Kinh Di Giáo Lược Giải – Phần 1 & 2

III Tác Dụng Của Giới 

Từ: “Ðó là Như Lai nói tóm tắt… trú ẩn cho mọi thứ công đức”. Thuyết minh tác dụng của giới có 3:

1). Giới đưa đến giải thoát: “Giới thì chính thuận với căn bản giải thoát nên Như Lai mệnh danh là Ba-La-Ðề-Mộc-Xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định và trí tuệ có năng lực hủy diệt thống khổ”.

Ba-la-đề-mộc-xoa: một danh từ để gọi giới luật, dịch là biệt giải thoát. Tác dụng của giới là giải thoát, đoạn trừ những bất thiện của thân khẩu ý. Nguồn gốc của đau khổ là sự trói buộc của phiền não. Giới là đình chỉ ác nghiệp nên có tác dụng đưa đến giải thoát. Mặt khác giới phát sinh thiền định và trí tuệ nên có năng lực hủy diệt thống khổ. Vì vậy khi một người thọ trì giới mà cảm thấy gò bó, sinh nhiều phiền não, không thư thái thanh thản thì phải xem lại nội dung và phương pháp hành trì. Giới bao giờ cũng đưa đến sự thanh thản thân tâm.

2). Giới duy trì thiện pháp: “Ai giữ giới thì người đó có thiện pháp”, có một định nghĩa về giới nữa là tác thiện. Làm điều thiện là một hình thức giữ giới. Hơn nữa khi đình chỉ điều ác, ngăn ngừa điều ác thì bao hàm nghĩa tác thiện. Về mặt tâm lý khi khởi tâm không làm điều ác nghĩa là tâm đang hướng thượng, hướng thiện, những thiện chưa sinh sẽ sinh, thiện pháp đã sinh được tăng trưởng. Thiện pháp bao gồm ý niệm hướng thượng và hành vi, ngôn ngữ dẫn đến lợi ích an vui.

3) Giới thành tựu công đức: “không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh”. Công đức ở đây có nghĩa là những thành quả do tu tập mà có. Những thành quả ấy gồm các cấp độ thiền định như sơ thiền cho đến diệt thọ tưởng định, hoặc đến chứng tam minh.

Từ căn bản là giới con đường tu tập đưọc thiết lập, nhưng giới không phải chỉ là tuân thủ các giới điều mà còn bao gồm công phu tu tập, kiểm soát các nhiễm ô của tâm lý, thành tựu công đức là thực hiện viên mãn các bước tiếp theo. Kinh toán số Mục Kiền Liên (Trung A-hàm 144) và kinh Ganaka Moggallana (Trung bộ kinh 107) đưa ra đạo lộ tuần tự tu tập như sau:

a) Thầy tỳ kheo giữ gìn giới hạnh, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, có oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới.

b) Thầy tỳ kheo hộ trì các căn, khi mắt thấy sắc không nắm giữ tướng riêng, không nắm giữ tướng chung, những nguyên nhân gì làm cho tham ái, ưu bi khởi lên thì chế ngự đoạn trừ nguyên nhân ấy, thinh, hương…cũng vậy.

c) Thầy tỳ kheo tiết độ trong ăn uống, chân chánh quan sát ăn không để vui đùa, đam mê, trang sức cho thân mà chỉ để khỏi tổn hại thân, để giữ gìn phạm hạnh…

d) Thầy tỳ kheo được huấn luyện chú tâm cảnh giác ban ngày cũng như ban đêm, trong các hành động gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp.

e) Thầy tỳ kheo được huấn luyện chánh niệm tỉnh giác trong mọi động tác của thân thể khi đi đứng nằm ngồi…đều ý thức việc mình đang làm.

g) Thầy tỳ kheo được huấn luyện ngồi thiền ở một nơi thanh vắng, kiết già lưng thẳng, an trú niệm trước mặt, gột sạch tâm trí khỏi 5 triền cái…chứng sơ thiền cho đến tứ thiền…

Trong 6 bước đi truyền thống gọi là đạo lộ tuần tự tu tập 4 bước đầu được coi là bước giới luật, từ giới luật ấy công đức được phát sinh tức là thiền và tuệ sinh.

IV. Chế ngự các giác quan 

Từ “các thầy tỳ kheo đã ở trong tịnh giới… tàn diệt tất cả “: Ðây là bước đi thứ hai trong đạo lộ tuần tự tu tập mà đức Phâït đã dạy, gọi là hộ trì các căn. Hộ trì và bảo vệ giữ gìn các căn là các giác quan, nghĩa là đừng để cho 5 giác quan bị các đối tượng của nó dắt dẫn sai khiến. Kinh văn dạy: “đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự 5 thứ gíac quan”. Vậy giữ giới với chế ngự các giác quan là một. Ðối tượng của 5 giác quan có 5 thứ: sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon và xúc êm dịu. Ðây là các đối tượng hấp dẫn gọi là 5 dục lạc, các đối tượng này làm thỏa mãn lạc thọ của giác quan, đó là những gì mà chúng sinh tìm kiếm hướng đến. Khi đã tham đắm dục lạc rồi thì tâm mình không còn là của mình nữa, nó lệ thuộc vào thói quen hưởng thụ, khó có thể cất bước lên cao được.

Giữ gìn giới bổn mà cứ để cho 5 giác quan tự do dong ruổi theo trần cảnh thì khả năng giữ giới rất mong manh, và tâm thức không dừng lại ở phạm vi hưởng thụ dục lạc mà còn dẫn đến vô số tội lỗi, tác họa vô cùng, khó mà dừng lại được, ví như con ngựa hung hãn mà không có dây cương thì rất nguy hiểm. Hộ trì các căn trong kinh tạng Nikàya nói khá rõ: “khi mắt thấy sắc không nắm giữ tuớng riêng, không nắm giữ tuớng chung, những nguyên nhân gì làm cho tham ái, ưu bi khởi lên thì chế ngự và đoạn trừ nguyên nhân ấy. Ðối với các đối tượng thinh, hương, vị, xúc cũng như vậy”.

Kinh văn lấy ví dụ minh họa cho việc giữ gìn giác quan như “Như kẻ chăn trâu cầm gậy mà coi giữ không cho (trâu) phóng túng phạm vào lúa má của người. Hình ảnh thí dụ này rất hay, giữ gìn giác quan ví như người chăn trâu, sự cảnh giác cao độ ấy làm cho giác quan dần dần yên tỉnh. Thí dụ này có thể đã gợi hứng cho các thiền gia sáng tác 10 bức tranh chăn trâu nổi tiếng về sau.

Với cách thức cảnh giác giữ gìn các giác quan như vậy, giác quan sẽ thuần thục không có cơ hội để phóng túng chạy theo các đối tượng dục lạc. Nếu có lúc phóng túng đi nữa thì với sự hộ trì ấy sẽ làm cho giác quan trở lại thanh thản không lạc lối lâu, như kinh văn nói: “Giả sử có phóng túng 5 giác quan thì cũng không bao lâu ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả”.

Bước thứ hai này rất quan trọng, tập dừng lại các thói quen thuộc bản chất hay hiện tượng. Trước hết về mặt oai nghi tế hạnh sau đi dần vào tâm thức nội tại. Người xuất gia sẽ có phong cách ổn định, tinh thần vững chãi, tâm lực được củng cố. Do vậy tác dụng của giới được sâu sắc hơn. Vị tỳ kheo đi tới mục tiêu tối hậu của mình không có con đường nào khác là hộ trì các giác quan. Ðức Phật dạy rõ trong kinh Pháp cú:

360: “Lành thay phòng hộ mắt  
Lành thay phòng hộ tai  
Lành thay phòng hộ mũi  
Lành thay phòng hộ lưỡi” 

361: “Lành thay phòng hộ thân  
Lành thay phòng hộ lời  
Lành thay phòng hộ ý  
Lành thay phòng hộ tất cả  
Tỳ kheo phòng tất cả  
Thoát được mọi khổ đau “.

V. Chế Ngự Tâm Ý 

Từ “Năm thứ giác quan… chiết phục tâm mình”: Ðoạn này nói về chế ngự tâm ý, năm thứ giác quan do tâm chủ động, giác quan tự nó không có lỗi. Phần này vẫn là bước thứ hai của hộ trì các căn, mối liên hệ giữa giác quan và tâm ý chỉ là một mà thôi. Ðây là điểm đặc biệt của Phật giáo. Trong kinh Căn Tu Tập đức Phật đã bác bỏ quan điểm của Bà la môn Pasarìya, ông ta chủ trương rằng tu tập gíac quan là không nên thấy sắc với mắt, không nên nghe tiếng với tai. Ðúc Phật cho rằng như vậy là người mù người điếc sẽ đạt kết quả tu tập giác quan. Quan điểm của Phật là:” Này Anan, tỳ kheo khi mắt thấy sắc khởi lên vừa ý, khởi lên không vừa ý, khởi lên vừa ý và không vừa ý, chúng khởi lên như vậy vì chúng thuộc hữu vi nên thô trọng. Nếu chúng không khởi lên như vậy thì đó là cái an tịnh, cái thù diệu tức là xả tâm. Cho nên khi tâm khởi lên vừa ý, không vừa ý hay vừa ý và không vừa ý đều được đoạn diệt chỉ có xả tâm là tồn tại…” (TBK IV căn tu tập 152).

Ðức Phật muốn nói rằng khi mắt thấy đối tượng là sắc đẹp, tai nghe tiếng hay…thì tâm sẽ khởi lên 3 thái độ nhận thức: Một là vừa ý, hai là không vừa ý, ba là cũng vừa ý mà cũng không vừa ý (có cả hai). Khi tâm khởi lên như vậy đối với đối tượng là sắc hay thinh thì ta phải quán chiếu rằng sự khởi lên 3 thái độ ấy là không đúng, là sự vọng động, là sự thô trọng phàm phu. Nên quán chiếu để thấy rằng nếu tâm không khởi lên 3 thái độ như trên thì tâm an tĩnh thù diệu, cái đó là tâm xả. Nhờ quán chiếu như vậy nên khi các niệm về 3 thái độ khởi lên thì sẽ bị đoạn diệt ngay. Tu tập giác quan khác nhau là chỗ đó. Khi mới tu tập phải ngăn ngừa các giác quan đi theo thói quen thường tình là hướng đến các đối tượng lạc thú, tránh xa các đối tượng không lạc thú. Khi tu tập giác quan thuần thục rồi tức là phần thô hết, rồi phải tiếp tục cảnh giác chế ngự tâm ý vi tế đối với các đối tượng lạc thú, phải biết rằng tâm mới là chủ nhân của mọi thứ. Có người chủ quan cho rằng tu tâm mới quan trọng còn giác quan không cần bận tâm, rồi họ mặc cho giác quan nhìn ngắm, nghe ngóng, thưởng thức làm vỡ thành trì của tâm. Tuy nhiên nếu chỉ lo chế ngự giác quan mà quên rằng tâm mới là chủ thì trở nên thiển cận cố chấp, tác dụng để sinh bị hạn chế.

Lúc Phật sắp Niết bàn ngài Anan hỏi một số vấn đề cần thiết, trong đó có vấn đề đối xử với phụ nữ phải như thế nào. Anan hỏi:

– Bạch đức Thế Tôn chúng con phải cư xử với phái nữ như thế nào?

– Này Anan chớ có nhìn họ.

– Bạch Thế Tôn nếu phải nhìn họ thì phải làm như thế nào?

– Này Anan, chớ có nói chuyện với họ.

– Bạch Thế Tôn, nếu phải nói chuyện với họ thì làm như thế nào?

– Này Anan, phải an trú chánh niệm — (Kinh ÐBNB. 644)

Ðức Phật dạy đừng nhìn, đừng nói là để hộ trì giác quan đối với những đệ tử sơ cơ, tâm lý chưa vững chãi, tu tập chưa thuần thục, dễ bị ngoại cảnh thu hút. Ðức Phật dạy: phải an trú chánh niệm chính là chế ngự tâm ý, tâm ý được chế ngự thì việc nhìn hay nói với phụ nữ không có gì phải lo.

Kinh văn đưa ra một loạt ví dụ để nhấn mạnh đến cái tai họa của buông thả tâm ý và sự quan trọng của chế ngự tâm ý như: “Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy tràn lan, cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm”.

Tóm lại nhấn mạnh chế ngự tâm ý là vì:

– Tâm ý làm chủ của các giác quan, chế ngự giác quan đi đôi với chế ngự tâm ý thì mới có kết qủa.

– Tâm ý nếu không được chế ngự thì sẽ tạo tác ác nghiệp “không khác gì voi điên mà không có móc sắt, vượn khỉ mà được cây rừng”.

– Tâm ý được chế ngự thì có sức mạnh để thành tựu các công đức . Kinh văn nói:”chế ngự tâm ý lại một chỗ thì không việc gì không thành”.

Tu tập chế ngự tâm ý là một quá trình nỗ lực, tự mình điều phục tâm ý như kinh Pháp cú Phật dạy:

“Nỗ lực không phóng dật  
Tự điều khéo điều ngự  
Bậc trí xây hòn đảo  
Nước lụt khó ngập tràn ”  
(Tâm không phóng dật – 25)

VI. Tiết Chế Ăn Uống 

Từ “Các thầy tỳ kheo thọ dụng đồ ăn thức uống… đến nỗi kiệt sức”: Tiết độ ăn uống là bước thứ 3 trong 6 bước tu tập, vậy vấn đề ăn uống, dù rất bình thường nhưng được coi là khó tu tập. Ăn uống là nhu cầu căn bản của chúng sinh, không ăn hoặc ăn uống không hợp lý sẽ đưa đến bệnh tật và chướng ngại tu tập. Ðối với vấn đề ăn uống thường có hai thái độ:

1) Coi trọng ăn uống là quan trọng, lấy ăn uống làm lạc thú và bị trói buộc bởi ăn uống.

2) Coi ăn uống là tầm thường, từ bỏ ăn uống hoặc như khổ hạnh ép xác, làm thân thể hao mòn bệnh tật cũng đưa đến nguy hiểm.
Ðức Phật dạy trong kinh văn: “Thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể khỏi đói khát”. Coi ăn uống như là thuốc trị bệnh là đúng cả nghĩa đen của nó, ăn uống để nuôi dưỡng cơ thể, chữa bệnh đói khát. Ngon không ham, dở không bỏ tức là đạt được khả năng hộ trì các căn, tâm không bị ngon dở làm chi phối, giao động. Kinh Ganaka Moggalla, Phật dạy :”Thầy tỳ kheo tiết độ trong ăn uống, chân chánh quán sát ăn không để vui đùa, đam mê, trang sức cho thân thể mà chỉ để khỏi tổn hại thân, để giữ gìn phạm hạnh, ăn để diệt trừ cảm thọ cũ, không cho cảm thọ mới khởi lên, nhờ đó mà sống không phạm lỗi lầm và sống an ổn.”(Trung bộ kinh). Thái độ của người xuất gia đối với ăn uống rất rõ là ăn uống vừa phải để khỏi hại thân và để tu tập phạm hạnh, không vì ăn uống mà tham sân si khởi, chướng ngại sự tu tập.

Ðể thực tập chế độ ăn uống, luật tỳ ni nhật dụng đưa ra 5 điều quán niệm trước khi ăn như sau:

1) Xét kể công lao nhiều ít và ước lượng lý do của thực phẩm.

2) Nghĩ kỹ đức hạnh của mình đủ hay thiếu để ứng thọ sự cúng dường ấy.

3) Ðề phòng tâm lý, tránh những tội lỗi mà tham sân si vẫn là chủ yếu.

4) Chính vì lấy thực phẩm làm dược phẩm tốt để trị liệu thân hình khô yếu.

5) Vì thành đạo nghiệp mà ứng thọ thực phẩm ấy.

Tu tập tiết độ trong ăn uống không chỉ ngăn ngừa những phiền não và chướng ngại cho bản thân mình mà còn vì lợi ích và niềm tin của quần chúng đối với Giáo hội và Phật Pháp. Kinh văn Ðức Phật dạy: “Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn hương sắc…thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát, không được ham cầu nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ”. Làm “tổn hương sắc” hay “phá vỡ thiện niệm của họ” nghĩa là:

1) Do mình nhu cầu nhiều, thí chủ phải cúng dường nhiều, làm thiệt hại tài sản của họ, họ bị kiệt sức.

2) Vì đáp ứng nhu cầu của mình, hạnh phúc gia đình bị tổn thương do bất đồng quan điểm trong gia đình.

3) Do mình trở thành gánh nặng dần dần họ mất niềm tin đối với đạo pháp qua tư cách của thầy tỳ kheo.

Vì vậy kinh văn đưa ra thêm một thí dụ: “phải biết lượng sức con trâu của mình chịu đựng nhiều ít không dùng quá sức đến nỗi kiệt lực”. Ðồng nghĩa với đừng để thương tổn sắc hương của hoa, tương đương ví dụ như ong lấy hoa, kinh Pháp Cú Ðức Phật dạy:

“Như ong đến với hoa  
Không hoại sắc và hương  
Che chở hoa lấy nhụy  
Bậc thánh đi vào làng — (kệ 49, Thích Minh Châu dịch)

Vấn đề ăn uống từ xưa đến nay luôn là điều tạo nên phiền toái và ác nghiệp. Người ta có thể vì ăn uống mà không từ một thủ đoạn nào, có thể chà đạp lên hạnh phúc của kẻ khác để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của mình. Tục ngữ nói: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu” đó là lẽ thường tình của cuộc đời.

Người xuất gia với mục đích giải thoát không thể vướng bận vấn đề ăn uống làm cho tham đắm hay làm cho chướng ngại sự nghiệp của mình, việc ăn uống là nhu cầu như hít thở, nó đeo đuổi suốt cuộc đời của mình, cho nên xử sự việc ăn uống cho hợp đạo lý là giải quyết được một phần trong công phu tu tập.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.