Kinh Di Giáo Lược Giải – Phần 1 & 2

IX. Ðoạn Trừ Tâm Lý Kiêu Ngạo và Dua Nịnh 

Từ “Các thầy tỳ kheo hãy tự xoa đầu lấy chất trực làm căn bản”: Ðoạn kinh này về tu tập đoạn trừ tâm lý kiêu ngạo và dua nịnh. Ðây là những loại tâm lý làm ô nhiễm tâm và chướng ngại cho lộ trình tu tập:

1. Tâm kiêu ngạo: là tâm lý phiền não phụ thuộc của tâm lý mạn, là tâm lý thường tình của con người. Ðối với người xuất gia, nó là một chướng ngại lớn. Kinh văn dạy: “các thầy tỳ kheo, hãy tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặc áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống, tự thấy như vậy mà kiêu ngạo còn nổi lên thì phải cấp tốc tỏa chiết”. Người đời thường có tâm lý kiêu ngạo khi họ giàu có về vật chất, hoặc họ có địa vị cao trong xã hội, hoặc họ là người có nhan sắc đẹp đẽ. Trong khi đó người xuất gia từ bỏ tất cả tiền tài, danh vọng, sắc đẹp…đáng lẽ ra không có gì để kiêu ngạo. Kinh dạy “tự xoa đầu mình” là để ý thức điều đó, là người đã buông xả những gì thuộc về thế tục, mặc áo hoại sắc, xin thực phẩm mà sống, mà tu có gì đáng kiêu ngạo đâu ?! Tuy nhiên thực tế nhiều người xuất gia cũng có điều kiện để kiêu ngạo:

a) Người xuất gia nhờ phước báu được quần chúng ái mộ nên cúng dường vật chất đầy đủ, ăn mặc, phương tiện đi lại, nhà ở…nên ỷ lại vật chất mà sinh kiêu ngạo.

b) Người xuất gia vì được quần chúng tôn kính coi là bậc đạo sư, là Tăng bảo nên họ luôn luôn cung kính nghe lời, nên sinh tâm kiêu ngạo.

c) Người xuất gia có học, có trí thức có bằng cấp cao viết sách hay, thuyết pháp giỏi, chức vị lớn trong giáo hội, được nổi tiếng…nên sinh tâm kiêu ngạo.

d) Người xuất gia có tu tập, có chút sở đắc, có chút ít công phu sinh khen mình chê người mà kiêu ngạo.

Nếu không cảnh giác chú tâm ngăn ngừa tâm bất thiện khởi lên thì đôi khi chỉ một lý do nhỏ nhặt cũng dễ khởi tâm kiêu ngạo (chẳng hạn đẹp trai một chút ). Người tu hành đã dựa vào một thế lực nào đó; tiền tài, danh vọng, tài năng…thì sẽ vướng vào kiêu ngạo. Có người sự kiêu ngạo bộc lộ một cách rõ rệt, có người thì kiêu ngạo hoạt động thầm kín hơn, tất cả đều đem đến ô nhiễm tâm và chướng ngại con đường giải thoát. Kinh Pháp Cú đức Phật dạy:

“Việc đáng làm không làm  
Không đáng làm lại làm  
Người ngạo mạn phóng dật  
Lậu hoặc ắt tăng trưởng (PC kệ 292)

Phải chú tâm cảmh giác chế ngự tâm kiêu ngạo đường đạo mới khai thông, ngược lại tâm kiêu ngạo là khiêm tốn, đó là tâm người tu hành. Người đời họ có đủ các điều kiện để kiêu ngạo, nếu họ giữ tâm kiêu ngạo thì sự nghiệp của họ không thể lâu bền, phải biết khiêm tốn thì mới tồn tại lâu dài. Huống gì người xuất gia với mục đích giải thoát, về mặt thế tục đã xả bỏ không có vật gì đáng kể, về mặt tâm linh phải vượt thoát phiền não, mà mang nặng tâm kiêu ngạo thì thật không đáng.

2. Tâm dua nịnh: là tâm lý phiền não phụ thuộc của tham và si, là loại tâm lý ô nhiễm làm tâm hồn xu hướng thế tục. Tâm dua nịnh, một khía cạnh nào đó thì đi đôi với tâm kiêu ngạo, người kiêu ngạo với kẻ ngang hay dưới mình thì sẽ dua nịnh người trên mình, người hơn mình. Người có tâm dua nịnh thì nói hay làm chiều theo ý người khác, tâng bốc họ quá đáng để mưu cầu lợi lộc nào đó, với tâm dua nịnh họ không nói thật, nói thẳng mà nói quanh co xoa dịu bản ngã kẻ khác. Kinh văn Phật dạy: “tâm lý dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các thầy phải chất trực tâm mình. Phải ý thức dua nịnh quanh co chỉ để dối trá, mà người nhập đạo thì không thể như vậy.” Dua nịnh khác với ca ngợi tán dương người khác, trong khi ca ngợi tán dương một sự thật ưu việt của ai đó thì dua nịnh là những lời tâng bốc láo tóet có mục đích mờ ám. Ðó không phải là đức tính tốt của người xuất gia. Kinh Tăng Chi Ðức Phật dạy:”Mục đích của đời sống phạm hạnh không phải vì lừa dối quần chúng, mơn trớn quần chúng, không vì mục đích lợi dưỡng, danh vọng, cung kính…mà vì mục đích chế ngự, đoạn tận, ly tham, đoạn diệt…”(Tăng chi I Tr. 377).

Ðể giữ cho tâm mình được thanh thoát, thẳng thắn phù hợp với đức tính giải thoát, và cũng để giữ gìn tư cách của một vị tỳ kheo thì phải như kinh dạy: “ngay thẳng tâm mình, lấy đức tính chất trực làm căn bản” và trong Trung Bộ kinh, định nghĩa về Tăng rằng: “Ðệ tử của Thế Tôn đủ các đức tính diệu hạnh, trực hạnh, như lý hạnh và chánh hạnh” (kinh Ví dụ tấm vải).

Tóm lại kiêu ngạo và dua nịnh là những tâm lý ô nhiễm đều có tác dụng làm cho tâm hoen ố, rối loạn, chướng ngại con đường giải thoát, không xứng đáng cho tư cách phẩm chất của một vị tỳ kheo.

X. Tu Tập Hạnh Ít Ham Muốn và Biết Vừa Ðủ 

Từ “Các thầy tỳ kheo, phải biết kẻ ham muốn nhiều… đó là hạnh biết vừa đủ”: Ðoạn này nói về tu tập hạnh ít ham muốn và biết vừa đủ, cả hai đức tính này có liên quan với nhau, cái này hỗ trợ cho cái kia.

Người xuất gia phải đoạn trừ nguyên nhân của đau khổ, nguyên nhân căn bản chính là tham sân si. Ðó là những phiền não tùy miên rất khó nắm bắt mà đoạn diệt. Tuy nhiên những biểu hiện trên mặt tâm lý thì khá rõ, có thể hạn chế và đoạn trừ chúng , những ham muốn, những dục vọng luôn luôn khuấy động tâm tư, làm ô nhiễm tâm và chướng ngại sự tu tập. Vì vậy tu tập hạnh ít ham muốn và biết vừa đủ là để giảm dần tác dụng của tham tùy miên, sân tùy miên và si tùy miên.

1) Hạnh ít ham muốn

Kinh văn dạy: “các thầy tỳ kheo, phải biết kẻ ham muốn nhiều, thì nhiều sự cầu lợi nên khổ não cũng nhiều”. Ham muốn nhiều tức là lòng tham tăng trưởng, ham muốn nhiều thì khổ não cũng nhiều, điều này rất thực tế. Ðối tượng của ham muốn là 5 dục: sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon và xúc êm dịu. Ðây là những đối tượng mong cầu của thế tục, những ham muốn lạc thú luôn đi kèm với đau khổ.
Kinh Ðại Khổ Uẩn Ðức Phật dạy: đối với các dục phải biết rõ 3 khía cạnh của nó: vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly. Vị ngọt là dựa vào 5 dục sự khoái cảm, thích thú khởi lên, sự nguy hiểm là mặt trái của sự khoái cảm, thích thú ấy gồm có:

1. Muốn có 5 dục phải tìm kiếm, lao động vất vả phải đấu tranh với con người đồng loại và thiên nhiên, đôi khi bị bệnh hoạn, thương tật và chết chóc.

2. Vất vả như vậy mà không phải lúc nào cũng toại nguyện, có khi chỉ gánh lấy đau khổ mà không chút lợi lộc nào.

3. Nếu có tìm kiếm được đi nữa thì phải lo giữ gìn, nó trở thành đầu mối của tranh chấp, tranh đoạt giữa cha con, anh em, vợ chồng, tình cảm đạo lý tan tác.

4. Rồi bị trộm cắp, cướp giật, lường gạt, hãm hại…

Sự xuất ly là nhiếp phục được tham ái đối với các dục, là sự giải thoát khỏi sự trói buộc của các dục.

Có ai hưởng thụ 5 dục mà chỉ thuần sung sướng, không có đau khổ đâu?! Ðiều tất yếu là càng ham muốn nhiều càng khổ nhiều. Do vậy Phật dạy:

“Dục ái sinh sầu ưu  
Dục ái sinh sợ hãi  
Ai thoát khỏi ái dục  
Không sầu đâu sợ hãi” (PC kệ 215)

Sự khổ của ham muốn là không bao giờ thỏa mãn càng có nhiều càng ham muốn nhiều, tục ngữ có nói:”lòng tham không đáy”. Sự khao khát sẽ không cùng tận, sẽ dẫn dắt chúng ta đi vào hố thẳm khổ đau. Lòng ham muốn được kiềm chế, tâm hồn sẽ thanh thản và giải thoát. Khi con người bị nô lệ cho lạc thú giác quan thì các thiện pháp không thể tăng trưởng, những tiến bộ tâm linh sẽ bị dừng lại, tâm thức mờ tối, cho nên hộ trì các căn, chú tâm cảnh giác, là pháp tu tập để ngăn ngừa và đoạn trừ tâm lý ham muốn nhiều, kinh văn dạy: “Sự ít ham muốn cũng đã phải thực tập, huống chi sự ấy còn đem lại đủ các công đức”.

Người tu tập hạnh ít ham muốn là đạt được sự bình an thanh thản, dễ dàng đạt được ly tham, đoạn diệt, Niết bàn như kinh dạy: “thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thư thái, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn, có ít ham muốn là có Niết bàn.”

2) Hạnh biết vừa đủ:

Sự khác nhau giữa hạnh ít ham muốn và hạnh biết vừa đủ ở chỗ: “ít ham muốn là siêu thoát cái chưa phải của mình, biết vừa đủ là siêu thoát đối với cái đã là của mình” (Trí Quang, dịch giải kinh Di Giáo)
Kinh văn Phật dạy: “Các thầy tỳ kheo, muốn giải thoát khổ não thì các thầy hãy cứu xét sự biết vừa đủ, chính sự biết vừa đủ là giàu sang, vui thú và yên ổn”. Thông thưòng nhu cầu con người có 2 loại: nhu cầu sinh tồn và nhu cầu hưởng thụ. Nhu cầu sinh tồn là những nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ngủ nghỉ. Nhu cầu hưởng thụ là tìm kiếm lạc thú. Ðối tượng của nhu cầu hưởng thụ là 5 dục lạc như đã nói ở phần ít ham muốn. Ở đây đề cập đến nhu cầu sinh tồn mình cần phải biết vừa đủ.

Người xuất gia có nhu cầu thực phẩm, y áo, sàng tọa và dược phẩm để sống mà tu tập phạm hạnh, không phải để thỏa mãn dục vọng. Ðối với các nhu cầu sinh tồn này nếu người xuất gia không chú tâm cảnh giác thì có khả năng biến thành nhu cầu hưởng thụ như muốn ăn nhiều, ăn ngon, muốn mặc sang, mặc đẹp…Tâm lý biết đủ là thỏa mãn với cái đang có không mong cầu gì hơn, cái khổ bao giờ cũng gắn liền với cảm giác không thỏa mãn, không vừa ý. Nếu ta thỏa mãn ta vừa ý thì hết khổ. Như kinh văn Phật dạy: “Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Người không biết đủ thì có bao nhiêu cũng cho là thiếu nên kinh gọi là “tuy giàu mà nghèo”. Ngược lại thì “tuy nghèo mà giàu”, nghèo vì cảm giác thiếu thốn, giàu vì cảm giác thỏa mãn, vừa ý. Nguyễn Công Trứ, một nhà nho cũng nói: “biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ”.

Kinh Tăng Chi đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, người biết đủ với các loại (y phục, thực phẩm, sàng tọa, dược phẩm) ta tuyên bố rằng đây là một trong những phần của sa môn hạnh”(TC I Tr. 397).

“Này các tỳ kheo có 4 truyền thống là tỳ kheo biết đủ với bất cứ loại y nào, biết đủ với bất cứ đồ ăn khất thực nào, biết đủ với bất cứ loại sàng tọa nào, tỳ kheo ưa thích tu tập, ưa thích đoạn tận…đối với các nhu cầu y phục, thực phẩm, sàng tọa…nếu không có được thì không có lo âu tiếc nuối, nếu có được thì không tham đắm. Thấy sự nguy hiểm và với trí tuệ thấy sự xuất ly…đây gọi là tỳ kheo đứng trên thánh truyền thống kỳ cựu “được nhận biết là tối sơ” (TC I Tr. 380).

Ngày nay nhu cầu của người xuất gia không chỉ 4 thứ y phục, thực phẩm, sàng tọa và dược phẩm như xưa, có nhiều nhu cầu hiện đại hơn như nhà ở phương tiện đi lại máy móc phục vụ nhu cầu tri thức… nhưng vẫn trên cơ sở là nhu cầu thiết yếu và cần phải tu tập hạnh biết đủ, có không tham đắm, không có không lo âu tiếc nuối. Như vậy người xuất gia mới có thể giữ tâm an ổn, thanh thản và giải thoát, như đức Phật dạy trong kinh pháp cú:

“Không bệnh lợi tối thượng  
Biết đủ tiền tối thượng  
Thành kính đối với nhau là bà con tối thượng  
Niết bàn lạc tối thượng” (PC. Kệ 204)

XI. Tu Tập Hạnh Viễn Ly 

Từ “Các thầy tỳ kheo, muốn cầu yên tĩnh… đó là hạnh viễn ly”: Ðoạn này nói về tu tập hạnh viễn ly, nghĩa là xa lánh nơi ồn ào, náo động để chuyên tâm tu tập mới mong đạt được giải thoát. Kinh văn Ðức Phật dạy: “muốn cầu yên tĩnh vô vi và an lạc, thì các thầy phải thoát ly mọi sự ồn ào và bối rối, ở đơn độc và ở một cách thư thái”.
Ðời sống của người xuất gia thoát ly thế tục rất cần sự yên tĩnh và ít công việc, dành thì giờ tu tập và quán chiếu tự tâm, thấu suốt bản chất cuộc sống. Vì vậy thường ở nơi núi non thanh vắng, gần gũi với thiên nhiên, cách ly xóm làng rất phù hợp với đời sống xuất gia.

Người xuất gia mà bị ngoại cảnh chi phối thì khó chú tâm tu tập, môi trường yên tĩnh của núi rừng, khung cảnh thanh vắng hỗ trợ rất nhiều cho người chuyên tâm tu niệm, tuy nhiên nếu đồ chúng đông đảo thì cũng có những phiền não hệ lụy đến công việc, bởi sự sống chung và va chạm. Như vậy nơi yên tĩnh mà vẫn chưa yên ổn, vì vậy kinh văn dạy: “các thầy hãy thoát ly đồ chúng của mình và đồ chúng của người, ở đơn độc, thư thái và thanh vắng, dùng tư duy tu mà cắt đứt gốc rễ của đau khổ”. Dùng tư duy hướng đến đoạn trừ phiền não thì phải có đời sống độc cư, hoặc dành nhiều thì giờ cho riêng mình để tư duy tu. Ðồ chúng nhiều thì bị ảnh hưởng bởi cái vui cái buồn của đồ chúng không dễ gì mà không động tâm, như kinh dạy: “Nếu thích đồ chúng thì sẽ bị đồ chúng quấy phá như cây đại thọ mà cả bầy chim chóc tập hợp lại thì vẫn bị cái họa khô gãy”.

Tu tập hạnh viễn ly, mới nhìn qua có vẻ như trốn đời tiêu cực, lo cho mình, thật ra, đối với một người xuất gia tâm lực, trí lực còn yếu thì phải lo tu tập để tăng trưởng đạo lực, nếu chưa đủ năng lực mà lo lăng xăng cứu độ chúng sinh hay hoạt động Phật sự, bề ngoài thì có vẻ tích cực nhưng nội dung thì rối loạn nhiều hơn. Chúng sinh đau khổ không phải vì thiếu các bậc đạo sư, mà vì quá nhiều đạo sư chưa đủ năng lực, khả năng tu tập còn kém, phiền não còn nhiều mà sống xô bồ, đồ chúng đông đảo, công việc bề bộn, không còn thì giờ để tu niệm nên phiền não tăng trưởng, mục đích của mình không đạt. Bề ngoài là một tỳ kheo mà bên trong thì trống rỗng hoang vu, không có chất liệu của một tỳ kheo. Ðể giải quyết việc tu song hành với hoạt động Phật sự, các thầy thời nay tổ chức nhập thất có thời hạn hay định kỳ để nuôi dưỡng đạo lực là một giải quyết tạm ổn. Giải quyết tận gốc rễ vẫn là bớt việc, dành nhiều thời gian sống viễn ly, tu tập thiền qúan, và chánh niệm trong công việc hằng ngày. Nếu người xuất gia tu tập mà không nếm được vị ngọt của chánh pháp thường được gọi là pháp vị hay pháp hỷ, pháp lạc thì chắc chắn sẽ thoái thất công đức. Kinh Pháp Cú Ðức Phật dạy:

“Ðã nếm vị độc cư  
Ðược hưởng vị nhàn tịnh  
Không sợ hãi không ác  
Nếm được vị pháp hỷ” (PC. Kệ 205)

Có người thích đông đảo quần chúng, đông đảo đệ tử coi như đó là thành công trong sự nghiệp tu hành của mình. Ðông đảo quần chúng và đệ tử cũng có 2 mặt lợi và hại, cái mặt lợi là tác dụng độ sinh của mình sẽ đem đến lợi ích cho nhiều người, nếu mình đủ đức độ và tài năng, mình có khả năng giải thoát tự tại trong lòng cuộc đời, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn như hoa sen, hoặc như Phật dạy:

“Vui thay chúng ta sống  
Không rộn giữa rộn ràng  
Giữa những người rộn ràng  
Ta sống không rộn ràng” (PC. Kệ 199)

Còn mặt tai hại thì như kinh văn đã nói: “Như cây đại thọ mà có bầy chim chóc tập hợp lại thì vẫn bị cái họa khô gãy”. Có những hội chúng tốt đẹp giúp ta tu tập thẳng tiến, có những hội chúng kém cỏi làm cho ta thoái tâm Bồ đề. Ðức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, có những hội chúng nông nổi, hội chúng đấu tranh, hội chúng không thù thắng, hội chúng cặn bã…nhưng cũng có những hội chúng thâm sâu, hội chúng hòa hợp, hội chúng thù thắng và hội chúng tinh hoa” (TC I Tr. 84).

Sống độc cư cũng có mặt trái của nó, nếu thầy tỳ kheo không nhiệt tâm tinh cần tu tập đoạn trừ lậu hoặc, không sử dụng khả năng “tư duy tu” mà cắt đứt gốc rễ khổ đau thì sống độc cư là môi trường tốt cho sự sa đọa vì không ai kiểm soát, kiềm chế để thúc liểm thân tâm.

Trong thế giới hiện đại chúng ta không thể ẩn tu trong rừng sâu hoặc đóng cửa không liên hệ với thế giới bên ngoài. Ðiều cần thiết là viễn ly tâm lý ham thích quần chúng, ham thích đệ tử, phải biết rõ sự phiền toái và chướng ngại của đồ chúng đối với con đường tu tập, sống trong đồ chúng mà thoát ly đồ chúng, có vậy mới có thể thành đạt những gì cần thành đạt. Ðức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, tỳ kheo nào ưa thích hội chúng, ưa thích đồ chúng thì tỳ kheo ấy sẽ không hoan hỷ để sống một mình, sống viễn ly. Do vậy vị ấy không nắm giữ tướng của tâm, sẽ không làm viên mãn chánh kiến, không làm viên mãn chánh định, sẽ không từ bỏ các kiết sử và sẽ không chứng ngộ niết bàn”. (TC II Tr. 408).

Tóm lại sống viễn ly và tu tập hạnh viễn ly là giới hạn sự tác động của hoàn cảnh làm bất lợi và chướng ngại cho sự tu tập đoạn trừ phiền não, lậu hoặc. Mục đích là để hỗ trợ cho công phu tu tập và để sớm hoàn thành chí nguyện xuất gia.

Tổng kết phần giới học đến đây là hoàn tất. Như vậy giới có 4 bước: thọ trì giới bổn, hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm cảnh giác. Tác dụng của giới như vậy là rất căn bản cho tu tập thiền định và phát triển trí tuệ. Phần thọ trì giới bổn là phần bề ngoài, tác dụng chủ yếu của giới là ngăn ngừa tội lỗi và nhiễm ô tâm thức, huấn luyện thân và tâm trở nên thuần thục, trong sạch, nhu nhuyến là phần cốt lõi của giới. Vậy trong giới đã có tiềm tàng định và tuệ. Ðức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, thực hành con đường không có lỗi lầm và để có căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Con đường đó là hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác” (TC I Tr. 125).

Kinh Di Giáo đã xây dựng phần giới phù hợp với truyền thống và phù hợp với lộ trình tu tập tuần tự của tâm lý và khách quan. Chúng ta sẽ nghiên cứu những bước tiếp theo để thấy rõ hơn mối liên hệ Giới, Ðịnh, Tuệ và mục tiêu giải thoát.

Thích Viên Giác

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-73_4-1925_5-50_6-2_17-163_14-1_15-1/kinh-di-giao-luoc-giai-thich-vien-giac.html

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.