Lăng Tả Quân (1) Lê Văn Duyệt ( 1764 – 1832 ) , thường gọi Lăng Ông hoặc vì nằm cạnh chợ Bà Chiểu nên còn được gọi là Lăng Ông Bà Chiểu cho tiện , chứ Ngài không liên quan gì tới Bà Chiểu – tên vị Nữ thần theo tín ngưỡng dân gian mà người xưa đặt cho vùng đất này . Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời cho biết , địa danh Bà Chiểu chỉ mới xuất hiện vào thời vua Tự Đức ( 1829-1883) và “ Chiểu ” có nghĩa là đìa nước . Bà Chiểu là nữ thần được thờ bên hố nước thiên nhiên để phù hộ cho dân cư trong vùng.
Lăng Ông nằm trên một khu đất vuông vức cao ráo rộng gần hai hecta , (trước kia chưa có các con đường xung quanh , lăng có diện tích gấp đôi bây giờ ) Cổng chính là cổng Nam có địa chỉ số 1 đường Vũ Tùng , phường 1 ,quận Bình Thạnh , TPHCM ; ba mặt còn lại gồm cổng Tây tiếp giáp với dường Đinh Tiên Hoàng ; cổng Bắc trên đường Phan Đăng Lưu rất đông xe cộ , và cổng Đông trên đường Trịnh Hoài Đức là khu buôn bán sầm uất gắn liền với chợ Bà Chiểu . Mảnh đất này được chọn làm nơi an nghỉ của Lê Văn Duyệt khi Ngài quy tiên ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn 1832 , thuộc địa phận làng Bình Hòa ,tổng Bình Trị , huyện Bình Dương , phủ Tân Bình , tỉnh Gia Định xưa . Năm 1988, lăng Ông được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia .
Cổng chính vào lăng chính là một tam quan thật duyên dáng được xây dưng năm 1949 theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn văn Tần với hai tầng mái lợp ngói âm dương , phía trên có đắp nổi 3 chữ Nho “ Thượng công miếu ”. Quanh tam quan có vài cây thốt nốt cổ thụ vươn tán tròn lên trời , chỉ dấu cùa đất Phù Nam , Chân Lạp xưa , gợi nét vu vơ buồn cho kẻ tha hương theo chân chúa Nguyễn mỗi khi đến đây .Tam quan cũng là hình ảnh tiêu biều của lăng Ông được in trên rất nhiều ấn phẩm như sách , báo , bìa lịch , bưu thiếp , tem thư ; kể cà trên tờ bạc phát hành năm 1966 của Việt Nam Cộng Hòa ( mặt còn lại in đức Tả Quân ). Chẳng vậy mà trước năm 1975 , tam quan của Lăng Ông còn được chọn làm biểu tượng cùa Saigon-Gia Định .
Qua cổng tam quan , khách hành hương đã bước vào một khuôn viên rộng thoáng có hòn non bộ , có các lối đi dạo lát đá xanh rộng rãi chạy ngang chạy dọc qua những bồn cỏ dưới bóng cổ thụ râm mát . Phía bên trái khuôn viên nhín từ ngoài vào là khu vực nhà bia , mộ và miếu thờ Lê Văn Duyệt .
Bên trong , bức tường gạch chấn song gốm hình con triện tráng men lục bảo bao quanh khu vực nhà bia và hai ngôi mộ như hai nửa quả trứng ngỗng cắt dọc kích cỡ bằng nhau của Đức Tả Quân và chính thất Tả Quân Phu nhân Đỗ Thị Phận song táng theo lối “ cản khôn hiệp đức ”. Hằng ngày , người dân tứ xứ vẫn đến thắp nhang khấn trước mộ để cầu an , cầu tài , cầu lộc . Qua cổng nhỏ màu đỏ trước khi vào mộ có một nhà bia lợp ngói âm dương , mái có tượng rồng gốm , diềm soi sứ men lục bảo , bên trong đặt tầm bia bằng đá đen khắc ca ngợi công nghiệp của Lê Văn Duyệt do Thái Xuyên Hoàng Cao Khải chấp bút .
Quanh mộ là bức tường thành cao 0,8 m ; kích thước 14,5 x 12m được xây mằng đá tô vữa ô dước(2) . Vòng ngoài bức tường thành lại có một bức tường gạch tô xi măng theo kiểu Tây ( làm sau) , chấn song hình con triện gồm men lục bảo trông vừa nhã nhặn . Trên đầu của mỗi trụ lại được trang trí một tượng co nghê bằng gốm men lam rất vui mắt , giảm bớt sự thô chắc của bức tường .
Những khoảng sân rộng đặt những lò hóa vàng và hai lư hương cẩn mảnh sứ men lam cổ ngăn cách khu mộ và nhà bia mặt trước của khu miếu thờ được xây dựng năm 1937 , gồm ba khối nhà : tiền điện , trung điện , và hai chính điện ( cũ và mới ). Mỗi khối lại được gián cách bởi một giếng trời ( thiên tỉnh ) vừa thoáng , vừa sáng sủa , bớt cảm giác âm u thường có trong các đền miếu truyền thống .Nhìn từ ngoài , khoảng cách giữa hai lớp mái lớn bên dưới có gắn một lớp hoành phi để dòng chữ nho lớn “Thượng Công linh miếu” thể hiện đúng tên chữ của Lăng Ông .
Bên trong các khối nhà là không gian đặt án thờ linh vị , chân dung , và tượng Lê Văn Duyệt được trang hoàng nhiều hoành phi , câu đối sơn son thiếp vàng trích từ các điển cổ Tam giáo cùng nhiều nội thất cổ gồm tủ thờ , sập gụ , võng , lư đồng , bát bửu( 3) , lỗ bộ (4) và nhiều cổ vật vô giá , được các nghệ nhân chế tác rất công phu , tinh xảo .
Tiền điện thường gọi là “nhà hương ”có mặt bằng sàn hình vuông , mỗi chiều 12 m , có kết cấu khung sườn theo kiểu nhà rường Huế truyền thống gồm bốn cột cái bằng gỗ lim lên nước đen bóng và mười hai cột biên đỡ hai mái lầu rất chắc chắn , thoáng mát .Tất cả được thiết kế theo kiểu nhà kép , gọi là “ trùng thiềm điệp ốc ” ( mái chống mái , nhà nối nhà )theo khuôn mẫu các cung điện , lăng tẩm ở đất Thần kinh . Mặt trước của nhà hương được lắp dàn cửa gỗ mười bốn cánh kiểu “ thượng song hạ bản ” cũng có tác dụng thông gió rất tốt dù cửa đã đóng .Các phần bên của giàn cửa được trang trí bằng phù điêu gỗ hình tượng “ ngũ phúc ” ( năm con dơi) màu vàng nổi bật trên nền sơn đỏ . Chính giữa là án thờ sơn son thiếp vàng để đặt linh vị , đỉnh đồng lớn và nhiểu đồ cổ khác .Dưới thấp hơn là hương án cũng đặt bộ đỉnh đồng nhỏ hơn , gắn bảng kim loại ghi dòng chữ Quốc ngữ “ Đức Thượng công Tả quân Lê văn Duyệt 1764 – 1832 – Tổng trấn Gia Định thành ”.
Trung điện là tòa nhà thứ hai của miếu thờ cũng được đỡ giàn khung , mái bằng bốn cột gỗ lim đen lớn bài trí nhiều hoành phi câu đối , võng , lọng thêu kim tuyến rất lộng lẫy . Án thờ bằng gỗ lim lớn đặt linh vị được chạm khắc họa tiết rất cầu kỳ hình tứ linh , cỏ cây, hoa lá và hai cặp ngà voi rất lớn . Hai bên tả hữu còn có tượng ngựa , hổ và các dàn bát bửu , lỗ bộ , nhiều đồ thờ tự cổ quý giá .
Qua khoảng giếng trời là chính điện cũ có đặt hình chân dung Lê Văn Duyệt trên án thờ lớn ở giữa . Bên trái đặt bàn thờ Kinh lược sứ (5) Nam kỳ Phan Thanh Giản ( 1796-1867 ) đối xứng là bàn thờ Lê Chất ( 1769 -1826 ), Tổng trấn Bắc thành ( cai quản tất cả các tỉnh Bắc Kỳ từ Ninh Bình trở ra ) Chính điện cũ ( 1937) cũng theo kết cầu giàn khung như tiền điện và trung điện nhưng bốn cây long trụ bằng gỗ lim lớn đều chạm nổi hình rồng suốt từ chân đến đầu cột rất mềm mại tinh xảo . Chân của các long trụ đều được chạm khắc hoa lá sơn son thiếp vàng , gối lên bệ đá đỡ cột hình chậu hoa chắc nịch nhưng thanh tú . Có rất nhiều đồ thờ cúng , các dàn bát bảo , lỗ bộ thật sắc sảo cầu kỳ làm gia tăng cảm giác quyền uy của nhân vật được thờ tự .
Từ chính điện cũ lại có mợt khoảng sân thiên tỉnh nối với chính điện mới được xây dựng năm 1973 theo đề án thiết kế của kiến trúc sư Mohamed Hamin, người Ấn Độ , và hai cố vấn kỹ thuật người Việt là kỹ sư Ngô Mẫm và giáo sư Nguyễn văn Long .Tuy có mái cao hơn , kết cấu hiện đại đồ sộ , nhưng hình thể của nó rất hài hòa với các khối nhà cũ .Bốn long trụ bê tông cốt thép chạm nổi hình rồng , sơn son thép vàng rất bề thế , rực rỡ đỡ các tầng mái không khác gì các khối nhà cũ .
Trong chính điện mới có án thờ rất đường bệ đặt linh vị của Đức Tả quân . Đặc biệt có tượng đồng của Ngài cao 2,65 m , nặng 3 tấn do nhà điêu khắc Phạm văn Hạng sáng tác phỏng theo hình Ngài in trên tờ bạc 100 đồng đã nêu ở trên .Trong sân thiên tỉnh có gắn bia ghi công Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam , đặc biệt là gia đình ông Bạch Quan Huệ -người đã phụng kiến bức tượng , được đặt chính thức ngày 28 tháng Chạp , Đinh Hợi (2008).
Cũng như chính điện cũ , chính điện mới , ngoài tượng đồng Lê văn Duyệt , còn đặt cả án thờ Kinh Lược sứ (5) Phan Thanh Giản và Thiếu phó ( 6) – Tổng trấn Bắc thành Lê Chất và Lê Chất là quan đồng triều và là bạn thân đã từng sát cánh bên nhau đánh đông dẹp bắc , quên mình phò chúa ( Nguyễn Ánh ) nhưng cả hai đều bị vua Minh Mạng truy tội mưu phản , đến đời Tự Đức mới được phục chức , truy phong . Còn Phan Thanh Giản, sinh sau đẻ muộn hơn hai nhân vật trên cũng đã bị Tự Đức quy tội để mất Vĩnh Long , An Giang , Hà Tiên năm 1867. Phan còn bị dân tình oán trách : “ Phan , Lâm mãi quốc.. ”. Nhưng xét tương quan giữa quân của triều đình thời Tự Đức lạc hậu , cổ hủ , bảo thủ – so với một đội quân được trang bị vũ khí tối tân hiện đại của nước Pháp công nghiệp hóa – khác gì “ trứng chọi đá ”, có đến mười Phan cũng không thay đổi được thế cờ . Cuối cùng ngưới dân Nam kỳ dần dần cũng hiểu được tấm gương trung liệt của Phan Thanh Giản nên Ban Thượng Công quý tế ( thành lập năm 1914 ) đã lập án thờ Phan ở đây để các Ngài được bên nhau mãi mãi .
Mặc dù mới xây năm 1973 nhưng sau nội thất của chính điện mới cũng có giàn cửa mười sáu cánh bằng gổ quý được chạm hình tứ linh ( lonh , lân , quy , phụng ) sơn son thiếp vàng rực rỡ . Hai bên tả , hữu và mặt trước án thớ đếu có đặt các dàn bát bửu , lỗ bộ (4) uy nghi .
Nằm song song chì cách một hành lang trong của khối nhà chính là dãy Đông lang , mé chợ Bà Chiểu và Tây lang mé đường Đinh Tiên Hoáng là nơi thờ các anh hùng tử sĩ vị quốc vong thân , tiên hiền , hậu hiền , tiên vãng , hậu vãng và một tiểu hý trường nơi diễn các vở tuồng nhân dịp lễ giổ Đức Tà quân vào ngày 30 tháng 7 Âm lịch 7 như Phụng Nghi đình , Phàn Lê Huê phá Hồng thủy trận ,San Hậu ,mà sinh thời Lê Văn Duyệt hẳng yêu thích .Tương truyền , vở San Hậu do chính Lê Văn Khôi là con nuôi của Ngài nhuận sấc .
Nếu trong nội thất của linh miếu có rất nhiều cổ vật , đồ thờ tự vô giá được giữ gín gần như nguyên vẹn , lại luôn được bổ xung suốt quá trình hàng trăm năm , gây sự ngạc nhiên thích thú cho du khách và người hành hương bao nhiêu , thì vẽ đẹp độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và trang trí Huế ở ngoại thất hấp dẫn bấy nhiêu . Mái nhà được lợp âm dương bằng ngói đỏ và có chỗ bằng ngói tráng men lam và diềm soi hiên mái bằng gốm men lục bảo .Trên nóc mái của tất cả các khối nhà đều được trang trí bằng các tiểu tượng lưỡng long tranh châu , hổ lô ,chim công , dơi , hoa lá , cá chép hóa rồng bằng gốm men màu trên nền mây , nước cẩn sành sứ .Trên hai mũi đao tiền điện gắn tượng hai con rồng đối xứng nhau là hai tiểu tượng ông Nhật tay cầm mặt trời , bà Nguyệt tay cầm mặt trăng bằng gốm men màu có nét mặt , ánh mắt giao cảm với người nhìn , trong tư thế sinh động như múa , khác hẳn mô típ cùng loại ở nhiều đền miếu khác như miếu “Thiên Hậu” (8) hoặc Tuệ Thành Nội quán ( 9) vv…Tất cả đều là sản phẩm của các lò gốm Saigon xưa .
Hai bên tường đầu hồi của tiền điện , Đông và Tây lang được trang trí các hình gấu ó , bát tiên , phúc lộc thọ , hoa lá “ Long mã phụ Hà đồ” (10) thật ấn tượng .Từ tiền điện đi ra phía sau , trên các bức tường cũng có những phù điêu cẩn sứ nhưng là những bình , ấm tích , đĩa cổ đập vỡ thành hai , ba mảnh lớn được cắm vào vữa thành những hình tượng hoàn hảo kích thích sức tưởng tượng của người xem . Lần nào đến đây , Phó tôi cũng đứng ngắm rất lâu, thầm cảm phục tài năng của các nghệ nhân đất Thần kinh xưa .
Một câu hỏi đặt ra , những mảnh sứ này ở đâu để đủ cẩn thành nhiều bức họa như vậy ? có phải người ta đi thu gom mảnh sứ vỡ ở khắp nơi như mua ve chai về để cẩn ? Ông Trần Văn Sung , hiện là trưởng ban quý tế Lăng Ông , lắc đầu nhìn Phó tôi cười : “ không ! người ta phải mua các chén đĩa , bình sứ còn nguyên vẹn rồi đập vỡ ra để làm vật liệu cẩn , Các đồ sứ này bây giờ không có để mua, và rất đắt tiền ”. Sau khi ông nói , Phó tôi liền dán mắt vào một vài mảnh sứ viền trên cửa Đông lang và thốt lên “ Giang Tây !”. Ông Sung cười , gật đầu . Đến lúc này thì Phó tôi không thể không liên tưởng những đồ sứ men lam trưng bày ở Bạch dinh , Vũng Tàu được vớt lên từ một thương thuyền cổ bị đắm ở Hòn Cau hồi năm 1990, 1991 mà mỗi thứ có giá hàng ngàn đô la Mỹ . Nhìn lên phía trên tường đầu hồi còn ghi năm xây dựng 1937 thì tôi hiểu hồi đó mới có những đồ sứ này , bây giờ chắc là bó tay ! Phó tôi lại liên tưởng nghề cẩn sứ ở Huế ngày xưa còn lại trên các lăng , miếu , bình phong ,cung điện .Thật khó có thể quên những hình trang trí bằng nghệ thuật cẩn sành sứ công phu trên cổng cung An Định ; bình phong của các phủ , đệ , các chùa , lăng tẩm của các vị hoàng đế ở Huế khi người ta được ngắm nhìn . Nghề cẩn sành sứ cách đây vài chục năm tưởng chừng bị mai một thất truyền thì nay lại hồi sinh . Có phú quý mới có lễ nghĩa . Những ngôi mộ tiền tỷ của người dân Huế ngày nay , chùa Linh Phước Đà Lạt và nhiều công trình kiến trúc truyền thống khác ở khắp nơi được trang hoàng bẳng nghệ thuật độc đáo này .Tuy nhiên , chính điện mới , 1973 , tuy có đồ sộ hài hòa với khối cũ , 1937, nhưng nhìn kỹ mới thấy những mảnh sứ cẩn trên nóc mái , các mũi đao ở đây trông thô hơn nhiều .Bởi , chúng chỉ là những mảnh gốm bình thường sản xuất tại các lò Biên Hòa , Bình dương chứ không được đập ra từ những đồ sứ Giang Tây hoặc kém lắm thì cũng là Bát Tràng , Chu Đậu ngày xưa…
Kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay , Lăng Ông đã qua 9 lần trùng tu .Đó là các năm 1925 mở rộng chính điện ,1937 xây tiền điện ,Đông và Tây lang ; 1948 xây tường thành quanh miếu ; 1949 xây tam quan , phòng khách ;1954 xây đỉnh Hòa Bình ;1964 xây nhà kho (hý viện bây giờ ) mái che đỉnh Hòa Bình ; 1973 xây chính điện mới ; 1994 sửa chữa một số chi tiết hư hỏng ; 2009 sửa miếu thờ , khuôn viên , lát đá lối đi , trám uynh thành , xây hệ thống thoát nước .Nhưng chỉ có lần trùng tu mở rộng năm 1937 dưới sự cho phép của Thống Đốc Nam kỳ Pierre André Pagès và sự đề suất của Tinh trưởng Gia Định Louis Berland lúc bấy giờ , với một danh sách hàng trăm người Việt , Hoa , Pháp cúng tiến và có quy mô hoàn chỉnh nhất mà ta thấy ngày nay .
Thật ra , mỗi lẩn vào Lăng Ông , ta cũng chỉ như kẻ “ cưỡi ngựa xem hoa “. Càng tìm hiểu ta càng thán phục những gì nhiều thế hệ tổ tiên đã làm còn lưu giữ đến bây giờ . Nhưng chính tài năng và cốt cách của người được thờ phụng từ 1832 đến nay mới là điều khiến ta suy nghiệm về phẩm chất của người lãnh đạo .Với vai trò đứng đầu Gia Định trấn , Lê Văn Duyệt đã biến câu châm ngôn “ dân vi quý “ đãi bôi của Nho giáo –như “dân làm chủ ” bây giờ – thành hiện thực bằng cách khoan sức dân ( kể cả ngoại kiều ), khuyến khích họ làm ăn , buôn bán , tự do tín ngưỡng , nghiêm trị quan lại nhũng nhiễu , hối lộ vv… Vì thế ,Gia Định trấn dưới quyền Ngài là vùng đất yên bình , thịnh vượng , phát triển nhất so với cả nước .
Và giống như Bao Công , chính Đức Tả quân là người đã biến một câu châm ngộn không tưởng “ Luật pháp bất vị thân ” ( mà thời nào người ta cũng hô hào cho có ) trở nên hiện thực bằng hành động xử trảm Huỳnh Công Lý ( ? -1821) -Phó Tổng trấn Gia Định , là một trong 64 ông bố vợ của vua Minh Mạng , về tội tham ô ba vạn quan khi chỉ huy hai dự án đào kênh ở Định Tường cùng lợi dụng sức lính xây dựng tư dinh và 3 lò gạch ở Huế để tư túi .
Phẩm chất của một vị quan đầu tỉnh như Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là niềm mơ ước của nhân dân từ xưa cho đến tận bây giờ.
PHÓ DẠO
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số Xuân 129
______________________________
Chú thích :
(1) Tà quân : một trong năm đạo quân ( ngũ quân) triều Nguyễn gồm 2 vệ : tả bảo nhất , tả bảo nhị , cả 2 vệ có 10 cơ ( mỗi cơ có quân số từ 200 – 400 người )
(2) Ô dước : một thứ vữa (hồ ) xây dựng độc đáo của người xưa được xử dụng để xây lăng mộ ở các tỉnh từ Thừa Thiên , Huế trở vào đến Nam bộ , hợp chất ô dước gôm : vôi ( vôi sống , vôi tôi ), vỏ nghêu , sò , san hô giã vụn , nhựa vỏ cây ô dước ( bời lời ), nhựa dây tơ hồng , cát , sạn ( ở khe suối ) bông gòn , giấy dó hoặc sơ tre , nứa tán vụn , than hoạt tính .
(3) Bát bửu : tám món quý báu của bát tiên cắm trên giá gồm : 1/ hồ lô và gậy .2/ cây lọng .3/ quạt và phất chủ .4/ gươm và phất chủ .5/ giỏ hoa lam . 6/ hoa sen .7/ống sáo .8/cặp ngọc bản .
(4) Lỗ bộ :bộ binh khí cắm trên giá để trấn nơi cửa quan, hay ở các đền miếu , chùa đình làm tăng vẽ uy nghiêm long trọng gồm : 2 thanh mác trường , 2 ngọn cờ tiết mao , 2 dùi đồng , 1 xà mâu , 2 long đao , 2 trường kiếm ,1 tứ nhĩ và 1 đinh ba vv…
(5) Kinh lược ( đại ) sứ : chức tạm cho các quan đại thần thay mặt nhà vua đi giải quyết cong việc quan trong hoặc khẩn cấp ở nơi khác , bên ngoài kinh đô .
(6) Thiếu phó : tước vị thứ hai trong tam cô ; hàm nhất phẩm văn giai , phong cho người có công với triều đại . Trường hợp Lê Chất được truy phong sau khi sửa án oan .
(7) Lê Văn Duyệt mất ngày 30-7 Nhâm Thìn ( 28-8-1832)
(8) Quận 1, TP HCM
(9) Quận 5 , TPHCM
(10) Long mã phụ Hà đồ : Tích vua Phục Hy ( 2852 -2737 trước CN ) Trung Quốc , gặp con long mã ( nửa rồng nửa ngựa ) trên sông Hoàng Hà mang trên lưng một bức vẽ (đồ ) biểu tượng nguồn gốc càn khôn vũ trụ .Long mã phụ Hà đồ được sử dụng lảm hình trang trí phổ biến trong kiến thức tôn giáo Á Đông và Việt Nam