Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

2.2.  Khái quát về Phật giáo Đại Thừa Ở vương quốc cổ Champa Trung tâm thiền viện Đồng Dương:

“Phật giáo du nhập vào Champa có thể cùng lúc với Bà La Môn giáo, các quốc vương Champa thuộc phái thờ Civa (Civaisme), nhưng đặt biệt  vào năm 875, quốc vương Indravarman II đã cho xây cất một trung tâm Phật giáo lớn tại Indrapura tức Đồng Dương ngày nay. Đó là quần thể của nhiều ngôi đền thờ Lakshmindralokecvara mà di tích còn lại tới nay trong cảnh hoang tàn đổ nát. Những pho tượng Phật hiện còn trưng bày tại viện bảo tàng Chàm tại Đà Nẵng đã chứng minh đạo Phật có thời kỳ thịnh hành ở Champa khoảng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI. Nghệ thuật điêu khắc kiến trúc mang nhiều ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ nhưng đồng thời được bản địa hóa, sự thăng hoa này đã tạo nên một phong cách nghệ thuật Đồng Dương vừa siêu thoát vừa sinh động và gần gũi với cuộc sống con người”. [33,22]

Từ khi thành lập nhà nước dưới dạng sơ khai Lâm Ấp (192 SCN) đời sống văn hóa của cộng đồng người Champa đã chịu sự tác động mạnh mẽ của sự đối lưu qua các nền văn hóa bên ngoài. Đồng thời sự tiếp thu và biến thể của một số nền văn hóa ngoại lai để phù hợp với nền văn hóa bản địa, trong đó chịu sự tác động mạnh nhất văn hóa Ấn Độ – Nam Á là điều tất yếu không thể phủ nhận. Song song với sự chấp nhận ấy thì ảnh hưởng của Phật giáo là tính quyết định của một hướng chuyển biến tạo nên một thời kỳ văn hóa Champa rực rỡ và đặc sắc, giàu hình tượng tôn giáo qua cuộc sống tâm linh, cùng với sự phát triển tột đỉnh của Phật giáo sau này.

Theo các sử liệu của Trung Quốc và của một số nhà nghiên cứu cho biết, vào năm 605, quân nhà Tùy đánh chiếm Champa đã thu được rất nhiều lợi phẩm, trong đó nổi bật nhất là 1350 pho tượng Phật. Đồng thời dựa trên một văn bản tìm thấy trên bia Võ cạnh – Nha Trang – Khánh Hòa cho rằng vào thế kỷ thứ I Phật giáo là tôn giáo chủ đạo xung quanh khu vực trung tâm của xứ Kauthara. Sự sùng  bái đạo Phật có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của cộng đồng Champa đương thời. Từ những sự kiện trên có thể cho rằng tư tưởng cùng dòng Phật giáo được truyền về và phát sinh ở đây bắt đầu vào những giai đoạn niên kỷ thứ I sau công nguyên.

Trong sự phát triển của Phật giáo không thể không kể đến thiền viện Đồng Dương vào loại lớn nhất Đông Nam Á trong triều đại Indrapura vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX đầu thế kỷ thứ X, đó là một tổng thể kiến trúc đồ sộ có vòng thành chu vi 2 km, Phật viện mang tên Laksmindru _ Lokesvera (875), vốn là một vị thần bảo hộ nhà vua bấy giờ.

Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65km về phía tây nam, có di tích Phật giáo nổi tiếng. Phật viện Đồng Dương – thánh địa của các vương triều Champa sùng tín đạo Phật. Ngày nay di tích ấy rộng khoảng 2 km2, nằm ngay trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình – Quảng Nam.

Theo trang web của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “ Phật viện Đồng Dương xây dựng dưới thời vua Indravarman trị vì vương quốc Champa vào cuối năm 875. đây là vị vua có thế lực hùng mạnh và giàu có lúc bấy giờ. Căn cứ một bia ký tìm được, người ta phát hiện vua Indravarman xây dựng Phật viện để dâng lên đấng Chí Tôn che chở cho nhà vua dưới hình thức đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Đây là di tích Phật giáo đại thừa lớn nhất của vương quốc Champa hồi đó, có một tổng thể khá kỳ vĩ, chiều dài 326 mét, rộng 155 mét, có bàn thờ lớn áp sát tường phía tây. Các nghi thức lễ bái đều tiến hành trước Phật đài chứ không đi vòng quanh như các đền thờ thuộc Bà la môn giáo. Quanh Phật đường chính có nhiều đền thờ nhỏ thờ các đấng tiên vương Champa đã hiển thánh. Đối diện với  khu Đồng Dương là các tăng viện hình chữ nhật, mái lợp ngói được chống bằng hàng cột hình chữ bát giác, xung quanh Phật đường và tăng viện là các bảo tháp hình trụ tròn, đế tám cạnh. Hình dáng này làm chúng ta nghĩ ngay đến việc ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo Trung hoa lúc bấy giờ đối với nghệ thuật  Phật giáo Champa”.

“Quanh các đền thờ là các loại văn bia xoắn xít ngoằn nghèo như hình con sâu được trang trí nói lên niềm tin tuyệt đối vào đấng tối thượng luôn sẵn sàng phò trợ vương quyền của vua Champa trong thời hoàng kim nhất. bên cạnh những kiến trúc đồ sộ, nền nghệ thuật điêu khắc Champa phát triển trọn vẹn tính độc đáo đến mãnh liệt. Nếu như các pho tượng Phật, Bồ Tát  của Camphuchia, Thái Lan đẹp đẽ dịu dàng thì ở đây hình tượng các đấng chí tôn rất uy nghiêm, thánh hạnh nhưng cũng rất gần với trần thế, tượng thần hộ pháp trấn giữ các góc Phật đường không có vẽ mặt dữ tợn mà luôn tỏ ra trang trọng trong sứ mệnh phò hộ độ trì các bậc hành giả trên con đường tu hành. Các phù điêu quanh đài thờ kể các mẫu chuyện về đời đức Phật Thích Ca và những minh họa giáo lý đạo Phật về nhân sinh như: sinh – lão – bệnh – tử. Hầu hết minh hoạ này đều có khắc trong khuôn hình vuông, viền quanh bằng các hoa văn. Nét độc đáo của nó là những hình người nổi bật hoặc vượt khỏi các khuôn vuông. Dựa vào không gian rộng mở đó, người ta diễn  tả tích Phật một cách thoáng đạt hơn. Đây là biểu hiện bản lĩnh sáng tạo của các nghệ sĩ điêu khắc trong sự thay đổi bố cục, cách tân hình thức bằng cớ vượt trội của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo cùng thời thường thấy ở nhiều nước Đông Nam Á. Rất tiếc quần thể di tích Đồng Dương đã bị bom đạn và thiên tai hủy hoại nghiêm trọng, cho đến ngày nay vẫn chưa đủ điều kiện vật chất để trùng tu, tôn tạo lại phần nào vẻ đẹp vốn có của nó”.

Sau khi nhà nghiên cứu người Pháp L . Finot công bố vào năm 1901 và một năm sau đó 1902 H . Parmentier tiến hành khai quật trên một quy mô lớn đã mở tung cánh cửa bí mật về một Phật học viện đã được các cổ sử Trung quốc, Đại Việt và trong ký ức của cổ sử Champa vẫn luôn thường nhắc đến một cách trân trọng. Nhờ cuộc khai quật có quy mô lớn này đã thu hút các nhà nghiên cứu tìm về, đồng thời đánh giá đây là một trong những di tích quan trọng của champa và Phật viện Đồng Dương chỉ thật sự được biết đến nhiều cho đến lúc các nhà khoa học đã công bố nhiều đề tài nghiên cứu, chúng ta mới thấy tầm  vóc quy mô của nó. Nhà nghiên cứu L . Finot trong đề tài công bố của mình về vấn đề di tích Đồng Dương, ông đã giới thiệu 229 hiện vật đã được phát hiện, nỗi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng, bức tượng Phật đứng cao hơn 1 mét là đề tài nghiên cứu khá lý thú được các nhà khoa học đưa ra đoán định vì bởi theo nhận định chung bức tượng này được xem là nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.

Năm 1902 H . Pramentier đã khai quật khu Đồng Dương và tìm thấy kiến trúc chính của thánh  địa này cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo khảo tả cùa H . Pramentier toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông, dài khoảng 1.300 mét, khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326 mét, rộng 155 mét, chung quanh có tường gạch bao bộc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760 mét chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật. Ngoài phần chánh điện được phát hiện hệ thống nền gạch của một khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn, những viên ngói dùng lợp cho các khu xây dựng cũng được phát hiện rải rác đâu đấy của một Phật viện cho phép ta liên tưởng đến một cấu trúc xây dựng bao gồm phần chánh điện dùng nơi thờ tự lễ bái, khu tăng xá là nơi lưu trú cho các chư tăng tu học và giảng đuờng dùng làm nơi diễn giảng có thể nói đây là một mô hình Phật viện khép kín rất lý tưởng cho công cuộc đào tạo tăng tài.

Qua những điều đã nêu trên, chúng ta biết được vương triều Đồng Dương (Indrapura) được xây dựng từ năn 875, nhưng đã mất đi từ lúc nào do chiến tranh. Theo nhà nghiên cứu tiến sĩ Ngô Văn Doanh (viện nghiên cứu Đông Nam Á) trong cuộc hội thảo “văn hóa Quảng Nam – những giá trị đặc trưng” tổ chức tại Tam Kỳ ngày 14-15.3.2001 cho rằng: “đến năm 972 xuất hiện một vị vua mới của triều đình Indravarman mà sử Trung Quốc và Việt Nam gọi là Ba Mỹ Thuế hay Phê Mi Thuế. Đây là vị vua Champa đầu tiên gây hấn với nước láng giềng Việt nam phía bắc lúc đó đã trở thành một nước có chủ quyền. Để đáp lại một loạt hành động xâm lấn và can thiệp vào nội bộ (người Chàm năm 979 cùng Ngô Nhật Khanh đem hơn nghìn thuyền đánh vào Hoa Lư, bắt giữ sứ thần). Năm 982 vua Lê Hoàn đã phải tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành và kết quả là cả tòa thành Indrapura và cả vương triều Indrapura đã bị phá tan. Với cuộc viễn chinh của Lê Hoàn năm 982 , không chỉ tòa thành Indrapura mà cả vương triều Indrapura cũng chấm dứt sự tồn tại của mình. và hiện tượng Đồng Dương là hiện tượng lịch sử văn hóa đặc biệt trong lịch sử văn hóa Champa. Sự ra đời, phát triển và sụp đổ của một vương triều gắn liền với một vùng đất quê hương được nâng lên làm quốc đô”. [24,78]

Cho đến nay Phật viện Đồng Dương đã không còn gì nguyên vẹn cho chúng ta nghiên cứu và chiêm ngưỡng. Sự xâm thực của thời gian, thiên nhiên và bàn tay con người nhất là giai đoạn gây hấn chiến tranh của Mỹ ngụy cùng những trận bom đạn oanh tạc không thương tiếc đã đưa Phật viện vốn chỉ còn lại những di tích hiếm hoi nay lại đi vào trạng thái hoang tàn thật sự. Tuy vậy, phong cách Đồng Dương thông qua phòng trưng bày ở viện bảo tàng Đà Nẵng, rồi đến Phật viện Đồng Dương trên đất bản địa đều có thể gây ấn tượng mạnh đối với du khách, đó là những nét đẹp sống động mạnh mẽ đến táo bạo. Thông qua những cổ vật còn lại đã phản ảnh được thời đại cực thịnh của một vương quyền khẳng định bằng sức mạnh của chính mình, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc Chàm lên hàng tột đỉnh. Dưới gốc độ tôn giáo, Đồng Dương đã đóng góp đặc sắc vào nghệ thuật Phật giáo của nhân loại, mẫu mực trong cách phô diễn, trong ý nghĩa tượng thờ, phù điêu, bố cục và cũng thuộc loại hiếm hoi trong số di tích Phật giáo cổ xưa còn lại tới hôm nay ở Việt Nam và cả Đông Nam.

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.