Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

2.5. Các ngôi chùa tiêu biểu  tại Quảng Nam – Đà Nẵng:

2.5.1     Chùa Tam Thai:

Chùa Tam Thai nằm ở trên đỉnh núi non nước (Thủy sơn) thuộc Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm Thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km. Chùa có thể do tổ sư Nguyên Thiều – Hoán Bích thành lập (khoảng năm 1682-1683) trước khi ra Thuận Hóa lập  chùa Hà Trung và chùa Quốc Ân ở Phú Xuân (Huế). Do những biến loạn vào khoảng năm 1692-1694, tổ sư Nguyên Thiều vào Đồng Nai ẩn tránh và lập chùa Kim Cang tiếp tục hoằng hóa. Chúa (Nguyễn Phước Châu) đã cử thiền sư Hưng Liên Quả Hoằng thuộc phái thiền tào động trụ trì. Thiền sư Quả Hoằng là đệ tử của hòa thượng Thạch Liêm ở chùa Trường Thọ Trung Quốc, thiền sư Quả Hoằng được chúa Nguyễn Phước Châu trọng đãi và ban chức quốc sư.

Vào thời nhà Nguyễn và Tây Sơn tranh chấp, có ngài Huệ Đạo Minh thiền sư tu thiền tại động Huyền Không, lúc đó vua Gia Long lánh nạn, tại đây gặp thiền sư Huệ Đạo Minh giảng đạo, vua Gia Long nghe giảng xong, vua phát nguyện: “Sau này tôi phục quốc xong, tôi sẽ tô điểm thêm danh lam thắng cảnh này cho được huy hoàng, tráng lệ”. Sau một thời gian vua Gia Long phục quốc, vua bận công việc triều chính nên chưa thực hiện lời nguyện, nhà vua di chúc lại cho con là vua Minh Mạng để hoàn hành đại nguyện, mãi đến năm thứ sáu vua Minh Mạng mới ngự đến Ngũ hành Sơn (Non Nước), ngự đến chùa Tam Thai; chùa Linh Ứng danh xưng là quốc tự và cho thiết lập hoàng cung để mỗi khi vua ngự đến có chỗ tạm nghỉ. Nhà vua cũng tô tượng, đúc chuông, xây cất, khai các cửa động. Đồng thời vua cấp lương cho quý vị trụ trì và tăng chúng hai chùa (Tam Thai, Linh Ứng).

Hiện chúng ta không biết được sự truyền thừa ở chùa Tam Thai trong thời chúa Nguyễn vì chùa đã bị phá hủy trong thời Tây Sơn đánh chiếm Quảng Nam (1773 -1774). Sau đó, thiền sư Pháp Tràng – Quang Chính, hiệu Bửu Đài thuộc chi phái thiền Chúc Thánh, đời 36 Lâm Tế, đến đỉnh núi Thiên Thai ẩn tu trong động Tàng Chơn, sau đó lập am Dưỡng Chân để hoằng dương Phật pháp. Đại sư Bửu Đài là đệ tử của thiền sư Thiệt Hội – Viên Quang. Thiền sư Thiệt Hội – Viên Quang là đệ tử của tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh (Quảng Nam), có lẽ thiền sư Bửu Đài trùng tu lại chùa Tam Thai và từ đó hai chùa Tam Thai và Dưỡng Chân Đường thuộc một thầy tổ.

Đại sư Bửu Đài viên tịch vào giờ sửu ngày 21 tháng 10 năm Canh Thân (1800), tháp thờ cạnh chùa, trên bia ghi: “Phụng vì viên tịch Tỳ Kheo Bửu Đài Đại sư thượng Quang hạ Chánh, húy Pháp Tràng giác công chi tháp”. Hiện chùa Linh Ứng có “Bảng Lâm Tế tông Phổ lịch Đại Giác linh” ghi rõ pháp danh các thiền sư  trụ trì chùa Tam Thai và Linh Ứng:

Tam Thai trụ trì, 37 thế, húy Tiên Thường, thượng Viên hạ Trung thiền sư.

Tam Thai trụ trì, 38 thế, húy Chương Tín, thượng Hoằng hạ Ân thiền sư.

Tam Thai trụ trì, 38 thế, húy Chương Quảng tự Tuyên Châu – Nhật Hạnh Hòa thượng.

Tam Thai trụ trì, 38 thế, húy Chương Tư  tự Tuyên Văn – Huệ Quang Hòa thượng.

Tam Thai trụ trì, 39 thế, húy Ấn Lan tự Tổ Huệ – Từ Trí Hòa thượng.

Tam Thai trụ trì, 39 thế, húy Ấn Thanh tự Tổ Đào, Chí Thanh Hòa thượng.

Tam Thai Tăng Cang, 39 thế, húy Ấn Diệu tự Tổ Truyền, Từ Nhẫn thiền sư.

Tam Thai Tăng Cang, 40 thế, húy Chơn Pháp tự Đạo Diệu – Phước Trí Hòa thượng.

Ngoài bảng Lâm Tế tông phổ trên, ở chùa Tam Thai và Linh Ứng còn thờ các Long vị của chư tổ sau:

Lâm Tế chánh tông, tam thập ngũ thế, húy Thiệt Hội thượng Viên hạ Quang giác linh.

Ngự chế Tam Thai – Linh Ứng tự, sắc tứ Tăng Cang, lâm tế 39 thế, Nguyễn Ấn Lang tự Tổ Huệ hiệu Từ Trí Hòa thượng.

Hiện nay trụ trì tại chùa Tam Thai là Hòa thượng Trí Giác

2.5.2.    Chùa Linh Ứng:

Tọa lạc tại thắng cảnh Thủy Sơn thuộc Ngũ Hành Sơn, mặt tiền của chùa hướng về phương đông, trông ra phía trước là mặt biển Đại Thanh, sau lưng chùa là đại Động Tàng Chơn,  trước là cửa tam quan, hai bên nhà tổ, nhà giảng đường, nhà khách, nhà thiền v.v…

Trong thời nhà Lê niên hiệu Cảnh Hưng, có một vị ẩn sĩ đến tu tại Động Tàng Chơn, sau thời gian Ngài xây cất một am tranh để hiệu là “Dưỡng Chân Am”, sau một thời gian, Ngài tự xây cất một nhà bằng tranh lá tại trước động Tàng Chơn để hiệu là “Dưỡng Chân Đường” .

Khi việc tranh chấp giữa nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn, lúc bấy giờ Nguyễn Phúc Ánh đến Ngũ Hành Sơn trông thấy cảnh trí  kỳ quan hùng vĩ sơn kỳ thủy tú, vì thế khi Gia Long phục quốc bèn ra lệnh lập chùa tại Ngũ Hành Sơn – Quảng Nam, bây giờ Dưỡng Chân Đường được thiết lập hiệu là Ngự Chế Ứng Chân Tự. Từ khi đến ẩn tu tại Tàng Chơn Động, đến Dưỡng Chân Am và đến Dưỡng Chân Đường, sau đó là Ứng Chơn Tự đều là do sự tu trì và kiến thiết của Hòa thượng Quang Chánh, hiệu Bảo Đài đại sư. Như thế đương nhiên ngài Bảo Đài là người trước tiên khai sơn chùa Ứng Chơn, bắt đầu từ khi nhà Lê Cảnh Hưng đến nhà Nguyễn Gia Long và đến quốc gia độc lập bấy giờ, trong khoảng thời gian như thế, am viện và tăng sĩ  ẩn hiện nơi đây sớm chiều với non nước trong cảnh tu hành thanh tịnh.

Từ thời Vua Gia Long đối với chùa Linh Ứng chỉ là trong thời kỳ sơ khai mà thôi. Sau khi vua Gia Long băng hà, vua Minh Mạng kế vị, Ông là người nổi tiếng giàu tư tưởng thi thơ và tôn sùng đạo Phật, thường hay ngoạn thưởng danh lam thắng cảnh, không những sùng đạo mà còn có một lịch sử xây dựng các quốc tự Ngũ Hành Sơn.

Trong thời vua Minh Mạng hoàng đế ngự chế (Ứng Chơn Tự Minh Mạng Tam Niên tạo ngự chế Ứng Chơn Tự).

Sau các đời Vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức đến vua Thành Thái, người ta đã đổi danh hiệu ngôi chùa Ứng Chơn trở thành hiệu chùa Linh Ứng Tự, việc thay đổi này chắc có lẽ vì lý do phạm những chữ cấm kỵ của nhà vua. Hiện bây giờ chùa Linh Ứng có hai biển vàng một ngự chế Ứng Chơn Tự Minh Mạng lục niên, hai bảng vàng cải tứ (đổi lại) Linh Ứng Tự Thành Thái tam niên. Từ đời Thành Thái người ta mới thường gọi chùa Linh Ứng Non Nước, có nghĩa là ứng nghiệm và linh thiêng. Thế là Quốc Tự Ấn Chơn từ đây đổi lại là Linh Ứng Tự.

Nói đến việc truyền thừa cũng như các quốc tự tại Ngũ Hành Sơn khác hẳn với các Chùa khác vì lẽ tại Ngũ Hành Sơn, Chùa thuộc Quốc Tự, vua chúa tạo lập hai nơi Tam Thai và Linh Ứng liên quan mật thiết với nhau, hội đồng tăng lữ ở đây cũng thống nhất một khối mà thôi. Tăng sự ở đây cũng chung một, riêng về truyền thừa tự tổ, chùa Linh Ứng từ Ngài Quang Chánh hiệu Bảo Đài khai sơn ở đây, sau khi hòa thượng thị tịch, bảo tháp được xây ngay sau chùa Linh Ứng. Bảng Lâm Tế tông Phổ lịch Đại Giác linh ở chùa Linh Ứng ghi rõ sự truyền thừa như sau:

Dưỡng Chân Đường thượng  Bửu Đài sa môn, thượng Quang hạ Chánh, húy Pháp Tràng đại sư.

Ứng Chơn trụ trì, 37 thế, húy Tiên Trự, thượng Chơn hạ Như thiền sư.

Linh Ứng trụ trì, 40 thế, thượng Hải hạ Nghiêm hiệu Phước Nghi đại thiền sư.

Linh Ứng trụ trì, 40 thế, húy Chơn Thụy tự Đạo Các – Hưng Long thiền sư.

Linh Ứng trụ trì, 41 thế, húy Như Thông, tự Giác Minh – Tôn Nguyên thiền sư.

Linh Ứng trụ trì, 42 thế, húy Thị Năng, tự Trí Hữu – Hương Sơn Hòa thượng.

Hiện nay kế tiếp Hòa thượng là đệ tử của Ngài đang trụ trì là Thượng Tọa Thích Thiện Nguyện.

2.5.3.    Chùa Phước Lâm:

Chùa Phước Lâm do thiền sư Thiệt Dinh – Chánh Hiển hiệu Ân Triêm (1712 – 1796) thành lập vào giữa thế kỷ 18, chùa Phước Lâm hưng thạnh thay thế vai trò của tổ đình Chúc Thánh sau khi Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo ẩn tu trên núi Thiên Ấn Quảng Ngãi.

Năm (1769) Thiền sư Thiệt Dinh – Chánh Hiển viên tịch, có lẽ thiền sư Phật Tuyết – Tường Quang kế thế trụ trì chùa Phước Lâm vì long vị ở chùa Vạn Đức có ghi: “Phước Lâm đường thượng, tam thập ngũ thế, húy Phật Tuyết hiệu Tường Quang Hòa thượng giác linh” (thiền sư Phật Tuyết là đệ tử của Hòa thượng Thành Đẳng – Minh Lượng) khai sơn chùa Vạn Đức.

Năm Nhâm Ngọ 1822, Tổ Bình Man – Tảo Thị trùng tu lại chùa Phước Lâm, đúc đại hồng chung mới cho chùa, chuông được chú tạo vào rằm tháng 7 năm nhâm ngọ, trên chuông có khắc: “Minh Giác Hòa thượng chứng minh”. Tổ Bình Man – Tảo Thị nối tiếp thắp sáng ngọn đèn pháp ở chùa Phước Lâm và làm hưng thịnh chi phái Chúc Thánh của phái thiền Lâm Tế.

Năm 1830 Tổ Bình Man – Tảo Thị viên tịch tại chùa Phước Lâm, đồ chúng lập tháp thờ ở sân phía trước chùa. Kế thế trụ trì là đệ tử của tổ thiền sư Toàn Nhâm – Vi Ý hiệu Quảng Thông. Nối tiếp thiền sư  Toàn Nhâm – Vi Ý,ụ đệ tử là thiền sư Chương Tả – Tuyên Văn hiệu Huệ Quang lại thắp sáng ngọn đèn của chi phái thiền Chúc Thánh, đào tạo được nhiều đệ tử đắc pháp như: Ấn Thanh – Chí Thành (Tổ Đạo); Ấn Lan – Từ Trí (Tổ Huệ); Ấn Diệu – Từ Nhẫn (Tổ Truyền), Ấn Chánh – Huệ Minh và nổi tiếng nhất là Hòa thượng Vĩnh Gia hay thiền sư Ấn Bổ – Tổ Nguyên (1840 – 1918).

Năm Giáp Thân (1884) đời Vua Kiến Phúc, Hòa thượng Vĩnh Gia được cử trụ trì Chùa Linh Ứng. khoảng năm 1887 – 1888 Hòa thượng Vĩnh Gia kế thế trụ trì Chùa Phước Lâm sau khi bổn sư viên tịch, Hòa thượng trùng tu lại chùa.

Năm Canh Tuất (1910) đời vua Duy Tân, Hòa thượng Vĩnh Gia khai đại giới đàn ở chùa Phước Lâm có hơn một ngàn giới tử, trong đó có thiền sư Thích Tịnh Khiết và Thích Giác Nhiên (sau này là đệ nhất tăng thống và đệ nhị tăng thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam).

Ngày 20 tháng 3 năm Mậu Ngọ(1918) niên hiệu Khải Định thứ ba, Hòa thượng Vĩnh Gia viên tịch ở chùa Phước Lâm, đồ chúng lập tháp thờ trong khuông viên chùa, đệ tử là Phổ Minh và Phổ Truyền lập bia. Đệ tử của Hòa thượng là sư Chơn Thể – Phổ Minh (Đạo Viên) kế thế trụ trì chùa Phước Lâm, kế thế là sư Như Vạn – Giải Thọ, hiệu Trí Phước. Trụ trì chùa Phước Lâm hiện nay (1992) là hòa thượng Như Nhàn – Giải Lạc, hiệu Trí Giác.

2.5.4.    Chùa Vạn Đức:

Chùa Vạn Đức ở xứ cây cau, đô thị Hội An, Tỉnh Quảng Nam, nay thuộc xã Cẩm Hà, Thị Xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chùa Vạn Đức được thiền sư Minh Lương – Thành Đẳng (1686-1769) thành lập vào tiền bán thế kỷ 18. Chùa được cải tiến từ ngôi nhà của cha mẹ sư. Kế thế Hòa thượng Minh Lương trụ trì chùa Vạn Đức là đệ tử của Ngài, thiền sư Phật Tuyết – Tường Quan. Sư Tường Quang cầu pháp với Hòa thượng Thiệt Dinh – Chánh Hiển ở chùa Phước Lâm nên còn có pháp danh là Pháp Ấn và kế thế trụ trì chùa này một thời gian.

Tiếp theo thiền sư Tường Quang là thiền sư Phổ Triêm thuộc phái thiền Lâm Tế, chi phái Chúc Thánh, đời 36, sư trùng hưng lại chùa Vạn Đức. Kế thế Hòa thượng Phổ Triêm, đệ tử là thiền sư Toàn Đức – Hoằng Tuyên hay Hoằng Tông.

Năm 1818 sư Hoằng Tông trùng tu chùa Vạn Đức, đúc đại hồng chung cho chùa dưới sự chứng minh của hòa thượng Minh Giác. Đại hồng chung này hiện còn ở chùa, trên chuông có khắc: “ Vạn Đức Tự trụ trì Hoằng Tông đại sư, thiên vận Mậu dần niên, thất nguyệt cát nhật Minh Giác Đại lão Hòa thượng chứng minh”. Đại sư Toàn Đức – Hoằng Tông sinh giờ ngọ, ngày 20 tháng 12 năm kỷ hợi (cuối năm 1779 đầu năm (1780) tịch vào giờ Mùi, ngày 28 tháng 10 năm Quý Mão (1843).

Kế thế đại sư Toàn Đức – Hoằng Tông trụ trì Chùa Vạn Đức là các đệ tử và pháp tôn của Ngài.

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.