Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

2.1.3. Tín Ngưỡng:

Từ khởi nguyên lịch sử nhân loài nói chung và lịch sử dân tộc nói riêng, khi con người chưa có điều kiện giao tiếp, khi giao thông chưa đầy đủ thuận tiện, khi con người chưa hiểu biết lẫn nhau thì hình thức tín ngưỡng của mỗi dân tộc, mỗi địa phương được tôn trọng tuyệt đối.

Khi nói đến tín ngưỡng là nói đế sự sùng tín, nói đến sự thờ phụng, nói đến việc thi hành những nghi thức đặt ra bởi một phong tục tập quán bởi một tôn giáo. Mỗi nghi thức đều khác nhau, tùy theo tín ngưỡng của các tôn giáo mà có nghi thức khác nhau theo sự thờ cúng các vị thần linh v.v… Người Việt từ xưa đến nay theo nhiều tôn giáo, đối với bất cứ một tôn giáo nào khi người ta tin theo thì đều có sự ngưỡng mộ, cung kính và tin tưởng. Ngoài các tôn giáo ra, dân ta còn kính thờ tổ tiên, thờ kính các vị anh hùng của dân tộc và thờ bất cứ người nào đã có ơn với tổ tiên của họ.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và nhân dân ta chấp nhận dung hòa các tôn giáo nếu tôn giáo đó không đi ngược lại với căn bản đạo đức của dân tộc, không chống lại những điều đã được tổ tiên công nhận. Ngay từ trong văn hóa Đông Sơn, qua truyền thuyết và các hiện vật khảo cổ nhất là trống đồng, người Việt cổ đã có những tín ngưỡng phổ quát được bám rễ sâu rộng trong nhân dân. Về tín ngưỡng trong nhân gian thì có rất nhiều, nhưng ở đây chỉ nêu một vài tín ngưỡng tiêu biểu mà thôi.

Tín ngưỡng mặt trời: Với nền kinh tế công nghiệp trồng lúa là chính nên  con người Việt cổ rất coi trọng và phụ thuộc vào nước và ánh sáng. Từ đây hình thành tín ngưỡng thờ mặt trời và các hiện tượng tự nhiên có liên quan. Trên tất cả các mặt của trống đồng, hình mặt trời bao giờ cũng được đúc nổi lên, cao hơn ở vị trí trung tâm trang trọng nhất. khi tiếng chuông vang lên là sự hô cầu của mọi người để rồi trời cao hưởng ứng với tiếng báo hiệu trời mưa. Vì vậy họ rất chí thành, tin tưởng đến thần mặt trời và luôn tôn trọng những tiếng chuông ấy mỗi khi cất lên.

Tín ngưỡng Mẫu: Các hiện tượng trực quan là Mây – Mưa – Sấm – Chớp được xem là các vị thần – bà đỡ của nghề nông mà người ta thường gọi là các Bà trong tín ngưỡng về Mẫu. Cho đến khi Phật giáo du nhập vào nước ta, trong phương thức tồn tại thì cộng sinh ngay với tín ngưỡng bản địa thì các bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp được xem là con Phật đầy phép huyền nhiệm với tên Hán Việt là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện mà mọi người gọi chung là Tứ Pháp. Với huyền thoại và nguồn gốc của tứ Pháp là người mẹ Việt Nam – Man Nương trở thành Phật mẫu. Trên cơ sở tín ngưỡng Mẫu ấy, dân tộc ta đã có những anh hùng cứu nước đích thực đầu tiên là hai Bà Trưng, Bà Triệu với rất nhiều nữ tướng tài ba. Từ nguồn mạch ấy dân tộc ta tin vào triết lý “phúc đức tại mẫu”  và mọi người đều xác định “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Tín ngưỡng tổ tiên: Theo quan niệm của dân ta, tổ tiên sống ở thế giới bên kia nhưng vẫn theo dõi để phù hộ hay quở trách con cháu, do đó con cháu phải thờ cúng tổ tiên và ngày giỗ người thân trong gia đình trên hình thức tưởng niệm là cả một sinh hoạt văn hóa để mọi người cùng “uống nước nhớ nguồn”. Dù ở đâu, khi ngày cúng giỗ thì tất cả con cháu đều chí thành hướng lên bàn thờ thắp nén nhang tưởng niệm tổ tiên sinh ra mình. Từ đây bất cứ gia đình nào đều chọn phần trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình để đặt bàn thờ tổ tiên và lấy việc chăm sóc phần mộ tổ tiên làm trọng, hàng năm đều có tảo mộ. Chính tín ngưỡng thờ tổ tiên này đã gây cho nhiều người một ý thức đoàn kết và trọng đạo hiếu của người con, bên cạnh đó còn bao hàm với ý nghĩa sống sao cho sáng danh tổ tiên và con cháu sau này không hổ thẹn và có ích cho xã hội. Trên đây là nói đến những tín ngưỡng dân gian mà từ xưa cho đến ngày nay vẫn ăn sâu vào lòng người mà con người luôn chú trọng, thành kính tôn thờ bởi nó không chống lại những điều mà từ lâu đời tổ tiên ta đã công nhận.

Tín ngưỡng trong Phật giáo là thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, một con người lịch sử, một con người như bao triệu người khác, cũng chịu những điều đã có là sinh, lão, bệnh, tử, cũng phải chấp nhận sự chi phối của nóng, lạnh v.v… Nhưng ở người đã đạt đến sự chứng ngộ do thiền quán, sự tu tập trải qua bốn mươi chín ngày nhập định dưới cội bồ đề để rồi bừng sáng lên một con đường giác ngộ, con đường Trung đạo và con đường ấy trải qua hơn hai mươi thế kỷ vẫn là chân lý, vẫn là lẽ sống của hàng triệu triệu con người.

Ngược dòng thời gian, đạo Phật trong thời Lê Mạc lâm vào trang thái suy đồi, nhưng đứng về phương diện tín ngưỡng dân gian thì đạo Phật trong thời ấy vẫn được phát triển. Trong tín ngưỡng Phật giáo đại chúng những vấn đề ăn chay, phóng sanh, giữ giới và chẩn tế là những việc làm mang lại công đức cho bản thân và cho gia đình. Hơn nữa muốn họ dựng công đức thì phải phát nguyện làm chùa xây tháp, đúc tượng, in kinh. Giới tín đồ đại chúng luôn hành đạo theo đường lối ấy. Họ tin rằng sẽ được nhiều phước báo, nhiều công đức bởi vì đức tin về nhân quả báo ứng càng ngày càng ăn sâu vào lòng họ. Với ý nghĩa ấy, họ ra sức xây chùa, lập tháp đến nỗi năm 1464 vua Lê Thánh Tông phải ra lệnh cấm xây thêm chùa mới. Mặc  dù vua ra lệnh cấm, nhưng đức tin của quần chúng quá mạnh nên phải tác động đến hành động của vua quan. Trong thời Lê thường xảy ra nhiều vụ hạn hán, những nho thần  kỳ thị đạo Phật không ưa việc tổ chức tụng kinh để cầu mưa và vì vậy những hiện tượng như mưa, lụt, hạn hán, sâu ăn lúa v.v… theo quần chúng chính là do nhà Vua, các quan ăn ở thất đức mà ra. Vì vậy vua quan phải chiều theo ý dân mà tự trách, sám hối, thả tù nhân, làm chay, đảo vũ. Mùa hạ năm 1434 buộc lòng vua Lê Thánh Tông sai các quần thần rước Phật từ chùa Pháp Vân về kinh đô để làm lễ cầu mưa, cho phóng thích một số tù nhân, lại dựng trai đàn chẩn tế ngay trong điện Cần Chánh để tu tạo công đức cầu mưa. Rằng tháng bảy năm ấy vua lại tổ chức đại lễ Vu Lan mời chư tăng đến cầu nguyện, cúng dường. Như vậy tín ngưỡng của đại chúng tín đồ đã làm lay chuyển đến tư tưởng của vua quan thời phong kiến thiên về đạo Khổng.

Lại nữa vào mùa hạ năm 1448 có hạn hán lớn, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho tất cả các quan văn quan võ phải ăn chay và giữ mình cho trong sạch để tới chùa Báo Ân ở cung Cảnh Linh mà làm lễ cầu mưa, đích thân vua tới lạy trước điện Phật, lại thỉnh chư tăng đến tụng kinh sám hối, cầu nguyện. Vua Lê Nhân Tông xuống chiếu tự trách mình: “Từ trước tới nay, tai dị xảy ra luôn luôn như lụt lội, hạn hán, mất mùa… không năm nào không có – hoặc triều chính của trẫm  trên không thuận lòng trời, dưới chưa thỏa chí dân mà sinh ra thế chăng ? Hoặc các đại thần giúp đỡ không phải là người giỏi, điều hòa trái phép, xếp đặt trái lẽ mà sinh ra thế chăng? Nay các ngươi trên từ thần liêu trong ngoài, dưới đến các sĩ dân có người nào vì trẫm dám nói, chỉ ra những việc của trẫm và các tể thần hại đến nhân dân chính sự chăng” [21,503]

Năm 1449 lại có đại hạn, vua lại tổ chức lễ cầu mưa tại cung Cảnh Linh. Những việc cầu mưa, thả tù nhân, thỉnh tăng tụng kinh, sám hối như trên chứng tỏ rằng đạo Phật có gốc rễ rất sâu xa trong dân chúng, và triều đình không thể không chiều theo tín ngưỡng ấy mỗi khi có áp lực.

Phật giáo với giáo lý luân hồi lục đạo đã đi vào lòng người, những lý luận, những lời dạy khiến mọi người đều có một lòng tin rằng phải sống thật, sống hiền, sống tốt để khi chết được về cõi lành. Từ đây, con người biết sợ nhân ác, luôn làm những điều thiện, làm hết sức mình để đem lại niềm vui đến cho đời để nhận lấy những niềm vui. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, bất luận làm một công việc gì dù quyền quý giàu sang, quyền cao chức trọng như những người giám đốc, bộ trưởng vv…cho đến người nghèo cùng khốn khổ, hễ ai làm những việc ác, những việc trái với đạo lý, trái với luân thường thì tâm người đó luôn bất an, sợ hãi, lúc nào cũng lo lắng có người khác muốn trả thù, ghét bỏ. Vì vậy, ta có thể kết luận rằng giáo lý luân hồi nghiệp báo, nhân quả của Phậât giáo đã khiến cho con người có lòng tin rằng sẽ còn kiếp sau nên phải làm thiện, sống tốt để tránh khỏi những cảnh ác báo sau này.

Đức Phật đã tuyên bố rằng: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật”. Với câu nói này  từ khi Phật giáo mới du nhập vào nước ta thì cái “gen” đạo Phật đã có gốc rễ rất thâm sâu trong máu người Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi tiếp đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam nhân dịp đại hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1981 đã nói: “Trong lòng người Việt Nam nào cũng có một ông Phật” với câu nói thời danh đó đã nói lên một chân lý của Phật giáo đời Trần, đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam, là thời đại mà thông qua sự lãnh đạo tài tình của những ông vua đồng thời là thiền sư, những tướng tá đồng thời là nhà Phật học, sức mạnh tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo đã biến thành sức mạnh của cả dân tộc, một dân tộc nhỏ bé đương đầu thắng lợi với ba cuộc xâm lăng liên tiếp của Nguyên Mông. Chân lý trong câu nói ấy thật giản dị, đức Phật không ở đâu xa mà Ngài ở ngay tại tâm mình, lòng mình. Chỉ cần làm sạch lòng thì Phật sẽ hiện bởi vì Phật chính là mình chứ không ai khác, cũng như vua Trần Nhân Tông đã từng viết:

Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bổn, nên ta tìm Bụt
Chỉn mới hay chính Bụt là ta”ụ

Xã hội được tốt đẹp, tiến bộ là nhờ có những con người có niềm tin như thế. Chân giá trị của Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung là hướng con người tới cái toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ mà biểu tượng nhân cách hóa chính  là Đức Phật cũng như các giáo chủ của các tôn giáo trên thế giới khác. Mà không riêng gì các tôn giáo, các tư tưởng gia trên thế giới, tuy có thể không tin theo một tôn giáo nào nhưng lại tin tưởng ở vai trò siêu việt của con người trong vũ trụ.

Với tinh thần từ bi cứu khổ của Phật giáo đã có một sự ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người. Đa số người dân cho rằng Quan Thế Âm là Phật Bà, là mẹ hiền Quán Thế Âm. Với hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm biểu hiện ra như một người Mẹ luôn sẵn sàng bảo bọc lấy những đứa con của mình, bằng hình tượng cứu khổ cứu nạn nên bao người lầm than, lạc lối thường đến lạy Mẹ hiền cứu khổ, và cũng từ đây chân dung của Mẹ được quan tâm đến,  con người được sanh ra, lớn lên đều từ đôi tay của mẹ, cứ như thế hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát với hạnh nguyện từ bi đã đi vào lòng người một cách sâu sắc.

Từ xưa hai vị Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải đã chiếm một vị trí khá quan trọng trong đức tin người dân quê Việt Nam. Thị Kính là hình ảnh của một lòng tha thứ bao la, một đức nhẫn nhục không bến bờ. Quan Âm Nam Hải hay Diệu Thiện là hình ảnh của một ý chí bền vững, một tình thương rộng lớn bao trùm tất cả.

Chân như đạo Phật  rất mầu
Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được song thân
>Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài
”.

Trong truyện Nam Hải Quan Âm cũng có đoạn đức chúa Ba trả hiếu cứu cha bằng cách chặt đôi cánh tay và móc đôi mắt của mình để trị bệnh cho cha, cũng từ ý nghĩa này mà ngày nay trong Phật giáo luôn đề cao đạo hiếu. Mỗi năm rằm tháng bảy, noi gương đức Đại Mục Kiền Liên để trả hiếu cho cha mẹ. Như vậy đối với văn hóa tín ngưỡng, Phật giáo đã góp phần không nhỏ tô đậm thêm cho cuộc sống hoàn thiện hơn.

Phật giáo đề cập đến rất nhiều mặt trong cuộc sống con người. Từ ngày lập quốc, dân tộc ta đã trãi qua nhiều hoạn nạn, cho nên yếu tố đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn đã trở thành truyền thống. Bất cứ lúc nào, nhu cầu này cũng đáp ứng đúng với nguyện vọng của người dân, tư tưởng bình đẳng và từ bi của Phật giáo đã đóng góp không nhỏ để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân thêm đậm đà tình thương yêu đùm bộc lẫn nhau trong nhân dân, không phân chia giai cấp sang hèn.

Một yếu tố nữa mà Phật giáo góp phần vào cuộc sống xã hội là vấn đề tự cường dân tộc, chủ thuyết nổ lực tối đa của Phật giáo hoàn toàn thích ứng. Phật giáo là một tôn giáo có triết lý tự cường đặc biệt, đã cung cấp cho dân Việt một hệ tư tưởng khả dĩ : “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” đã động viên, khích lệ mọi người hãy nương tựa vào chính mình, tự thắng mình cũng đồng nghĩa với việc con người có thể phát huy tối đa, triển khai tột độ sức mạnh bản thân, mở đường cho con người trở thành anh hùng vĩ đại, khẳng định mầm giác ngộ sẵn có trong mỗi con người. Dựa trên điều này, con người đã tự vũ trang cho mình một lòng tin, một niềm tự hào vô hạn.

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.