Nhị Đế Từ Hiện Tượng Đến Bản Thể

– Theo chủ thuyết của Địa luận tông[16] thì như Đại thừa nghĩa chương q.1, ngài Tuệ Viễn[17] phán lập ra bốn tông: Lập tánh tông, Phá tánh tông, Phá tướng tông, Hiển thật tông đề thuyết minh về nghĩa sâu cạn không đồng của Nhị đế như sau:

a/ Lập tánh tông, là nghiên cứu về Tỳ đàm tông[18] giáo thuyết của Hữu bộ. Tỳ-đàm tông chủ trương sự lý tương đối, dùng sự làm Thế đế, dùng lý làm Chân đế. Như ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới, mọi sự chướng ngại nhau, làm Thế đế; vô thường, các khổ, mười sáu Thánh đế tương thông tất cả là Chân đế. Tông này dùng sự lý tương đối để lập giáo thuyết của họ, cho nên còn gọi là Nhân duyên tông thuộc chủ thuyết các căn cơ thấp (thiển) của các nhà Tiểu thừa. Ngài Tuệ Viễn y cứ vào giáo thuyết Tỳ-đàm tông “sự lý” tương đối của Hữu bộ[19] làm Thế đế và Chân đế. Sự chỉ cho các pháp hữu vi có hình tướng có chướng ngại với nhau, như sự hiện hữu của con người (ngũ uẩn),  con người và đối tượng chung quanh cuộc sống con người (thập nhị xứ), nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người (thập bát giới), chúng chướng ngại nhau, mâu thuẫn sai biệt nhau qua từng biểu tượng tuỳ theo thuộc tính của chúng. Lý chỉ cho các pháp vô vi tương thông với mọi giá trị nhân quả duyên khởi của vô thường, khổ thuộc mười sáu Thánh đế. Đây là thuyết tương đối qua sự lý Nhị đế căn cơ thấp (thiển, cạn) của các nhà Tiểu thừa.

b/ Phá tánh tông, chỉ cho Thành thật luận. Tông này lấy “Giả hữu của nhân duyên sinh” (giả có của nhân duyên sinh khởi) làm Thế đế, lấy “Không của vô tự tánh” (không của không có tự tánh) làm chân đế, còn gọi là Giả danh tông, thuộc chủ thuyết thuộc căn cơ cao (thâm) của các nhà Tiểu thừa. Ngài Tuệ Viễn y cứ vào mọi hiện tượng hiện hữu của nhân duyên sinh khởi có được cho là giả hữu, vì chúng chỉ hiện hữu được do nhân duyên sinh khởi, nên sự hiện hữu của chúng không thật có, mà chúng là giả có. Sự giả có này được gọi là Thế đế. Và lấy không của không tự tánh làm Chân đế, vì sự hiện hữu của các pháp do nhân duyên sinh nên tánh của chúng là không, không có tự tánh. Ở đây “Giả hữu của duyên sinh›, cùng ‹không của vô tự tánh” chúng cũng thuộc vào hệ thống nhân quả sự lý tương đối của tục-chân Nhị đế thuộc căn cơ cao của Tiểu thừa.

c/ Phá tướng tông, chỉ cho Tam luận tông[20]. Tông này lấy ‹Hữu của tướng vọng tất cả các pháp› làm Thế đế, lấy ‹Không của vô tướng› làm chân đế, còn gọi là bất chân tông (tông chẳng phải chân), thuộc chủ thuyết căn cơ thấp của các nhà Đại thừa. Sự hiện hữu của tất cả các pháp được hình thành qua biểu tượng đều thuộc tướng vọng. Tướng vọng này có được cũng từ nhân duyên sinh, do đó chúng thuộc về giả tướng, hay là giả danh theo thuộc tính của chính nó qua duyên khởi. Vì chúng hiện hữu như vậy, nên sự hiện hữu này thuộc về Thế đế, không thật có mà chỉ có trong vọng tưởng, chúng như sương mai, như điện chớp, như giấc mộng. Từ sự hiện hữu như vọng tưởng của các pháp qua duyên khởi, chúng như là thật có đối với các tâm hồn mê mờ, trong khi bản chất của chính chúng là không vì chúng không có thực thể, là không tướng của giả hợp do nhân duyên hình thành, và sẽ biến chuyển khi duyên không còn đủ, và cứ như thế chúng kết hợp chúng tan rã tuỳ thuộc vào duyên đủ “không của vô tướng” mà ngài Tuệ Viễn dùng làm Chân đế cho chủ trương của mình về Nhị đế. Ở Tục đế và Chân đế vẫn được coi như là một sự kết hợp của tương đối của chủ thuyết thuộc căn cơ thấp của các nhà Đại thừa.

d/ Hiển thật tông, chỉ cho tông Địa luận của Tuệ Viễn, yếu chỉ của chúng có thể phân ra làm hai nghĩa Y trì và Duyên khởi. Theo nghĩa Y trì mà nói thì dùng pháp tướng vọng làm năng y, nên lấy vọng hữu (vọng có), lý vô  (lý không) làm Thế đế, dùng chân như làm sở y, tướng của chúng tuy không nhưng vẫn tồn tại thật thể, nên lấy làm chân đế. Theo nghĩa duyên khởi mà nói thì tự thể của Chân như tức là Chân đế, chúng y cứ vào duyên khởi mà hiển hiện thế giới mê ngộ nên gọi là Thế đế. Vì Tông này nói rõ về thể của Chân như, nên gọi là Chân tông, thuộc chủ thuyết căn cơ sâu trong Đại thừa. Đây chính là tông Địa luận của ngài Tuệ Viễn được y cứ vào hai nghĩa y trì và duyên khởi mà thiết lập Nhị đế. Ở đây y trì dùng tướng vọng của các pháp làm năng y, lấy vọng hữu, lý vô làm Thế đế, và tướng vọng của các pháp tuy là không, trên mặt hiện tượng qua giả hợp, nhưng thật thể của chúng vẫn tồn tại, nên lấy chúng làm Chân đế; còn đối với nghĩa duyên khởi thì tự thể của chân như tức là Chân đế. Từ tự thể này chúng y cứ vào duyên khởi mà hiện khởi ra mọi sai biệt trên tướng mê ngộ ở giữa thế gian này qua nhân quả trong hiện tướng, nên lấy chúng làm Thế đế. Qua hai nghĩa của y trì và duyên khởi cho ra hai cặp Nhị đế, chúng vẫn căn cứ vào sự hiện khởi tương đối của các pháp mà thiết lập Nhị đế của Hiển thật tông theo chủ thuyết căn cơ cao của các nhà Đại thừa.

– Theo Pháp hoa Huyền nghĩa q. 2[21] của Trí Khải Đại sư[22] Thiên thai tông[23] chủ trương trong Hoá pháp Tứ giáo[24] và ba loại liên hệ nhau[25] mà phán lập ra bảy loại Nhị đế như sau:

a/ Nhị đế của Tạng giáo[26], lấy các pháp là pháp thật có của các pháp thật sinh thật diệt làm Tục đế, và lấy pháp thật có này sau khi diệt rồi qui về lý không-vô làm Chân đế. Chúng thuộc về chủ thuyết của Tiểu thừa giáo, còn gọi là Nhị đế sinh-diệt. Đây chính là quan điểm Nhị đế thuộc Tạng giáo của các nhà Tiểu thừa, căn cứ vào nhân quả duyên khởi để thiết lập Chân Tục Nhị đế qua sinh-diệt.

b/ Nhị đế của Thông giáo[27], lấy “Các pháp là pháp huyễn có do nhân duyên sinh.” làm Tục đế, và lấy “Vì chẳng phải thật có, nên tức không.” làm Chân đế. Đây là chủ thuyết chung cho cả ba giáo Thinh văn, Duyên giác, và Bồ-tát, còn gọi là Nhị đế vô sinh.

c/ Nhị đế của Biệt giáo[28] liên hệ Thông giáo, lấy “Các pháp là huyễn có” làm Tục đế, lấy “Huyễn hữu tức không, bất không.” (huyễn có tức không, chẳng phải không) làm Chân đế. Đây là Nhị đế chủ thuyết chung cho cả biệt giáo và thông giáo, còn gọi là Nhị đế hàm trung (bao hàm cả trung đạo), hay Nhị đế đơn Tục phức Chân (một tục hai chân).

d/ Nhị đế của Viên giáo[29] liên hệ Thông giáo, lấy ‹Các pháp là huyễn có› làm Tục đế, lấy “Huyễn có tức không mà chẳng phải không, các pháp về không mà chẳng phải không” làm Chân đế. Đây là chủ thuyết Nhị đế cho cả Viên giáo và Thông giáo, cùng Nhị đế biệt giáo cho cả Thông giáo cùng gọi là Nhị đế hàm trung  (bao hàm cả trung đạo).

e/ Nhị đế của Biệt giáo, lấy ‹Huyễn có, huyễn có tức không› làm Tục đế, lấy “Bình đẳng pháp giới của chẳng phải có, chẳng phải không” làm Chân đế. Đây là Nhị đế của giáo thuyết dành riêng cho Bồ-tát Đại thừa, còn gọi là Nhị đế phức Tục đơn trung (hai tục, một trung đạo), hay Nhị đế vô lượng.

g/ Nhị đế của Viên giáo liện hệ với Biệt giáo, lấy “Huyễn có, huyễn có tức không” làm Tục đế, và lấy “chẳng phải có, chẳng phải không, các pháp hướng vào chẳng phải có, chẳng phải không” làm Chân đế. Đây là chủ trương Nhị đế của Viên giáo liện hệ với Biệt giáo, cùng Nhị đế Biệt giáo đồng gọi là Nhị đế phức tục đơn trung (hai tục, một trung đạo).

h/ Nhị đế của Viên giáo, lấy “Huyễn có, huyễn có tức không” làm Tục đế, lấy “Các pháp hướng vào có, hướng vào không, hướng vào chẳng phải có chẳng phải không” làm Chân đế. Hay ngoài hữu-không, lập riêng Trung đạo, ba đế Hữu-không-trung đạo riêng nhau, làm Tục đế; không thiên về Hữu-không-trung đạo, ba đế tương tức, viên dung vô ngại, là chân đế. Đó là Nhị đế của Viên giáo Thiên thai, còn gọi là Nhị đế vô tác, Nhị đế hoà hợp, Nhị đế bất khả tư nghị. Nhị đế chân tục kia, hỗ tương làm một thể, viên dung bất nhị, thề của nó là Trung đạo.

Ý nghĩa Nhị đế theo Mạt pháp đăng minh ký chuyên dụng[30] gọi Phật pháp là Chân đế, Vương pháp là Tục đế. Tịnh độ Chân tông[31] của Nhật bản cũng noi theo thuyết này cho rằng về mặt tín ngưỡng tôn giáo là Chân đế, về đạo đức thế gian là Tục đế.

– Theo Tam luận tông của ngài Cát Tạng cho rằng, từ khi Thành thật luận và Trung luận được triển khai giảng giải, thì nhất là Nhị đế rất được bàn luận và nghiên cứu một cách nghiêm túc và thịnh hành. Trong chương Nhị đế quyển hạ[32] ngài Cát Tạng đã tường thuật về mười bốn tác gia từ xưa tới nay nói về thể của Nhị đế. Trong sự sai biệt này, được Ngài tóm thâu và chia ra làm 3 khuynh hướng chủ trương theo những thuộc tính cách nhìn của từng khuynh hướng một. a/ Thể của Nhị đế là một, b/ Thể của Nhị đế khác nhau, c/ Thể của Nhị đế là Trung đạo. Cũng trong chương Nhị đế, Cát Tạng dẫn xuất từ Đại thừa huyền luận q.1[33], chủ thuyết “Nhị đế Ư-giáo” cùng “Nhị đế tứ trùng” (Nhị đế bốn lớp) dùng để tóm thâu các giáo thuyết của Nhị đế.

– Nhị đế Ư-giáo, tức chỉ cho “Ư chi Nhị đế” (hai sự thật nói về nơi nương tựa) tức là ư đế cùng với “Giáo chi Nhị đế” (hai sự thât nói về nương tựa) tức chỉ cho giáo đế. Nói một cách dễ hiểu hơn thì:

a/ “Ư” có nghĩa là chỉ cho chỗ nương vào (sở y), là đối tượng để chư Phật nói pháp, tức chỉ cho cảnh giới lục trần, là cảnh giới hiện thực trước mặt chúng ta. Sắc hình cùng cảnh giới lục trần, phàm phu thấy chúng, nhìn kỹ là cho là có thực, nên gọi là “ư Tục đế”; nhưng đối với bậc Thánh thì xét soi rõ biết chúng là không nên gọi là “ư Chân đế”. Ư đế lại phân làm hai loại bổn-mạt (gốc, ngọn) thời gian chư Phật chưa xuất hiện trở về trước thì “bồn” này tức tồn tại, chư Phật y vào đó mà tuyên thuyết giáo pháp, đó chính là “sở y ư đế” (bổn); thời gian nghe chư Phật thuyết pháp, mà chúng sanh được lý giải, đó là “mê giáo ư đế” (mạt).

b/ “Giáo” có nghĩa là nương tựa (năng y), chỉ cho chư Phật y vào cảnh giới lục trần nói ra giáo pháp. Giáo thuyết chân không diệu hữu, gọi là “Giáo tục đế”; tuyên thuyết lý vô sở đắc siêu việt ngôn ngữ tư tưởng tư duy, gọi là ‹Giáo chân đế›. Ở đây, nếu hiệp hai loại bổn-mạt ‹Ư Nhị đế› ghi trên cùng ‹Giáo chi Nhị đế› lại thì có ba loại Nhị đế.

– Tứ trùng Nhị đế (bốn lớp Nhị đế), được ngài Cát Tạng rút ra từ các chủ trương của các nhà Tỳ-đàm, các nhà Thành thật luận, các nhà Đại thừa Địa luận tông, cùng của các nhà Đại thừa Nhiếp luận. Hai chủ trương trên là chủ trương của các nhà Tiểu thừa, còn hai chủ trương dưới là của các nhà Đại thừa, sau đây là Tứ trùng (bốn lớp) Nhị đế được khai triển qua biện chứng pháp vô thường duyên khởi theo dạng từ thấp lên cao; từ nhân quả đến duyên khởi; từ tiểu lên đại; từ hữu đến không của sự và lý; từ có không đến chẳng có chẳng không; từ có không, chẳng có chẳng không đến chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải chẳng có chẳng phải chẳng không; từ hai, chẳng hai, chẳng phải hai chẳng phải chẳng hai đến ngôn ngữ tiêu mất suy nghĩ dứt luôn (ngôn vọng lự tuyệt):

a/ Lớp thứ nhất Nhị đế của các nhà Tỳ đàm chủ trương, lấy “Hữu” (có) tức “sự” làm Tục đế, lấy “không” tức “lý” làm Chân đế. Các nhà Tỳ-đàm dùng sự-lý, hữu-không của đạo lý nhân quả thế gian mà thành lập Tục đế và Chân đế, theo biểu tượng và thuộc tính của chúng để cho ra Nhị đế tục chân. Ở đây chỉ sử dụng có hữu của tục và không của chân để thiết lập Nhị đế nên chúng được gọi là một lớp (nhất trùng) Nhị đế.

b/ Lớp thứ hai Nhị đế của các nhà Thành thật luận chủ trương, lấy “Hữu-không” làm Tục đế, lấy “chẳng phải có chẳng phải không” làm Chân đế. Ở đây, ngoài hữu của tục đế còn thêm không, và được gọi là hữu-không của tục đế làm vế thứ nhất, và vế thứ hai phủ nhận hữu-không của vế thứ nhất để cho ra chẳng phải có chẳng phải không làm chân đế của vế thứ hai. Chủ trương này của các nhà Thành thật luận Tiểu thừa cũng đứng trên mặt hiện tượng tương đối nhân quả mà thành lập theo sự hiện khởi của mọi vật và sự huỷ diệt của chúng mà chấp nhận cả có lẫn không trên mặt nhận thức về hiện tượng tương đối thế gian thuộc tục đế, nên được gọi là hai lớp (nhị trùng) Nhị đế.

c/ Lớp thứ ba Nhị đế của các nhà Đại thừa Địa luận tông chủ trương, lấy “Hữu-không, chẳng phải có chẳng phải không” của nhị[34] (hai), bất nhị (chẳng hai) làm Tục đế, lấy “chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải chẳng có chẳng phải chẳng không” của phi nhị (chẳng phải hai, chẳng phải chẳng hai), làm Chân đế. Đây là chủ trương của các nhà Đại thừa Địa luận tông, họ chấp nhận hai sự kiện vừa có vừa không, và thiết lập hai sự kiện vừa chẳng phải có  (tức là không) vừa chẳng phải chẳng không (tức là có) để thiết lập Tục đế và, đối lại với vế trên bằng cách phủ định hai sự kiện vừa chẳng phải có (tức không, mặt trái của phủ định là xác định) vừa chẳng phải không (tức là có, mặt trái của phủ định là xác định), vừa chẳng phải chẳng có (tức là chấp nhận không) vừa chẳng phải chẳng không (chấp nhận có) để thiết lập Chân đế. Đây là một cách luận lý vừa phủ định cái này để xác định cái kia theo dạng nhân quả duyên khởi để thành lập biện chứng pháp trên con đường tiến về tuyệt đối của các nhà Đại thừa Địa luận tông trong việc thiếp lập theo ba lớp  (tam trùng) Nhị đế.

d/ Lớp thư tư Nhị đế của các nhà Đại thừa Nhiếp luận chủ trương, lấy ba lớp (tam trùng) trước làm Tục đế, và lấy “Ngôn vọng lự tuyệt” (ngôn ngữ tiêu mất suy nghĩ dứt luôn) thuộc cảnh giới tuyệt đối làm Chân đế. Đây là lớp thứ tư (tứ trùng) Nhị đế của các nhà Đại thừa Nhiếp luận, họ căn cứ vào ba lớp Nhị đế trước làm tục đế. Ở đây, nếu dùng ba lớp trước làm tục đế tức là chấp nhận đạo lý nhân quả duyên khởi tương đối của ba trùng trước, như là một biện chứng pháp đưa đến ngôn ngữ tiêu mất suy nghĩ dứt luôn (ngôn vọng lự tuyệt) thuộc cảnh giới tuyệt đối mà ngôn ngữ không thể nào với tới được như họ đã chủ trương. Vậy làm sao có thể nhận thức và thâm nhập được vào cảnh giới tuyệt đối đó bằng ba lớp trên, trong khi ngôn ngữ và tư duy đều bị cắt đứt?

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.