Ý Nghĩa Niết Bàn

Ngày 15-2, Tăng Ni Phật tử chúng ta cùng hướng tâm kỷ niệm ngày Phật Niết bàn. Niết bàn có nghĩa là Đức Phật chấm dứt sự sống trên cuộc đời, nhưng Ngài vẫn hiện hữu ngời sáng trong lòng đệ tử khắp năm châu. Từng lời dạy của Ngài vẫn còn là kim chỉ nam soi đường cho những ai muốn đi trên con đường thánh thiện. Từ đó, Niết bàn mang ý nghĩa trọng đại đối với chúng ta.

Trước nhất, Niết bàn diễn tả trạng thái tâm chứng, hoàn toàn thanh thản, an vui, không bị ngoại cảnh chi phối. Kinh thường gọi là Hữu dư y Niết bàn, thể hiện qua cuộc sống thanh tịnh, giải thoát của Đức Phật và Thánh chúng khi Ngài tại thế. Tiến cao hơn nữa, theo tinh thần kinh Pháp Hoa, Đức Phật cho biết Niết bàn chỉ là phương tiện thị hiện nhằm mục tiêu giới thiệu sự sống thường trú vĩnh hằng của Ngài. Thật vậy, sau khi trải qua quá trình hành Bồ tát đạo, làm lợi ích cho số đông, mang an lạc cho chư Thiên và loài người, Đức Phật đã hoàn tất mọi việc, việc đáng làm đã làm, điều đáng nói đã nói, Ngài thanh thản vào Niết bàn.

Nối tiếp sự nghiệp của Ngài, Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đến nay trải qua hơn 2000 năm. Tùy theo yêu cầu của mỗi giai đoạn khác nhau, Phật giáo chúng ta đã đồng hành cùng dân tộc, thể hiện những việc làm lợi lạc khác nhau.

Năm nay, kỷ niệm ngày Phật Niết bàn cũng là thời điểm mà đất nước chúng ta đang mở ra chân trời mới để hòa nhập vào thế giới ngày nay. Đặc biệt, sự kiện quan trọng nổi bật là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tham dự cuộc gặp cấp cao Á-Âu (ASEM) tại Thái Lan ngày 01 và 02-3 vừa qua (với sự tham dự của các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của 10 nước châu Á và 15 nước châu Âu).

Bản tuyên bố của Thủ tướng Thái Lan, Banham Silpaarcha, Chủ tịch ASEM, kết thúc phiên họp, cho biết cuộc gặp thừa nhận rằng mục tiêu quan trọng của quan hệ châu Á và châu Âu là xây dựng sự hiểu biết hơn nữa giữa nhân dân hai khu vực này. Việc tăng cường đối thoại trên cơ sở bình đẳng, hợp tác và thông qua việc chia sẻ nhận thức về hàng loạt các vấn đề sẽ giúp tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và có lợi cho cả hai khu vực. Ngoài ra, quan hệ đối tác mới còn đóng góp vào hòa bình, ổn định toàn cầu và thịnh vượng chung.

Theo Thủ tướng, Việt Nam phải phấn đấu kiên cường, quyết liệt mới vượt qua mọi khó khăn, nắm bắt được lợi thế trong vận hội để đi lên, sánh vai với các nước tiên tiến, xứng đáng là một dân tộc anh hùng như đã được đánh giá.

Con đường của ASEM đề ra, gạt bỏ mọi bất đồng, cùng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với nhau ở nhiều phương diện.

Điều ấy không trở ngại gì đối với tinh thần Phật giáo vốn dĩ vẫn chủ trương xây dựng hiểu biết, hòa hợp, thương yêu, sống lợi ích mình và người. Đó chính là thế giới chân hạnh phúc hay Niết bàn của Phật giáo vậy.

Tuy nhiên, đứng trước ngưỡng cửa nhiều hứa hẹn tươi sáng của dân tộc, tất yếu Phật giáo chúng ta cũng cần chuyển mình vươn lên, mở rộng tầm nhìn, phát huy sức sống cho phù hợp với nhịp phát triển của đất nước.

Để hướng dẫn Tăng Ni Phật tử bước theo kịp những đổi mới của thời đại, Báo Giác Ngộ, tiếng nói của Phật giáo Việt Nam, sẽ cố gắng phản ánh những nét sinh động của Phật giáo trên mọi lĩnh vực, thể hiện trí tuệ, đạo đức, việc làm tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Mong rằng với cố gắng cải tiến của Báo Giác Ngộ và sự trợ lực của Tăng Ni Phật tử và thân hữu gần xa, Báo Giác Ngộ sẽ tiến bước thành công trên con đường phục vụ, làm rạng danh Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và cộng đồng nhân loại.

Báo GN số 1, ngày 06-4-1996

http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien/sach/tu-tuong-phat-giao-1/y-nghia-niet-ban

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.