Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

DẪN NHẬP

Dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn đề cao tinh thần đoàn kết bền chặt, luôn tạo nên một sức mạnh có thể vượt qua tất cả những thử thách chông gai, những nỗi áp bức nặng nề. Lịch sử đất nước ta đã trải qua biết bao thăng trầm, khi cam chịu nô lệ, lúc độc lập tự chủ, khi thống nhất một dải, lúc phân đôi sơn hà. Qua đó, lịch sử cũng đã để lại những trang sử oanh liệt, hào hùng cũng như những đêm dài đen tối nô lệ hàng thế kỷ. Do đó, con người Việt Nam vừa có tinh thần độc lập, tự cường rất cao, với tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn nên đã giành lại đất nước, đánh tan quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Như chúng ta được biết, nước ta nằm trong khu vực thuở xa xưa đã có một nền văn minh cổ đại vững chắc, đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn đã đủ sức tạo nên một cốt lõi có sức hấp thụ, thích nghi, chuyển hóa du nhập về sau một cách nhuần nhuyễn. Đành rằng hai ba ngàn năm phải nằm ở một miền ngoại vi của nhiều nền văn minh, đành rằng chưa tự tạo nên một hệ thống triết học, một ý thức hệ tôn giáo, dân tộc Việt Nam đã có thể kết hợp những yếu tố tôn giáo nội sinh với những yếu tố kế thừa của văn minh Trung Quốc, Ấn Độ và gần đây của Châu Âu để tạo nên một bộ mặt tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam thống nhất và đa dạng.

Như vậy, Việt Nam một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, trong đó Phật giáo là một tôn giáo lớn đã du nhập vào Việt Nam từ rất lâu. Rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học hiện nay cho rằng Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ trước công nguyên. Mặc khác, Phật giáo đã thấm sâu vào nền văn minh Việt Nam (văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần tâm linh và văn hóa xã hội) và nền văn minh Việt Nam đã dung hóa (bản địa hóa) trở thành một bản chất và bản sắc dân tộc, phù hợp với đời sống và tâm hồn người Việt Nam.

Phật giáo truyền vào Việt Nam, đã hội nhập vào cuộc sống của con người, đã xóa tan mọi khoảng cách giữa người và thần thánh. Con người Việt Nam thường sợ thần, sợ thánh, sợ ma, sợ quỷ. Nhưng với Bụt thì không hề có một ý niệm sợ hãi, bởi vì Bụt hiền lành, bởi ông Bụt tuy có quyền năng vô hạn như có thể thấy trong truyện Tấm Cám luôn giúp cho người hiền lành, không hề có ý niệm trừng phạt ai. Và trong công cuộc xây dựng đất nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử, các vị thiền sư và tín đồ Phật giáo đều đã có mặt và đóng góp sự hy sinh của mình trong các cuộc đấu tranh chiến thắng quân xâm lược và sau đó xây dựng đất nước.

Cùng hòa nhịp với sự phát triển của đất nước, Phật giáo tại xứ Quảng cũng theo dòng lịch sử thăng trầm của đất nước, để rồi ngày nay vẫn đứng vững chắc và hòa quyện với dân tộc, đã góp phần vào sự phát  triển của thành phố, đã hội nhập vào lòng người một cách sâu sắc với những giáo lý căn bản và cũng đã đóng góp một phần không nhỏ cho nền văn hóa bản xứ.

1. Lý do chọn đề tài:

Trong công cuộc xây dựng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, xây dựng một đất nước dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, một nền văn hóa truyền thống và hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, giáo hội Phật giáo cũng như các tín đồ đã tích cực đóng góp theo lời kêu gọi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối “tốt đời, đẹp đạo”. Cùng chung với những công cuộc xây dựng ấy, Phật giáo tại xứ Quảng cũng đang trên đà phát triển, những cơ sở sinh hoạt, những ngôi chùa, những cơ sở văn hóa Phật giáo, những điểm du lịch mang rõ nét văn hóa Phật giáo cũng đang được nở rộ. Vì vậy, người viết được sinh ra và lớn lên tại vùng đất này nên người viết chọn đề tài: “ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VÙNG QUẢNG NAM ĐÀ NẴNG” cho luận văn tốt nghiệp của mình, đồng thời từ đây, người viết mới có cơ hội tìm hiểu về văn hóa tại địa phương mình, tìm hiểu thêm về sự ảnh hưởng của Phật giáo đã đóng góp cho văn hóa bản xứ như  thế nào, qua đó để biết được tầm quan trọng của Phật  giáo.

Do đó, là một học viên đã biết suy nghĩ và tiếp thu ý kiến của Giáo sư, người viết thấy có nhiều vấn đề mà mình chưa hiểu và chưa được biết tường tận, nên người viết mạo muội mang khả năng và suy nghĩ khiêm tốn của mình đã học được để tìm hiểu về sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa vùng Quảng Nam Đà Nẵng.

Tuy nhiên, với khả năng hạn hẹp của mình không sao tránh khỏi những sai sót, người viết kính mong được Giáo sư và các bậc cao minh chỉ dạy thêm để sau này có dịp người viết sẽ thực  hiện tốt hơn.

2. Lịch sử nghiên cứu đề tài:

Vấn đề nghiên cứu Phật giáo trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu và những tác phẩm liên hệ đến Phật giáo đáng chú ý của các tác giả:Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Hòa thượng Thích Mật Thể, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Trí Quảng, các nhà nghiên cứu Lê Đình Thám, Trần Trọng Kim, Nguyễn Đăng Thục, Lê Mạnh Thát, Hà Văn Tấn, TS Trần Hồng Liên, TS Phan Lạc Tuyên, GS Minh Chi, GS Trần Tuấn Mẫn cùng một số nhà nghiên cứu nước ngoài và các công trình của viện nghiên cứu Phật học.

3. Phương pháp và phương pháp luận:

Dùng để viết luận văn này là phương pháp luận khoa học lịch sử, những quan điểm của Ban Tôn Giáo chính phủ cũng như những chính sách đường lối của Đảng và Nhà nước đã ghi trong bản pháp chế luật về Tôn giáo của quốc hội ban hành năm 2004. Người viết sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu, đi điền dã và khai thác những tư liệu của các sách nghiên cứu.

4.Vấn đề thực hiện:

Việc thực hiện luận văn đúng theo quy định của Học viện Phật giáo Việt nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự hướng dẫn của GSTS Phan Lạc Tuyên, Giáo viên thỉnh giảng bộ môn Văn Minh Việt Nam tại Học viện mà người viết đã được học. Khi cần thiết, người viết sẽ thỉnh giáo quý Thượng Tọa tại Học Viện.

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.