướng khổ: là sự tuần tự biến chuyển của bào thai, thay đổi mãi cho tới khi có đủ các bộ phận. Bắt đầu thọ khổ khi mới tượng lên cho tới lớn, có đủ bộ phận thì bị nhiều điều khổ, do vật thực của mẹ ăn vào.

b) Kinh sợ khổ: đứa bé chịu nhiều nỗi kinh sợ như bà mẹ làm việc nặng nhọc xóc xáo, hoặc trợt chân vấp té v.v…

c) Hoành sanh khổ: cái khổ khi thai bào xoay trở, lúc xoay đầu xuống hay xoay ngang hông mẹ, đứa bé kinh sợ không khác nào chim con bị bão lớn.

d) Nạn sanh khổ: trong lúc sanh nở gặp khó khăn. Đứa bé bị gió nghiệp chướng đẩy cho xoay đầu xuống để sanh, đứa nhỏ kinh sợ như người bị rớt từ trên cao xuống. Khi sanh ra, hài nhi phải bị cọ ép ví như tượng to chui ra kẻ đá nhỏ. Thực tế hơn, chỉ có quí bà nào đã làm mẹ rồi mới hiểu.

e) Hàn thống khổ: khi vừa sanh ra, da còn non lại bị đem đi tắm, sự đau rát ấy có ai biết ra sao, chỉ có đứa bé ấy mới biết thôi.

f) Thọ nghiệp khổ: sau khi sanh ra đến khôn lớn, tiền nghiệp lại đến trả quả. Nếu nghiệp ác thì chịu khổ sở đủ điều, nào là bị hiếp đáp đói khổ v.v… không sao kể hết.

g) Quả báo khổ: sau khi lớn lên, lại bị quả báo như bị kẻ khác phao vu, bị người làm hại, mặc dù là vô can, hoặc bị tai nạn chiến tranh.

h) Duyên sanh khổ: vì có sanh nên sanh khổ, chúng sanh bị đọa vào ác đạo cũng do sanh ra mà có.

i) Chúng sanh sanh vào cõi súc sanh bị hành hạ khổ cũng là duyên sanh khổ.

j) Chúng sanh bị đói khát trong cảnh quỷ đói cũng duyên sanh khổ.

Mười khổ trên đây có thể chia ra làm hai loại: từ 1 đến 5 thì sanh là khổ; từ 6 đến 10 thì sanh là nhân khổ.

2. Già là gì? Già nghĩa là mọi vật trong thân hình ta đều thay đổi như: tóc đen hóa trắng, mắt sáng hóa mờ, tai lại điếc v.v… Tóm lại vật gì trong thân ta khi trước tốt mạnh, nay đổi lại xấu, yếu, hư gọi là già. Đức Phật gọi đó là Jarā nhưng theo Phạn ngữ nghĩa là cũ. Ý nói rằng thân ta đây ví như cái xe, mà cái xe của người chủ rất tham lam, chở nhiều làm việc suốt ngày đêm, nên mau hư, mau cũ. Cái xe cũ thì quí vị biết nó có trạng thái ra sao? Thân này cũng vậy, có một mình ta mà còn phải lo ăn uống v.v… mà còn chở thêm của cải vợ con v.v… sự làm và lo quá sức nên mau già. Khi đã gọi là già, thì không có gì trong cơ thể không biến đổi thành tồi tệ.

Đức Phật dạy có hai cái già:

– Parijinna: sự già là sự thay đổi hình dáng, nghĩa là khi ta còn nhỏ, từ từ lớn lên hình dáng thay đổi, sự tuần tự thay đổi của con người từ bé đến 30 tuổi, người ta không cho tuổi ấy già, mà gọi là trưởng thành hay lớn.

Vì trong tuổi ấy, càng lớn càng mạnh, đẹp, các cơ quan trong mình không thấy yếu mà trái lại lại mạnh thêm. Ai ai cũng ưa thích tuổi này. Vì vậy nên người ta không thấy Tứ Diệu Đế. Theo lời Phật dạy, cái gì thay đổi thì gọi là già. Nhưng cái già kể trên che án trí tuệ của con người.

– Paripakka: già làm cho ta thấy rõ rệt là da nhăn, mắt mờ, tai điếc, răng rụng, tay chân run rẩy, chính mình không còn làm chủ cơ thể của mình được. Cái gì già mới là khổ thật sự, vì cái già này làm giảm cả sức lực, đem lại cho ta nhiều bệnh hoạn.

3. Bệnh: là những gì phụ với già để tàn phá các bộ phận trong người của chúng ta, bệnh ấy làm chúng ta mau già hơn, cũng như cái xe khi đã bị hư một bộ phận nào dù có sửa chữa lại, cũng vẫn không còn hoàn hảo bằng mới.

4. Chết: chỉ là sự hư hoại thân hình nầy. Vậy chết làm cho con người khổ cách nào? Khi ta chưa chết, ta chưa thấy cái khổ ấy, chỉ có người chết mới thấy rõ. Cái chết là khổ làm tất cả các cái khổ khác dồn vào, như mến tiếc vợ, con, của cải, cái chết làm mất vui thích của mình trong đời này, vì chính mình không có làm gì lành.

Thử nhắm mắt lại và nghĩ rằng khi ta chết ta có đem theo gì? Khi thấy ta bỏ cả vạn vật thì hỏi ta có khổ không?

Nếu khi ta nhận thấy rằng ta có đem theo được những việc làm lành như bố thí, trì giới v.v… thì ta thấy lòng ta bớt lo sợ. Nhưng trái lại, nếu thấy có nhiều tội, thì ta càng kinh sợ hơn. Vậy xin quí vị tự nghĩ mà sửa chữa thân, khẩu, ý.

Diệu Đế thứ nhất là khổ. Đức Phật dạy hãy biết khổ cho rõ rệt, như bác sĩ hiểu rõ bệnh của bệnh nhơn.

Khổ mà Đức Phật dạy có thể chia ra làm hai loại trạng thái: sanh, già, đau, chết là trạng thái của sắc uẩn, còn các khổ kia như sự uất ức, v.v… là trạng thái của tưởng, hành, thức.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.