Kinh Di Giáo Lược Giải – Phần 1 & 2

VII. Chú Tâm Cảnh Giác 

Từ “Các thầy tỳ kheo, ban ngày thì nỗ lực… không khác gì cầm thú “: Chú tâm cảnh giác là bước thứ 4 trong 6 bước tu tập của đạo lộ tuần tự, sau khi có khả năng hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống , tâm đạt được sự cảnh giác cao, cần nỗ lực để tiếp tục duy trì sự cảnh giác ấy. Kinh văn dạy: “ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện”. Sự cảnh giác chú tâm như vậy là khá chặt chẽ. Tâm thức chúng ta đã tích lũy biết bao là phiền não, ô nhiễm từ nhiều kiếp về trước, trí tuệ thì yếu ớt, không thể một sớm một chiều mà có thể thanh tịnh được. Những gì mà chúng ta được học qua kinh luận, qua truyền đạt của các bậc giáo sư, qua đời sống thực tế, chỉ mới tạo nên một thế lực nhỏ bé, giới hạn, làm sao đủ sức ngăn ngừa được dòng chảy mạnh mẽ của nghiệp lực vốn có từ xưa, làm sao mà nhanh chóng đoạn trừ các tập khí tiềm ẩn vốn không có hình tướng, khó thấy, khó nhận. Do đó để tạo cho mình một sức mạnh tương đương với lực của phiền não, chúng ta phải tập trung tu tập chú tâm cảnh giác thường xuyên ngày đêm. Tu hành giống như chèo thuyền ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi. Ðừng tạo cơ hội cho bất thiện pháp xuất hiện thì chỉ có cách là nỗ lực mà thôi. Trong một ngày 24 giờ nếu ta chỉ tu tập vài giờ như tụng kinh 2 thời, công phu, ngồi thiền 30 phút hoặc 1 giờ trước khi đi ngủ và sáng sớm thức dậy thì không đủ sức đoạn trừ phiền não. Kinh văn dạy rõ: ban ngày thì nỗ lực (suốt ngày), ban đêm thì đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm cũng đừng phế bỏ, nghĩa là tu hành thì đừng lo ngủ, ngủ vừa phải và ít thôi. Kinh Tăng Chi đức Phật có đề cập đến 5 hạng người ngủ ít thức nhiều trong đó hạng thứ 5 là: “vị tỳ kheo thao thức đến ly hệ phược (visamyogàdhippàyo) ban đêm ngủ ít thức nhiều ” (Tăng chi II.Tr.164). Thao thức đến ly hệ phược tức là chú tâm cảnh gíác để đoạn trừ các lậu hoặc.

Dựa trên cơ sở kinh Di Giáo và một số kinh khác mà các tổ sư về sau đã chia thời khóa tu tập thành 6 thời gọi là “trú dạ lục thời” gồm ban ngày: buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều ; ban đêm gồm đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm. Ngài Trần Thái Tông cũng dựa vào 6 thời này mà soạn nghi thức tu tập sám hối lục căn trong tác phẩm Khóa Hư Lục rất có giá trị về mặt tu tập.

Bước tu tập này kinh Ganaka Moggallana dạy: “Thầy tỳ kheo được huấn luyện chú tâm cảnh giác ban ngày cũng như ban đêm, trong các hành động gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp”. Kinh Pháp Cú kệ 297 cũng dạy:

” Ðệ tử Gotama  
Luôn luôn tự tỉnh giác  
Vô luận ngày hay đêm  
Thường tưởng niệm chánh pháp”

Thường tưởng niệm chánh pháp là làm cho tà pháp không có cơ hội phát triển, thường tưởng niệm thì phải ít ngủ nghỉ, dành thì giờ nhiều hơn để tu tập, kinh văn dạy: “phiền não ngủ trong tâm như rắn hổ mang ngủ trong nhà, phải lo dùng móc sắc giữ giới cấp tốc kéo nó ra, rắn ngủ ra rồi mới nên yên tâm ngủ nghỉ. Phiền não ngủ trong tâm là những phiền não tùy miên rất khó đoạn trừ vì đó là tập khí tiềm ẩn huân tập lâu đời, vi tế khó biết. Nhờ giữ giới tức là nhờ chú tâm cảnh giác ngày cũng như đêm mà kéo những phiền não ấy ra khỏi tâm thức.

Vị tỳ kheo luôn luôn tự xét mình có xứng đáng là tỳ kheo hay không bằng cách quán sát phiền não cấu uế còn nhiều hay ít. Nếu thấy còn nhiều thì phải biết hổ thẹn, tự giác và nỗ lực hơn không thể yên tâm ham ngủ nghỉ hoặc lười biếng qua ngày. Nếu biết tự giác hổ thẹn như vậy thì mới đủ năng lực duy trì và tăng trưởng thiện pháp, tâm lý hổ thẹn là một loại tâm lý thiện có tác dụng kích thích sự nỗ lực nên kinh văn nói: “có hổ thẹn là có thiện pháp”.

Tóm lại chú tâm cảnh giác là sự cảnh giác thường xuyên đối với hoạt động của thân khẩu ý, ngăn ngừa các bất thiện pháp, chế ngự sự vọng động ô nhiễm của tâm lý. Ðến trình độ này tâm thức khá thuần thục, chúng vẫn ở trong phạm vi ảnh hưởng và tác dụng của giới, bắt đầu đi sâu hơn vào tâm lý ô nhiễm vi tế để dọn đường cho định tuệ sinh khởi.

VIII. Tu Tập Hạnh Nhẫn Nhục 

Từ “Các thầy tỳ kheo nếu ai cắt xả thân thể… là điều không thích hợp”: Ðoạn này kinh dạy tu tập hạnh nhẫn nhục đối với nghịch cảnh nghịch ý. Tu tập nhẫn nhục là để đoạn trừ sự bộc phát sân tâm, cảnh giác ngăn ngừa tội lỗi khổ thọ và giao động của tâm làm tán thất công phu tu tập. Mặt khác luyện cho tâm trầm tĩnh vững chãi, và cũng để tu tập từ, bi, hỷ, xả, chuẩn bị tâm đi vào định tuệ, sự tu tập nhẫn nhục theo yêu cầu của kinh rất cao, Phật dạy: “nếu ai cắt xả các thầy ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kiềm chế thân mình đừng cho giận dữ, lại phải giữ lấy miệng lưỡi đừng để phát ra lời tiếng không tốt. Tâm giận giữ nổi lên là tự hại đaọ nghiệp” (kinh Di giáo). Sự nhẫn nhục như vậy là biểu hiện sức mạnh chế ngự nội tâm của người tu tập theo giáo pháp của Ðức Phật. Tương tự kinh ví dụ cái cưa trong Trung Bộ kinh I, cũng dạy: “Như những kẻ đạo tặc dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay cưa chân, dầu vậy nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy không phải là người thực hành giáo pháp của ta. Các ông phải học tập như sau: chúng ta sẽ giữ tâm chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. “Thông thường chúng ta sống theo phản ứng tự nhiên (phản ứng động vật) ai mắng ta ta mắng lại, ai đánh ta ta đánh lại, do đó cuộc đời của ta luôn luôn sống trong trạng thái ba động của đấu tranh, của khốn khổ. Một người có trí tuệ sẽ chọn cách sống có kiềm chế, tự chủ hơn và trầm tĩnh hơn. Có người nghĩ rằng nhẫn nhục là thái độ hèn nhát nhưng theo qui luật tâm lý thì ngược lại hèn nhát, thiếu bản lĩnh mới manh động không nhẫn nhục nổi. Nhẫn nhục biểu hiện sức mạnh của ý chí, sự vững chắc của nội tâm, đó cũng là đức tính của một sa môn. Kinh văn dạy: “Thực hành đức nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh”. Kinh Tăng Chi khi nói đến sức mạnh có 8 loại:

1) sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc

2) sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ

3) sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí

4) sức mạnh của vua chúa là quyền uy

5) sức mạnh của kẻ ngu si là áp đảo

6) sức mạnh của bật hiền trí là cảm hóa

7) sức mạnh của ngưòi đa văn là thẩm sát

8) sức mạnh của sa môn là nhẫn nhục

Sự nóng giận bao giờ cũng đưa đến tai hại cho thân vật lý, tâm lý, tình cảm và hại cho xã hội. Một xã hội mà con người không được giáo dục và rèn luyện tính nhẫn nhục, sức tự chủ yếu dễ dần đến phạm tội, người ta có thể giết nhau, hãm hại nhau, phản bội nhau vì những lý do rất nhỏ bé, như một lời nói xúc phạm chẳng hạn. Tu tập hạnh nhẫn nhục không những chỉ kiềm chế giữ gìn tâm thức không cho khởi lên sân hận khi bị người chỉ trích hay chửi mắng mà còn tu tập tâm bất động khi người ta làm tổn thương đến thân thể của mình. Ðó không phải là điều dễ làm vì vậy mà nói nhẫn nhục là sức mạnh.

Tâm sân hận rất nguy hiểm, nó có sức mạnh tàn phá tất cả mọi thiện pháp, nó vượt qua mọi giới hạn như khi lòng sân khởi lên con có thể giết cha, trò có thể hại thầy, vì vậy mà kinh văn đã nói: “giặc cướp công đức không gì hơn giận dữ”. Và cổ đức cũng đã nói: “một niệm sân khởi lên là trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở. Vì vậy mà công hạnh tu tập nhẫn nhục được coi là đệ nhất đối với các công hạnh khác, vào chùa đầu tiên là phải biết tu tập kham nhẫn đối với hoàn cảnh vật chất và tình cảm thiếu thốn, rồi phải kham nhẫn đối với những răn đe, chỉ trích oan uổng…dần dần người xuất gia trở nên vững vàng để tiến xa hơn, cho nên giới kinh dạy

“Ðức tính nhẫn nhục là đạo bậc nhất  
Phật nói vô vi là pháp tối thượng  
Là người xuất gia mà bức não người  
Thì không được gọi là bậc sa môn” — (Tỳ kheo giới, Trí Quang dịch)

Ðể giữ gìn tâm niệm khỏi bị quấy động và ô nhiễm cũng như giữ gìn phong cách của một người xuất gia, khá nhiều điều giới được đặt ra để đối phó với tâm sân hận thiếu sự tự chủ kiềm chế. Trong tỳ kheo giới, 13 giới tăng tàng có 2 giới là thứ 8 và thứ 9 vì giận mà vu khống và phỉ báng, vì giận mà xuyên tạc phỉ báng. 90 giới Ba dật đề có 8 giới như điều thứ 2 chửi mắng các thành phần xã hội, giới 13 ghét mắng tri sự, giới 17 vì giận giữ lôi tỳ kheo khác ra khỏi phòng, giới 78, 79 vì giận giữ mà đánh và tát người khác, giới 80 vì giận mà vu khống. Trong 100 pháp chúng học cũng nêu lên hàng loạt ngăn ngừa tương tự.

Như vậy tu tập nhẫn nhục vẫn nằm trong phần giới, theo tôi thuộc về đạo lộ tu tập tuần tự thứ 4 là chú tâm cảnh giác.

Tu tập hạnh nhẫn nhục như kinh văn dạy là hoàn hảo mà thuật ngữ trong lục độ gọi là nhẫn nhục Ba la mật. Chúng ta không chỉ không giận tức người chửi mắng hãm hại mình mà còn phải tu tập để đạt được trình độ hoàn hảo hơn là tiếp nhận sự chỉ trích chửi mắng của người khác một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ: “kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí” (Kinh Di Giáo).

Sự tu tập hay công phu tu hành nhiều hay ít, cao hay thấp của người xuất gia và những người tu tập theo con đường của đạo Phật được đánh giá qua trình độ kham nhẫn này. Nhẫn nhục là đức hạnh tiêu biểu của người xuât gia, nếu không có hạnh nhẫn nhục, phẩm hạnh của người xuất gia không gọi là vẹn toàn, như lời kinh kết thúc phần nhẫn nhục như sau:

“Người thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành đạo, không có phương pháp để tự kiềm chế, nên họ giận dữ thì còn có thể tha thứ được. Người xuất gia hành đạo là kẻ loại bỏ dục vọng vậy mà giận dữ thì thật không đáng có, không khác gì giữa bầu trời mây trong mát mà sấm sét lóe lửa là điều không thích hợp”.

Lời dạy thiết tha và chí lý vô cùng!

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.