Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

2.4.3.    Lễ cầu siêu:

Chúng sanh sở dĩ trôi lăn trong vòng lục đạo là do tạo nhiều ác nghiệp nên mãi chìm đắm  trong biển sanh tử khổ đau. Với trí tuệ thấy biết như thật, Đức Phật đã xuất hiện trên cuộc đời để chỉ  cho chúng sanh thấy được con đường lục đạo gồm có: Thiên, Nhơn, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Vì thế hiện đời người nào tu nhơn tích đức, ăn ở hiền lành thì sau khi mạng chung sanh về cõi lành, còn người nào ăn ở thất đức, làm việc ác thì sanh về đường dữ. Do đó cổ đức có bài kệ rằng:

Đảnh sanh cõi thánh, mắt sanh trời,
Bụng nóng ngạ quỷ, tim nóng người,
Bàng sanh thần thức ra đầu gối,
Nóng ở bàn chân địa ngục thôi.

Thật vậy, giờ lâm chung nếu từ tim trở lên mà nóng thì sanh về cảnh giới an lành, còn từ tim trở xuống nóng thì sanh về con đường dữ. Chính vì thế nên người con Phật khi thấy người thân của mình chết, sờ xem chỗ nào còn nóng sau rốt là biết được người ấy sanh về cảnh giới nào. Bởi vậy, họ tin có cõi lành, đường dữ nên lập đàn tràng cầu siêu hầu mong cho người thân của mình được siêu sanh về cảnh giới an lành. Vậy cầu siêu là gì? Và làm thế nào để hiểu cầu siêu không phải là một sự van xin.

Cầu siêu là cầu mong cho vong hồn người chết được sớm siêu thoát hay sanh về thế giới chư Phật. Do đó chữ “cầu siêu” có thể là hình thức viết ngắn của từ “cầu siêu độ” hay “cầu siêu sanh” hay đầy đủ hơn là “cầu siêu sanh tịnh độ”. Như vậy cầu siêu là nguyện vọng, là ước muốn nhắm tới chủ yếu là người quá cố.

Sau khi người thân qua đời, con cháu làm lễ cầu siêu cho Ông Bà, Cha Mẹ trong mỗi tuần thất, tiểu tường, đại tường hoặc lễ Trung nguyên bằng hình thức  lập đàn cầu siêu tại chùa, hoặc thỉnh chư Tăng, Ni về gia đường tụng kinh chú nguyện, chủ yếu là nhắc cho người chết nhớ lại pháp môn niệm Phật “nhất tâm bất loạn” như là điều kiện tiên quyết để vãng sanh tịnh độ, để hương linh nương theo đó niệm Phật mà vãng sanh. Các kinh thường tụng trong dịp cầu siêu như: Kinh A Di Đà, Kinh Địa Tạng, Kinh Vu Lan. Chư tăng ni tụng kinh nhằm nhắc nhở cho con cháu của người quá vãng trau dồi tâm tánh cho thuần thục và noi theo gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên. Nói chung các bài kinh trên không chỉ có tác dụng tốt cho người quá cố mà hơn hết là nhằm giáo dục cho thân quyến của người chết về các phương pháp tu tập và làm nhiều điều phước thiện.

Song theo đạo Phật không ai có thể siêu độ cho ai, không ai có thể giải thoát cho ai cả, chỉ có mình tạo nghiệp lành hay dữ mà đến khi mạng chung chiêu cảm quả báo thiện ác, chứ không phải lúc sanh tiền tạo bao nghiệp ác rồi đợi sau khi chết người thân cầu siêu để được vãng sanh thì không thể được. Chính vì lẽ đó, nên người phật tử phải ý thức sâu sắc rằng, một khi đã tạo nghiệp ác, dù có van xin, chúng ta cũng phải là người gặt hái kết quả đau khổ của nó. Không ai có thể đánh đổ quy luật muôn đời này. Sau đây là một đoạn kinh cho thấy rõ điều đó: “ nếu ai làm mười nghiệp ác, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu khẩn van xin, thành kính mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, làm mười nghiệp ác phải rơi vào đọa xứ. Sự thể như có  một người quăng tảng đá vào hồ nước, rồi nhiều người đến cầu khẩn, van xin cho tảng đá ấy được nổi lên, sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như  lời cầu khẩn. Cũng vậy, tạo mười nghiệp ác thì phải rơi vào đọa xứ”( Tương Ưng IV, 313). Ở đây, lời của Phật nhằm xác quyết rằng hành vi ác và bất thiện là nguyên nhân gây ra các hậu quả khổ đau, mà người đã tạo ra nó phải gánh chịu trong đời của mình, dù hiện tại hay về sau.

Như vậy, sự cầu siêu chỉ mang tính cách biểu tượng, thể hiện tấm lòng thương kính và biết ơn đối với người quá cố, và ở phương diện khác nhằm nhắc cho người quá cố biết về quy luật sanh tử mà không quyến luyến thế gian, dễ dàng ra đi hay tái sanh.

Tóm lại, để được siêu thoát, mỗi người phải tự trang bị cho mình các hành trang đạo đức khi còn mạnh khỏe, làm lành lánh dữ, bố thí cúng dường, tạo mọi phước đức, để khi thình lình cơn vô thường đến, nhắm mắt xuôi tay, nghiệp thiện của chúng ta sẽ dẫn dắt chúng ta tái sanh về cảnh giới tốt hay vãng sanh về cảnh giới của chư Phật. Không nên cầu mong vào tha lực, tất cả tùy thuộc vào đời sống đạo đức, trí tuệ và thái độ sáng suốt của chúng ta.

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.