Ảnh hưởng của Phật Giáo đến đời sống văn hoá vùng Quảng Nam

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: SƠ LƯỢC VỀ QUẢNG NAM ĐÀ NẴNG

1.1.Khái quát về địa lí nhân văn và sinh thái vùng Quảng Nam Đà Nẵng:

Sinh thái là sự tổng hợp của thiên nhiên, vũ trụ, thời tiết, gió mùa. Cái rộng lớn của biển cả, của núi rừng đã che chở cho vùng đất Quảng Nam một địa thế hùng vĩ. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “địa hạt tỉnh, phía đông có biển bao vòng, phía tây  có núi che chở phía Nam liền tỉnh Quảng Ngãi, rừng Trí Bình giới hạn cõi bờ, phía Bắc hướng về Kinh Đô, cửa Hải Vân chen chỗ xung yếu. Núi cao thì có núi  Tào, Núi Ấn, Núi Chủ, Núi Ngũ Hành Sơn. Sông lớn thì  có Sông  Chợ Củi (sài thị), Sông  Cẩm Lệ và  Sông  Bến Ván (Bản Tân), ải  sông  hiểm  trở, lao đảo xây quanh, đồng nội rộng bằng, dân cư đông đúc. Đặc điểm thì  phía Tây Nam có các bảo định vàYên Sơn khống chế giặc Man mà dẹp yên biên cảnh. Phía Đông Bắc có các  thành Yên Hải và Điện Hải ngăn cản  giặc Tây mà giữ vững mặt biển. Cửa biển Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ  phố  Hội An hàng hóa  nhóm đầy, thực là  nơi đô hội mà  là một  tỉnh lớn trong khu Nam trực vậy” [13,296]

Với địa hình  như vậy, sinh thái đã ảnh hưởng đến con người, đến cuộc sống, đến tánh tình của người dân xứ Quảng. Được bao bọc bởi núi non biển cả, bờ biển  chạy dài từ cực Bắc đến cực Nam. Sau lưng là dãy trường Sơn án ngự cả biên giới Việt Lào, núi non trùng trùng bốn phía đều là núi non biển cả.Vì thế ảnh hưởng của  địa lý sinh thái đã làm cho con ngươì Quảng Nam luôn có một nghị lực phi thường một sức chịu khó. Đất Quảng Nam xưa nay vẫn để lại trong lòng nhiều  người một ấn tượng không lấy gì tốt đẹp, đa số nhân dân lao động một cụôc đời lầm than khốn khổ, quanh năm suốt tháng cặm cụi cùng vạt khoai nương sắn, con người nông dân bị bao quanh bởi bốn bờ ruộng. Hơn nữa, khí hậu thêm phần khắc nghiệt, có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ ràng nói chung vùng Quảng Nam Đà Nẵng so với các  vùng  phía Nam thì không bằng.Tuy thế, thiên nhiên cũng đã ban tặng cho vùng  đất  Quảng Nam Đà Nẵng những nguồn sống khác. Biển cả đã cưu mang cho người dân có được cuộc sống ấm no hơn, núi  rừng cũng  thế.Với núi non biển cả như  thế đã tạo cho Quảng Nam một khí hậu dễ chịu bởi gió biển, những bóng mát từ những dãy núi đồ sộ. Thiên nhiên vẫn có phần ưu ái cho vùng đất Quảng Nam nhiều thắng cảnh, những khu du lịch tự nhiên lý tưởng như Non Nước Ngũ Hành  Sơn, Bà Nà núi chúa, Bán Đảo Sơn Trà v.v…(sẽ được trình  bày ở phần sau). Những  điều  kiện  ấy có ảnh hưởng rất  lớn đến đời sống con  người. Nói  chung Quảng  Nam Đà Nẵng là  một tỉnh trù phú, đồng bằng ở đây chỉ chiếm 12% diện tích toàn tỉnh, còn lại là  rừng  núi, nhưng so với các  tỉnh  khác ở  miền  Trung bộ  ở  nước ta thì  đồng  bằng Quảng  Nam Đà Nẵng vẫn  tương đối  rộng  lớn.

“Quảng  Nam là  đất  quê mình
Núi đồng sông biển rành  rành  từ đâu
Bắc  thừa thiên giáp Hải Vân
Nam thì  Quảng  Ngãi giáp  gần  núi  phong
Tây thì  giáp đến gần  sông Buong
Rừng cao rừng  thấp mấy  tầng  mây xanh
Đông thì biển  rộng  thênh  thang
Đất đai trăm dặm rành  rành  như  ghi” [4,15]

Ngày nay, với sự chuyển mình theo sự phát triển của cả nước, vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng đã tách ra hai tỉnh thành là Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam riêng biệt. Tuy thế hai tỉnh này cũng vẫn gắn bó với nhau bởi những điều kiện thiên nhiên, bởi những bờ biển chạy dài đến vô tận.

Tóm lại, vùng sinh thái Quảng Nam Đà Nẵng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người. Với những khắc nghiệt của khí hậu, những trận bảo lụt, những tai họa của thiên nhiên đã làm cho con người của vùng đất này có một sức chịu đựng, một sự đoàn kết để chống chọi lại với những thiên tai hạn hán. Vì thế trong cuộc sống, con người phải nỗ lực làm việc, chịu đựng mọi hoàn cảnh bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào nên họ ít khi ngừng nghỉ. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “đàn ông thì lo cày ruộng, đàn bà chăm lo nuôi tằm, dệt lụa. Núi sông hùng vĩ, nên con người tư chất thông minh, kẻ sĩ có lòng trung trực, lời nói ngay thẳng. Tuy thế đất thì xấu, sông núi thì chảy xiết nên tính người hay nóng nảy, ít trầm tĩnh, chỉ những người học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc, việc qua lại thường xuyên, tình giao kết như ngày xưa và đều đặn, liên lạc, cúng tế bằng xướng ca. Đất thì xấu phong tục tiết kiệm, nhưng thật thà chất phác, phong thổ tất cả đều là như thế”.

1.2. Bối cảnh lịch sử và địa lí nhân văn:

Xét về lịch sử, tỉnh Quảng Nam được các lưu dân miền Bắc (Thanh, Nghệ, Tĩnh) vào khai phá lập nghiệp tạo thành. So với các tỉnh Nam Trung Bộ trở vào, thì  Quảng Nam là đất nước Vua Lê chúa Nguyễn chú ý nhiều trong việc mở mang bờ  cõi, cũng như phòng thủ kinh đô.

Ngược dòng thời gian thì Quảng Nam là quận Nhật Nam đời Hán, bị nước Lâm Ấp (chiêm thành) nhà Nhuận Hồ đánh lấy được động Chiêm, động Cổ Lũy, chia  đặt thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Đặt  các chức Thăng, Hoa, An Lộ Phủ Sứ để cai trị, lại di dân đến ở. Như vậy, phần đất này tương đối mới của  nước Đại Việt, vừa  mới  khai khẩn, dân cư mới  đến  lập  nghiệp.

Quảng Nam, một quê hương từng là bãi chiến trường của  các lực lượng giao tranh trong nhiều tháng năm, và cũng là nơi nghĩ  chân của  những  lưu dân về  miền  Nam trong các  giai đoạn  lịch sử. Nhưng  dầu  cho triều  đại trải  qua  bao nhiêu lần  hưng  vong, giang sơn tuy bao lần  đổi  chủ đất  đai này cuối cùng vẫn  là  của người  dân đất Quảng.

Kể  từ đầu thế kỷ 15(năm 1403) khu vực Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa đã chính  thức thông thuộc vào quyền lực nhà nước Đại Việt. Từ lãnh vực hành chính  công  quyền  đến phương diện công  pháp quốc tế, sử Trung Quốc, Việt Nam, Chiêm Thành đều  cho rằng vào đầu thế kỷ 15, cả  khu vực trên đã  do người Việt  cai quản. Năm 1403, triều đại nhà Hồ sau khi thương thảo với  triều  đình Chiêm Thành, họ đã thuận giao nộp cả Chiêm động (Bắc Quảng Nam), Cổ Lũy động (Nam Quảng Nam ngày nay) cho người Việt. Từ đó nhà Hồ(1400-1407) chia  đất Chiêm động và Cổ Lũy thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi đặt  lệ Thăng Hoa thống  lãnh bốn  châu.

Sang giữa thế kỷ15, vua Lê Nhân Tông (1446) đã cải tổ nền hành  chánh trong  nước bằng cách đặt các ty sở ở các Đạo. Sau đó(1471) vua Lê Thánh Tông (Hồng  Đức năm thứ 2) đã tổ chức hành chánh, tại các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đồng  thời đặt làm  đạo thừa  tuyên Quảng  Nam như các đạo  đã có từ  Quảng Bình trở ra. Danh  xưng Quảng Nam bắt đầu có từ đó trong lịch sử mở nước  của  tiền  nhân ta.

Năm 1471 Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam thống lĩnh ba phủ chín huyện. Sách  Thiên Nam Dư Hạ Tập cho rằng đời Hồng Đức khi vẽ bản đồ Đại Việt thì  Quảng  Nam Thừa Tuyên sứ ty thống lĩnh ba phủ chín huyện. Như vậy khu vực đạo Thừa  Tuyên Quảng Nam vào thế kỷ XV bao gồm  một vùng rộng  lớn từ  Nam Thuận Hóa vào sát núi Thạch Bi ở Phú Yên (nay thuộ tỉnh Phú Yên). Do đó, cả khu vực từ  rừng núi xuống đồng bằng và các hải đảo dọc theo lãnh thổ trên đều thuộc đạo Thừa Tuyên Quảng Nam. Sau đó (1490) đổi lại gọi là xứ Quảng Nam. Năm 1520 gọi là trấn Quảng Nam, năm 1602 (đời Gia Dũ-Nguyễn Hoàng) gọi là dinh Quảng  Nam gồm  cả ba phủ Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và Hoài Nhơn, phía bắc là phủ Điện Bàn và chúa Tiên sai con trai thứ  6 là Nguyễn Phước Nguyên (1563-1635) vào  trấn  thủ vì chúa và các cận thần đều xem đây là “đất yếu hầu của Miền Thuận Quảng”. Từ đó, ông cho lập dinh trấn ở xã Cần Húc thuộc đất Duy Xuyên, huyện Điện  Phước phủ Điện Bàn làm  ty sở. Năm 1604 cải đặt và đổi tên các khu vực hành  chánh hai xứ Thuận Hóa Quảng Nam lập ra huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng  Hoa (nay là các phủ Duy Xuyên) kể từ đó, dinh Quảng Nam là đất các thái tử thực sự cầm quyền ở một vùng đất mà chúa xem là quan trọng bậc nhất, như thái tử Nguyễn Phước Nguyên trấn thủ từ năm 1602-1613, sau khi kế nghiệp chúa Tiên rồi chúa Nguyễn Phước Nguyên trao dinh Quảng Nam lại cho thái tử Phước Kỳ, tiếp theo là Phước Lan… cho đến thế kỷ thứ XVIII khi vương quyền chúa Nguyễn tan rã mới chấm dứt.

Năm Tân Dậu (1801) cũng gọi là Quảng Nam Dinh đến năm 1806 Vua Gia  Long đổi là Trực Lệ Quảng Nam dinh thuộc kinh sư, và đến năm 1832 đời Vua  Minh  Mạng thứ 13 đổi  thành tỉnh Quảng  Nam.

Mặc dầu trải qua bao lớp sống phế hưng, hai xứ Thuận Quảng nhân dân vẫn sung túc thanh bình.Với đất nước đó, chẳng bao lâu sau Nguyễn Hoàng (1558-1613) vào trấn thủ Thuận Hóa kiêm lãnh trấn Quảng Nam. Kể từ đó, tiền nhân ta đã lật sang một trang sử mới cho bức dư đồ Đại Việt và Quảng Nam trở thành một đơn vị hành chánh lớn của tổ quốc.

“Lịch sử mở đất phương nam của dân tộc là một quá trình dựng nước và giữ nước khởi đi từ buổi bình minh mở cõi của dân ta. Quá trình đó đã phát triển trong trường kỳ lịch sư ũdân tộc qua đời Lê – Trịnh – Nguyễn và cuối cùng là triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1945). Trong chiều dài lịch sử dựng nước và mở nước, nhân dân ta đã đỗ biết bao mồ hôi, nước mắt và không ít máu đào mới có một biên cương rộng lớn như ngày hôm nay. Biên cương ấy duỗi dài vào Nam, ra biển đông, khởi nguyên  từ đời nhà Hồ (1400 – 1407), qua Vua Lê chúa Nguyễn (1558 – 1788), triều Nguyễn (1809 – 1945) tiền nhân ta đã vạch lau lách, rừng bụi, núi non, bùn lầy để vươn dài lãnh thổ vào Nam, vượt trùng dương sống lớn đến quần đảo Hoàng Sa, Cù Lao Chàm … làm thành trì bảo vệ đất nước”. [28,31]

Sách Lịch Sử Việt Nam của Đào Duy Anh có ghi: “muốn gây cơ sở kinh tế cho công cuộc cát cứ, vì đất Thuận Quảng hẹp quá, chúa Nguyễn cần phải mở mang thêm bờ cõi. Bởi vậy chúa Nguyễn lại tiếp tục công cuộc Nam tiến của các triều Lý – Trần – Lê và ngay buổi đầu Nguyễn Hoàng đã lấn đất của Chiêm Thành đến Đại lãnh.

Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, sau kiêm lãnh xứ Quảng Nam, mà đất cực nam của Quảng Nam là huyện Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhơn tức là phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay. Bên kia đèo Cù Mông là nước Chiêm Thành.

Năm Tân Hợi (1611) chúa Nguyễn sai chủ sự là Văn Phong đem quân vào đánh Chiêm Thành, lấy đất bên kia đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi đặt làm Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa cho Văn Phong làm lưu thủ. Đó là bước Nam Tiến đầu tiên của các chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn khi lâm chung dặn công tử thứ sáu (chúa Hi Tông) rằng: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi vững bền; núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng, nếu biết dạy dân luyện binh để chóng chọi với nhà Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời, còn nếu thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chớ đừng bỏ quên lời dạy của ta”. Xem đó ta thấy rằng chúa Nguyễn đã nuôi chí mở rộng về phía Nam, phía các triều đại trước Lê – Lý – Trần đã hướng về và chính chúa đã tiến bước năm Tân Hợi. [19,296]

Xứ Thuận Hóa và Quảng Nam là vùng đất mới chiếm lại được của nhà Mạc năm 1554, lòng dân ở đây chưa tôn phục vua Lê chúa Trịnh. Đồng thời nhà Mạc cũng cho người khuấy động cho dân chúng nổi loạn và âm mưu đánh chiếm lại. Ngoài ra, đất Thuận Quảng là vùng đất mới, rừng núi hiểm trở, sương lam chướng khí và khí hậu độc địa. Trịnh Kiểm thấy rằng: nếu Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa thì không còn sợ bị tranh quyền, lại có người tài giữ đất, không cho nhà Mạc chiếm lại, bảo vệ được mặt nam của Tây Đô, chỉ còn lo đối phó với nhà Mạc ở phía Bắc mà thôi. Vì vậy, Trịnh Kiểm dâng biểu xin vua Lê Anh Tông cử Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa và được toàn quyền quyết định mọi việc ở địa phương.

Năm Mậu Ngọ (1558) Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa Đoan Quận Công chăm lo cho dân chúng, trấn Thuận Hóa trở nên thịnh vượng, trật tự an ninh vững chắc. Vua lại cho Nguyễn Hoàng trấn thủ luôn trấn Quảng Nam, mỗi năm chỉ phải nộp thuế cho triều đình 400 cân bạc và 500 tấn lụa.

Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng cai trị nhân hậu và tài giỏi nên xứ Thuận – Quảng được thái bình và thịnh vượng; trong khi đó, các vùng đất khác đều bị nghèo nàn và loạn lạc vì cuộc chiến tranh giữa nhà Mạc ở bắc triều (Đông Đô) và vua Lê chúa Trịnh ở Nam triều (Tây Đô). Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư  đã ca ngợi tài đức của Đoan Quận Công như sau: “Nguyễn Hoàng trị nhậm xứ Thuận – Quảng mấy chục năm, chính lệnh khoan hào, thưởng ban ân hậu, dùng pháp luật công bình, biết khuyên răn bản bộ, cấm trấp những kẻ hung ác. Dân hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam đều cảm lòng mến đức; thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn  bán, trao đổi phải giá. Quân lệnh nghiêm cẩn, mọi người đều ra sức… từ đó, nhà Mạc không dám dòm ngó, trong cõi được yên ổn làm ăn”.

Qua những sự kiện đã nêu trên, chúng ta thấy được rằng vùng đất Quảng Nam đã được các vua chúa triều Nguyễn  mở  mang thêm rộng lớn. Đồng thời có một sự  kiện quan trọng khác đó là Vua Trần Anh Tông gả em gái là Công Chúa Huyền  Trân cho vua Chế Mân, vua Chế Mân dâng hai châu là Châu Ô và Châu Lý làm  sính  lễ, vì vậy vùng đất Quảng  Nam  được  mở  rộng. Theo Khâm Định Việt Sử thì Châu Lý là các huyện Phú Vang, Phú Lộc (tỉnh thừa thiên) và các huyện Diên Phước, Hòa Vang (tỉnh Quảng Nam). Như vậy vùng đất Quảng Nam này có sự đóng góp của công chúa Huyền Trân. Ngày nay vùng đất này theo sự chuyển biến  của  xã hội đã thay da đổi thịt, trở thành  một thành phố lớn thứ ba  của đất nước.

Khi nói  đến nhân văn là đề cập đến  con người. Vùng đất này là vùng đất  đầu  Nam Tiến của Việt Nam, tập trung tất cả những sự kiên cường, là vùng  địa  lý nhân kiệt. Lịch sử Việt Nam mấy thế kỷ qua đã chứng minh đất QuảngNam đã hun đúc và sản sinh  ra nhiều nhà yêu nước, những chiến sĩ cách mạng. Ngay từ khi đặt  chân đến nước ta, Quảng Nam trở thành một căn cứ vững chải để tụ họp các phong trào chống Pháp và cũng là nơi cung cấp những  người  con ưu tú nhất  để hiến  dâng  đời  mình cho đất  nước như:

Hoàng Diệu: Liệt sĩ  danh tướng tự là Quang Viễn hiệu Tĩnh Trai, quê làng Xuân Đài, huyện Diên Phước,  tỉnh Quảng  Nam.

Phan Chu Trinh (1872 – 1926): Chí sĩ, là danh sĩ sinh ngày 9 – 9 – 1872 tự là Tử Cáo, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu là Hi Mã, quê làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh  Quảng  Nam.

Trần  Cao Vân (1866 -1916): Liệt sĩ, nhà yêu nước, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa  Duy Tân, quê làng Tư Phú, tông Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng  Nam.

Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947): Chí sĩ, danh sĩ, sinh vào khoảng tháng 11 năm 1876. Ông họ Huỳnh, tiểu danh là Thước, trước gọi là Hanh sau đổi là Thúc  Kháng tự  là Giới  sanh, hiệu  là Minh Viên. Quê làng Thạch Bình, tổng  Tiên Giang thượng, huyện Tiên Phước, phủ  Tam Kỳ, tỉnh  Quảng Nam.

Lê Đình Thám (1877 -1969): Bác sĩ, cư sĩ  Phật giáo, nhà hoạt động hòa bình, pháp danh Tâm Minh, quê làng Đông Mĩ, tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh  Quảng Nam.

Lê Đình Dương (1893 -1919): liệt sĩ cận đại, y sĩ  Đông Dương, anh ruột bác  sĩ  Lê Đình Thám, con thượng thư Đông Các đại học sĩ Lê Đĩnh. Quê làng Đông Mĩ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Trên đây là những người con được sinh  ra từ vùng  đất Quảng Nam, còn  rất  nhiều  thiên tài được sinh ra từ vùng  đất này, nhưng người viết chỉ nêu vài người mà thôi.

Sách Đất Việt Trời Nam của Thái Văn Kiểm có ghi khoa thi hội năm Mậu  Tuất (1898) trong số 18 vị chiếm bảng vàng, riêng tỉnh  Quảng Nam có đến 5 vị (3 tiến sĩ, 2 phó bảng) cho nên Vua Thành Thái mới ban cho mỗi vị bốn chữ: “Ngũ  Phụng Tề Phi” (năm con Phụng cùng bay). Người đương thời đã tặng cho năm vị  ấy “ Ngũ Hổ”.

1. Phạm Liệu ở Trừng Giang (Điện  Bàn)

2. Phạm Tuấn ở Xuân Đài (Điện Bàn)

3. Phan Quang ở Phước Sơn (Quế Sơn)

4. Dương Hiển Tiến ở Cẩm Lâu (Điện Bàn)

5. Ngô Lý ở Cẩm Sa (Điện Bàn)

Ngoài Ngũ Hổ, tỉnh Quảng Nam còn có Tứ Hùng là :

1. Phạm Liệu ở Trừng Giang (Điện Bàn)

2. Huỳnh Hanh tức Huỳnh Thúc Kháng ở Thăng Bình (Tiên Phước)

3. Võ Hoành ở Nam Phước (Duy Xuyên)

4. Nguyễn Đình Hiến ở Trung Lộc (Quế Sơn)

Bốn vị này đã liên tiếp đậu thủ khoa trong các khoa thi Hương. Người đương thời đã ghép thành vần cho dễ nhớ: Nhất Liệu, Nhì Hanh, Tam Hoành, Tứ Hiến .

Ngoài Ngũ Hổ và Tứ Hùng, Quảng Nam còn có Tứ Kiệt với bốn vị phó bảng đã đổ đầu khoa thi hội năm giáp thìn (1904)

1. Nguyễn Đình Hiến ở Trung Lộc (Quế Sơn)

2. Phan Châu Trinh ở Tây Hồ (Tiên Phước)

3. Võ Vĩ ở An Phú (Thăng Bình)

4. Nguyễn Mậu Hoán ở Phú Cốc (Quế Sơn)

Chúng ta nhận thấy rằng trong các bậc túc nho hồi đó có hai nhà cách mạng lừng danh là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh đã từng mở đường giải phóng và dân chủ hóa nước Việt Nam. [20,389]

1.3. Phật giáo trong quá trình lịch sử ở Quảng Nam  Đà Nẵng hiện nay:

Các chúa Nguyễn ngoài việc bảo vệ và mở mang Đàng Trong thì hầu hết đều là những người phật tử mộ đạo, hộ trì cho Phật giáo phát triển ở Đàng Trong, chăm lo xây dựng, trùng tu Chùa chiền luôn tạo điều kiện thuận lợi cho chư tăng tu học yên ổn. Từ đó những di tích thắng cảnh của Phật giáo được phát triển và những di sản văn hóa, những khu du lịch sinh thái từ đó mà được khai thác và phát triển cho đến ngày nay.

1.3.1. Phố Cổ Hội An: Phố cổ Hội An trước đây đã từng là thị xã và tỉnh lị của tỉnh Quảng Nam dưới thời Pháp thuộc (1898) và cũng là thị xã và tỉnh lị của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trong thời kỳ độc lập (1945) và sau đó là thị xã tương đương cấp huyện của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng sau khi miền nam được giải phóng (1975) và của tỉnh Quảng Nam sau khi chia tách tỉnh (1996).

Vào đầu thế kỷ thứ XIV, vùng đất thị xã Hội An ngày nay còn thuộc đất Lâm Ấp phố, một thương cảng nằm bên bờ sông chợ cũi (về sau được gọi là sông Thu Bồn), gần với biển hải khẩu Đại Chiêm (cửa đại ngày nay).

Sau khi vua ChămPa Chế mân dâng tiến hai Châu Ô, Châu Lý cho nhà Trần làm lễ vật nạp trưng để xin cưới công chúa Huyền Trân con gái thái thượng hoàng Trần Nhân Tông vào giữa năm 1306, vùng Đại Chiêm Lâm Ấp Phố đã nằm trong lãnh thổ Đại Việt.

Năm 1037 Vua Trần Anh Tông đã đặt tên cho hai châu mới đó là Thuận châu và Hóa châu. Hóa châu có huyện cực Nam là Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong mà ở đó có Lâm Ấp Phố, về sau địa danh Hội An mà người phương tây gọi là Faifoo đã thay thế cho Lâm Ấp Phố. Sau khi thuộc lãnh thổ Đại Việt, Hội An đã trở thành một đô thị thương cảng nổi tiếng ở Đàng Trong, quan hệ với đường hàng hải quốc tế từ phương tây sang phương đông, một trung tâm trung chuyển của con đương tơ lụa và gốm sứ xuyên đại dương trong những thế kỷ XVI – XVIII.

“Theo các nhà nghiên cứu, Hội An có nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử như : Hoài Phố, Hai Bô, Hổ Bi, Hai Phố, Cổ Trai, Cổ Tam”. [34,7]

Sách Kể Chuyện Đất Việt của Nguyễn Khắc Viện cũng đề cập đến những tên gọi khác nhau như : Hội  Phố, Hoài Phố, Hải Phố, Hoa Phố.

Theo Sách “Ô Châu Cận Lục” do Nguyễn Văn An nhuận sắc và được in dưới thời Nam Bắc triều (1527 – 1592) vào năm 1553 đã cho thấy vào thời kỳ đó, huyện Điện Bàn có 66 xã, trong đó có các xã Bàn Thạch, Hoài Phố, Cẩm Phố, Lai Nghi nhưng chưa thấy địa danh Hội An. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng Hoài Phố là tên gọi của Hội An xưa. Vùng đất thị xã Hội An ngày nay từ giữa năm 1306, sau khi Công Chúa Huyền Trân trở thành hoàng hậu nước ChămPa đã thuộc lãnh thổ của Đại Việt Việt Nam.

Vào thế kỷ thứ XVI, Nguyễn Hoàng thấy đây là nơi giàu có (vàng, yến sào, quế, đường, mật ong, ruộng muối, cẩm thạch) nên mới lập thành trấn và cử con trai là Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ, mở cửa Hội An buôn bán với bên ngoài. Người Trung Quốc và Nhật Bản đến buôn bán và thường trú ở những phố riêng. Sau đó còn có người Hòa Lan và những người phương tây khác. [36,66]

Thị xã Hộiả An là một đô thị nằm trên cửa đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển đông. Nơi đây vào thế kỷ XVI, XVII đã nổi tiếng với tên gọi Faifoo và rất quen thuộc với các thương nhân Nhật Bản, Inđônêxia, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia… Thời đó, thương cảng Hội An rất sầm uất bởi nó là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á. [31,445]

Như vậy, qua những dẫn chứng trên chúng ta biết được rằng trước khi phố Cổ Hội An được mang tên là Hội An thì đã có nhiều tên khác nhau như đã nói trên.

Tên gọi Hội An đã được nhắc tới trong các thư tịch cổ vào đầu thế kỷ XVII và đã phát hiện lần đầu tiên trên một văn bia dựng vào năm 1640 tại động Hoa Nghiêm của Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng.

Hội An nhờ chính sách mở cửa của thời các chúa Nguyễn mà cảng thị Hội An đã phát triển cực  thịnh trong  các  thế  kỷ XVII và XVIII  và bắt  đầu suy thoái vào cuối thế  kỷ XVIII và  đầu  thế  kỷ XIX , để  lại dấu ấn vàng son rực rỡ một thời của một đô thị cổ xưa nhất của  miền trung Việt Nam. Vào thời phát đạt nhất không gian của cảng thị Hội An dọc ven hai bờ sông Thu Bồn mà ngày xưa người ta gọi đoạn sông này chảy qua Hội An là Sài Giang Thị, kéo dài từ ngã ba sông Câu Lâu – Chợ Củi ở phía tây cho đến tận Quận Đảo Cù Lao Chàm ngoài biển  đông, mở rộng từ  các  cồn cát thuộc các xã Cẩm Châu, Cẩm Hà ở phía  Bắc cho đến ngã  ba  sông  Bà Rén – Thu Bồn và Trường  Giang –Thu Bồn về  phía  Nam.

Từ thế kỷ XVI Đại Việt hay Việt Nam ngày xưa chia thành hai miền : miền  Bắc hay Đàng Ngoài của triều đại Vua Lê chúa Trịnh và Miền Nam hay Đàng  Trong thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn. Các chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều  có ý đôà thông qua việc quan hệ ngoại giao và buôn bán với người nước  ngoài để mua sắm những vũ khí, đạn dược v.v… nhằm chuẩn bị cho việc chiến đấu lâu dài.

Ở phía Nam, các chúa Nguyễn đã tỏ ra cởi mở hơn trong việc quan hệ  chính  trị và thương mại đối với người nước ngoài nhằm  tăng cường  tiềm lực  kinh tế và xã hội, tạo nên được  một sức  mạnh quân sự đương đầu với chúa Trịnh ở phía  Bắc. Vì vậy các tàu thuyền buôn bán của các nước Đông Nam Châu Á đã đến buôn bán  ở Hội An.

Những  gười đến buôn  bán  đầu  tiên tại Hội An là người Nhật Bản. Có thể  từ năm 1598, một số thương gia Nhật Bản đã đến Hội An và xin phép chúa Nguyễn lập phố và dựng Chùa. Họ cũng là người lưu trú đầu  tiên sống ở Hội An và đã xây dựng ở phía Đông cảng thị này. Ở cuối phố của họ ở phía Tây, người Nhật đã xây dựng một chiếc cầu Nhật Bản hay Viễn Lai Kiều, nhưng đối với người dân địa  phương thì họ vẫn gọi bằng cái tên thân mật, dân dã  “Chùa Cầu”. Thật khó có thể  tưởng tượng nếu Hội An không còn Chùa Cầu. Nó nằm trong tiềm thức của mọi người như vị trí Hồ Gươm của Hà Nội, cầu Tràng Tiền của Huế … ca dao địa phương  có câu:

Ai xa  Phố Nội, Chùa Cầu
Để  thương, để nhớ, để sầu  cho ai
Để sầu cho khách  vãng  lai
Để thương, để nhớ cho ai chịu sầu. [24,103]

“Vị trí  cây cầu  này nối con đường cầu Nhật Bản (sau đổi  tên Cường Để và  nay là Trần Phú) và Duy Tân nay đổi Nguyễn thị Minh Khai) được xây dựng vào  khoảng thế kỷ XVII và được trùng  tu vào  khoảng  năm 1763, 1817, 1875, và 1917. Ta hãy đọc lại văn bia ghi việc trùng tu cầu do “Đinh Tường Phủ, Bá Tước Đình  Khê, Đốc hộc Trực Lê, dinh  Quảng Nam” soạn dưới đời Gia Long, năm 1817”. [24,104]

Người Nhật Bản bán ở Hội An những mặt hàng dùng để chế tạo vũ khí và đạn dược như Đồng, Sắt, Diêm Tiêu, Lưu Huỳnh, các mặt hàng Mỹ phẩm như Nhung, Gấm các mặt hàng tạp hóa chế tạo theo kiểu  Nhật.

Bên cạnh  đó, người Hoa là người thứ hai đến buôn bán tại Hội An, họ đến sau người Nhật khoảng  hai mươi năm. Có thể trước năm 1618, họ được phép  của  chúa  Nguyễn xây dựng phố khách ở bên kia cầu Nhật Bản. Tuy nhiên, trước khi phố  Nhật thiết lập ở Hội An cũng đã có những  thương  nhân người Hoa đến buôn bán. Họ bán những  mặt hàng  như: dược liệu, tơ lụa, nhung  gấm, nhũ  sắc, dầu  thơm, đồ thủy  tinh, đồ pha  lê, bạc, đồ sứ, lồng đèn, trái cây khô vv… Người Hà Lan buôn bán  những  mặt  hàng: đồng, chì, kẽm, bạc nén, các  loại  vải  quý như  len dạ, nỉ đỏ, nỉ đen vv… Còn  các  mặt hàng  xuất  khẩu của Đàng Trong tại cảng thị Hội An gồm có  các  Lâm Sản, Trầm Hương, Tinh Dầu, Xạ Hương, Gỗ v.v… các dược liệu quế, hồi, mật ong, mật gấu, sa nhân, thảo quả v.v… các  hải sản như: ngọc trai, vây cá, hải sâm, đồi mồi, cá, mực, tôm khô v.v…các nông sản như gạo, các loại đường, tiêu, thuốc lá vv…Các loại tơ tằm có thể cạnh tranh với tơ tăm Trung Hoa, các sản  phẩm thủ công nghiệp  đồ gốm (với  men đẹp hơn của Nhật Bản) ấm trà, độc bình vv…Người ta có thể nói rằng cảnh thị Hội An là điểm trung  chuyển của  con đường tơ lụa và  gốm sứ  xuyên đại dương trong  các thế  kỷ XVII –XVIII giữa các  nước phương Tây và phương  Đông.

Theo lịch sử Trung Hoa, hoàng đế Minh Thái Tổ sáng lập nhà Minh đã thực  hiện từ  năm 1371 đường lối lục  địa đóng cửa cấm các tàu  thuyền buôn bán ở nước mình  không được đi ra  nước  ngoài. Cho đến giữa thế  kỷ thứ XVI vào năm 1567, hoàng đế Trung Hoa Minh Mục Tông đã dỡ bỏ lệnh cấm, và các thương nhân người Hoa lại ồ ạt đến Hội An”. [34,27]

Đến một thời gian sau đó, có những nguyên nhân khiến phố Nhật đã biến mất trên bản đồ cảng thị Hội An. Để chốùng lại bọn hải tặc người Tây Ban Nha và Hà Lan nên (tướng quân Tôkưgawa Ieyasu) Mạc phủ ban chiếu chỉ cấm việc xuất dương của các thương thuyền Nhật Bản nhằm tránh mọi vụ hải tặc. Đến năm 1635, Mạc phủ đã cấm các công dân Nhật Bản đi ra nước ngoài và buộc những người Nhật đang lưu trú ở hải ngoại phải hồi hương nếu không họ sẽ bị xử tội. Do đó, những người Nhật đang sống và buôn bán ở cảng thị Hội An phải trở về tổ quốc và đó là nguyên nhân của sự suy thoái Phố Nhật ở Hội An, chỉ có bốn năm gia đình người Nhật xin phép nhà đương cục Việt Nam cư trú vĩnh viễn.

Trong cuộc nội chiến vào thế kỷ XVII giữa lực lượng quân Trịnh và quân Nguyễn, cảng thị Hội An đã bị tàn phá nặng nề, vào năm 1775 sau khi chiếm được Hội An quân Trịnh đã triệt phá nhà cửa của khu vực thương mại và chỉ để lại các công trình tín ngưỡng. Tuy nhiên may mắn thay Cầu Nhật Bản, Miếu Quan Công, Chùa Phật Quan Âm, Chùa Kim Sơn, Hội Quán Thương Dương không bị tàn phá.

Khoảng năm năm sau, cảng thị Hội An dần dần hồi sinh, hoạt động thương mại được phục hồi nhưng không đạt được như mức độ trước đây. Người Việt, người Minh Hương và người Hoa đã xây dựng lại Hội An từ những đổ nát của khu phố cũ, họ xây dựng những nhà cửa mới theo kiểu kiến trúc của họ và điều đó vô tình lại xóa đi mãi mãi các dấu vết của phố Nhật trên cảng thị Hội An.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng sau khi thống nhất nước Việt Nam, hoàng đế Gia Long đã cảm thấy ý đồ bành trướng và xâm lược của các nước phương tây đối với các nước Đông Nam Châu Á. Ấn Độ đã bị Anh chinh phục năm 1819, Philippin bị Tây Ban Nha cai trị từ năm 1565, người Anh xâm chiếm Mianma năm 1826, người Hà Lan đã tiến hành công cuộc thực dân ở Inđônêxia vào năm 1799, người Pháp đã có âm mưu toan xâm chiếm Việt Nam. Vì vậy mà Vua Gia Long và những Vua kế vị Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức của Việt Nam đã thực hiện một chính sách đóng cửa không quan hệ với các nước ngoài, nhất là các nước phương tây trừ Trung Hoa. Do đó, các thương thuyền nước ngoài không đến hội An nữa, đó là lý do tiên quyết của sự suy thoái của cảng thị Hội An mà nó đã bắt đầu từ cuối thế kỷũ XVIII trước khi các con đường giao thông, đường thủy dẫn tới Hội An bị trở ngại. [34,33]

Về nghệ thuật kiến trúc của các di tích lịch sử ở đô thị cổ Hội An là sự hòa điệu của các nghệ thuật Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. Đây là kết quả của một sự hỗn dung văn hóa của các nước Đông Nam Châu Á và Viễn Đông.

“Kiến trúc hệ mái truyền thống Việt Nam của các di tích lịch sử ở đô thị Hội An đều có độ dốc mái khá thống nhất với tỷ lệ 5/10 tức là 50%. Trong khi đó Chùa Cầu hay Lai Viễn Kiều do người Nhật thiết kế trước đây và được các nghệ nhân Việt Nam thi công lại có hệ mái với độ dốc khá nhỏ, gần như nằm ngang. Đó là một đặc điểm kiến trúc ít gặp thấy ở các nước Đông Nam Châu Á nhưng phổ biến ở vùng Viễn Đông, điều đó làm cho di tích cổ mang sắc thái kiến trúc Nhật Bản. Điều này đã làm cho không một ai có thể phủ nhận được sự có mặt của nền văn hóa Nhật Bản đã cấy trồng ở Hội An trong quá khứ. Song mái cầu Hội An đã kết hợp một cách hài hòa  với những bộ phận khác còn lại của công trình làm cho chiếc cầu mang một vẻ đẹp riêng nhưng gần gũi. Cấu trúc của bộ khung và độ cong thoải mái của nền cầu bằng gỗ là điểm gặp gỡ giao duyên của hai nền nghệ thuật, kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản”. [34,41]

Hội họa dân gian ở đô thị cổ Hội An thể hiện phổ biến dưới hình thức tranh vẽ trang trí nội thất với những bức tứ bình, tứ quý, các tranh phong cảnh, sơn thủy, chim thú bằng chất màu tươi sáng và các bức chân dung thờ bằng mực Tàu trên giấy đỏ mang dáng dấp Trung Hoa, có sức thấm đọng sâu sắc vào lòng người. Các bức tượng Phật lớn nhỏ, các vị thần trong các công trình tín ngưỡng, dù đứng riêng lẻ hay trong một tập thể đều là những công trình nghệ thuật tạc tượng độc đáo, gây được những ấn tượng thẩm mỹ mạnh mẽ.

Nói tóm lại, đô thị Hội An trải qua nhiều thế kỷ, qua nhiều chuyển biến  vẫn mang trong lòng mình những kiến trúc, những cách trang trí và vẻ đẹp cổ xưa trong mọi di tích lịch sử được thể hiện hài hòa của nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, từ đó tạo ra một phong cách riêng của Hội An. Đây là sự tổng hòa của quá trình hội nhập, thẩm thấu, dung hóa một cách chọn lọc các yếu tố văn hóa ngoại lai, một sự giao lưu và kết hợp giữa nền văn hóa dân tộc với nền văn hóa của thế giới ở khu vực Đông Nam Châu Á và Viễn Đông. Những di tích kiến trúc đã hội tụ, tổng hòa được các yếu tố của nền nghệ thuật truyền thống được làm phong phú thêm nhờ những yếu tố nghệ thuật nước ngoài, đa dạng về chủng loại, phong phú về đồ án, điêu luyện về đường nét. Tuy nhiên trong quá trình dung hóa văn hóa bên ngoài đó, phong cách Hội An vẫn truyền thống và bảo tồn được vững chắc các nền tảng  truyền thống bản sắc độc đáo và  sâu sắc của  dân tộc. Vì vậy mà tạo nên được sự hài hòa và  tính  chất  riêng của  Hội  An.

Ngày qua ngày, những người dân Hội An cảm nhận thêm rằng quê hương  mình là một bộ phận sáng ngời của di sản văn hóa Châu Á và có thể là toàn thể nhân loại, đã được các nhà khảo cổ học trên thế giới hết sức trân trọng. Chính vì  vậy mà giáo sư người Pháp Denys Lombas đã phát biểu: “Kiểu mẫu tiêu biểu của  thành  phố thương mại ở Việt Nam, ở Đông Nam Châu Á có thể chỉ ra là Hội An” [34,46]

Đô thị cổ Hội An, thành phố quê hương muôn vàn yêu dấu, đã ra đời trong  thời gian và không gian lịch sử của thời kỳ của Trung Đại Việt Nam, tồn tại qua  các thế kỷ và các thế hệ, rực rỡ trong phát triển, huy hoàng trong chín muồi, vàng son trong phồn thịnh, chìm đắm trong suy thoái, quằn quại trong chiến tranh để rồi lại hồi sinh mãnh liệt hơn bao giờ hết trong hòa bình với sự cuốn hút mới, không phải bằng  một  nền ngoại  thương  phong  phú hàng  hóa như xưa  mà  bằng  một  nền du lịch đầy sức hấp dẫn nhờ một quần thể kiến trúc cổ kính tuyệt vời của nền văn hóa với phong cách một không hai và đô thị cổ Hội An vẫn sống, vẫn duy trì  sự  tồn tại hiếm thấy của mình như một bảo tàng sống, vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa độc  đáo của mình, vẫn bảo tồn được các phong tục, tập quán riêng biệt của mình qua  bao thế hệ. Những ngôi nhà cổ sẽ giảm đi giá trị nếu như vắng bóng các chủ nhân đang sống hằng ngày ở đó để giữ gìn chúng. Cuộc sống ở đây thiêng về nội tâm, phảng phất nét trầm lắng. Sự ngưng đọng trong các đình chùa, các nhà thờ tộc, các hội quán, các nhà hình ống, các đường phố nhỏ hẹp như gợi nhớ những quá khứ vàng son, như lắng nghe  tiếng nói  của tiền nhân thầm thì trong các di tích, như ôm ấp bước chân thăng trầm qua các thời đại. Đô thị của họ vẫn giữ  được tính  cách riêng biệt, lối sinh hoạt lịch lãm, cách ứng xử ân tình của mình. Môi trường ở đây không bị chèn ép bởi các hoạt  động  công  nghiệp náo nhiệt, bởi  các  phương  tiện giao thông ồn ào, bụi bặm mà được trả về cái yên tĩnh, vỗ về cái êm đềm  ấp ủ, cái lắng động trong chiều sâu tâm hồn để mà hoài niệm, để mà suy ngẫm, để mà chiêm  ngưỡng, để mà nhớ thương.

Hội An Phố Cổ êm đềm
Xa người ta nhớ ngày đêm hỡi người
Phố xưa ai nhớ nụ cười
Cho lòng rạo rực bóng người không nguôi
(thơ Nguyễn Phước Tương)

Ngay từ ngày xưa, giáo sĩ Cristoforo Borri đã từng  đến Hội An nhiều lần từ 1618 cũng  đã  nhận thấy được bản chất  tốt  đẹp của người  dân Hội  An, người dân Đàng Trong của Đại Việt, ông đã viết trong nhật ký của  mình: “Bản năng  tự  nhiên của họ là tử  tế, ưa  làm  việc thiện, nhất là đối với người nghèo khi kêu gọi giúp đỡ, nếu từ chối họ sẽ bị coi là thiếu bổn phận như pháp lệnh buộc họ phải làm như vậy. Người Hội An có sự hòa hợp hoàn hảo, họ cư xử thân tình như anh em một nhà cả trước khi họ quen biết nhau”  [34,50]

Một thương gia khó tính người Pháp Pierre Poivre đã từng đến Hội An và Huế từ cuối năm 1794 đầu năm 1750 cũng đã từng nhận xét tương tự về người Hội An: “Người Hội An dũng cảm, cần cù, bản tính giản dị, thẳng thắn, tôn trọng sự thật, họ nghèo, ít học nhưng lịch thiệp, đặc biệt đối với người nước ngoài”. [34,50]

Ngày nay, khu phố cổ Hội An từng ngày đón một lượng khách du lịch đáng kể bởi do giá trị văn hóa nghệ thuật của các di tích lịch sử, kết hợp với các hoạt động văn hóa độc đáo và sự hiếu khách của nhân dân Hội An mà đô thị cổ đón khách càng ngày càng đông hơn, đặc biệt là khách nước ngoài. Hơn nữa nhờ sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng tình chấp hành của nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của thị ủy Hội An mà các công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu các di tích cũng như các hoạt động nghiên cứu khảo cổ, điều tra đã được tiến hành và khai triển có hiệu quả. Bởi vậy mà Ủy Ban Di Sản Thế Giới của tổ chức giáo dục khoa học văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO trong phiên họp toàn thể lần thứ 23 từ ngày 29.11 đến ngày 5.11.1999 tại thành phố Marrakech vương quốc Marốc, vào ngày 4.12.1999 đã công nhận đô thị cổ Hội An là di sản thế giới.

This entry was posted in Phật Giáo, Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.