Khoảng gần vài ba năm trở lại đây khi tôi bắt đầu rời khỏi tháp ngà để ứng dụng những điều trong lời Phật dạy và cũng để thử đoán xem mình được bao nhiêu phần trăm của chút phúc lành như Phật đã dạy cho tiên nhân mấy ngàn năm về trước.
” Khi xúc chạm việc đời
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết an nhiên
Là phúc lành cao thượng ” ( Kinh Phúc Đức )
Do vậy tôi ngại và sợ giao tiếp với nhiều người đủ căn cơ, đủ mọi giới mà chỉ lo ngày ngày tự mình chép cẩm nang từ những lời dạy của các bậc danh nhân hay từ các kinh luận và thì giờ còn lại là nghe pháp thoại hay thỉnh thoảng về đạo tràng thọ bát quan trai để tập thói quen tốt và để thấy lòng thanh thản hơn khi phải bàn chuyện về chính trị, tôn giáo là những điều cấm kỵ nhất theo tôi được biết dễ gây nhiều phiền não cho mình.
Nhưng mấy hôm nay, không hiểu sao hai câu thơ của Nhà thơ Thái Can trong bài ” Cảnh đoạn trường “ không biết vì sao lại hiện trong đầu tôi lúc nào một cách rất… rất tự nhiên đến độ tôi phải sửng sốt:
“Em về điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười ” ( Thái Can trong tập thơ xuất bản 1967 )
Thì ra người phụ nữ chưa xuất gia ( phàm phu ) lúc nào vẫn còn chút nào mơ tưởng ẩn tàng trong con người mình về sắc đẹp một cách tự nhiên và vẫn muốn chăm sóc diện mạo bên ngoài của mình khi tuổi bắt đầu vào thu để nhớ lại một thời oanh oanh liệt liệt … ( Every woman has a right to be beautiful ) như gần đây các báo Âu Tây thường đề cập đến một nữ chính trị gia thuộc về Christian Democratic Party, của vùng NSW June Dally-Watkins vừa qua đời thanh thản sau một đêm thứ bảy ! Và họ đã ca tụng bà đúng với danh nghĩa ấy.
Phải chăng điều đó cũng không hẳn là điều xấu khi mình phải chăm lo lại một chút diện mạo bên ngoài ?
Vì bạn bè có người không cùng chung đạo hay những người thân cách xa nhiều năm có thể qua đó mà nhận ra được chút hào quang tỏa sáng mà người cư sĩ tại gia đó có thể biểu lộ được chút nào về trình độ sự tu tập của mình trong thời gian dài… Tôi tự nói thầm để biện hộ cho ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu ” Tướng từ tâm sinh, Tướng tuỳ tâm diệt “.
Rồi tiếp theo là những lời dạy trong băng giảng pháp thoại về thơ ca của Sư Ông Nhất Hạnh về những thi sĩ như Vũ Hoàng Chương hay Nguyễn Bính, chạy ra ào ào như từ lâu tôi đã học được như sau : ” Tuổi 5X, 6X thường nương về quá khứ ( hoặc buồn đau hoặc vinh quang ), nhưng có biết đâu rằng một khi ta đã sống với hiện tại rồi, hãy quên đi quá khứ vì thật ra không gian vô tận và thời gian là vô cùng mà mỗi một khắc của Ta khi còn sống chính mới thuộc về Ta, vậy thì ký ức ta là thuộc về thời gian, thuộc về năm tháng… Hãy buông đi … “.
Và lời của Cố Hoà Thượng Thích Tâm Thanh vang vang ngày nào trong băng pháp thoại Diệu Pháp Liên Hoa:
” Ai lơ lững như thuyền nan không bến
Ai hận đời không một chút tình thương
Hãy nói đi … người đã làm gì trong tuổi thanh xuân ?
Có nghĩa là những ai khi đã bước qua 60 tuổi rồi thì có ước muốn tham vọng gì cũng đã muộn rồi . …
Đừng cứ đêm đêm khép mình trong nỗi nhớ
Hờ hững hoang mang chìm … cảnh tha hương
Vẫn chỉ ta … ngồi lại với tiếc thương
Chợt muộn màng nhận ra đấy … là vướng mắc
Ta lại ru ta theo nỗi buồn trầm mặc ! ( thơ HH )
Và tôi đã nghe lại được tiếng lòng nhắc nhở ” Phải biết sống vừa phải Biết vui an lạc trong từng điều kiện thuận tiện phù hợp với thực tại của chính mình và đừng so đo tính toán, muốn hơn thua với người nầy người nọ để rồi mất đi thời gian vô ích trong khi con đường mà mình đang hướng tới còn rất dài mà thời gian còn lại thì rất ngắn “.
Nắm vững vận mệnh của bản thân, trang nhã nhưng không cô đơn, phồn thịnh nhưng không phô trương, mạnh mẽ nhưng vẫn đi kèm với sự ấm áp. Sống một cuộc sống điềm nhiên, giữ gìn trái tim trong tĩnh lặng.
” Tất Cả chỉ là trống rỗng “… cuộc sống là vô thường nhưng phải hiểu được rằng Hiện tại chúng ta đang sống, cuộc sống luôn đổi thay, vẫn phải theo dòng chảy vì thế đừng bận tâm cứ xem cái vô thường ấy là chuyện bình thường.
Phải gắng giữ được an nhiên
Chẳng dễ bị buồn phiền
Để biết cuộc đời này
Vẫn còn bao mầu nhiệm
Càng vượt nhiều chông gai
Trau dồi và rèn luyện
Nhẹ nhàng thanh thản ngay ( thơ HH )
Và tiếng lòng cũng dạy ta rằng cần có những giây phút giao tế nhưng thông minh dí dõm quậy phá một cách hồn nhiên vô tư không lo nghĩ như thuở còn niên thiếu, cũng là một cách trị liệu cho nỗi buồn vu vơ khi bước vào tuổi thu, đông và có lẽ khi ấy Phật sẽ chẳng còn cách xa vì trong bất chợt giây phút nào đó Ta tìm lại được Ta chăng? Hỏi tức là có thể trả lời được !
Vậy thì hãy bắt chước Ngài Thubten Jinpa ( một dịch giả về Anh Ngữ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma ) đã dạy rằng: ” Nếu bạn có thể đưa một chút Từ Bi vào trong đời của bạn, bạn sẽ có lời ngay. Bởi vì bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, diễm phúc hơn người khác vậy “. Phải chăng Ngài muốn nhắc nhớ chúng ta rằng ” Hạnh phúc không chỉ là những cảm xúc thỏa mãn của bản thân mà nó phải gắn liền với niềm vui hạnh phúc của người khác “.
Tôi chợt nhận ra rằng những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời, đôi khi quan trọng biết là bao họ có thể gắn bó với ta suốt một thời gian dài, cùng chia sẻ những nỗi niềm riêng tư cũng như đôi lúc mình cần một bàn tay ấm áp để nắm lấy để truyền cho nhau một chút năng lực.
” Sống phải biết vị tha, sống trong đời sống cần có một tấm lòng ….”
Hãy tự hỏi lòng mình, chỉ chính mình thôi … Đó là tiếng nói của con tim, tiếng nói của thiện lương của Phật tánh, nhưng với điều kiện là phải gạt bỏ đi những tập khí nhiễm ô và sống trong những giờ phút tĩnh lặng nhất.
Tôi bỗng nghe tiếng lòng gõ nhè nhẹ … và vài vần thơ chợt hiện lên, xin chia sẻ cùng các bạn nhé:
Thoáng chốc mênh mông, bâng khuâng xao xuyến,
Dư hương ngày cũ cứ mãi hiện về !
Thu mình tĩnh lặng … vượt thoát cơn mê
Nước sông cạn lấy gì ánh trăng hiện ?
Tự bên trong như có người đối diện.
Bí mật theo cùng khắp nẻo với ta
Luôn hổ trợ… dù chỉ trong một sát na
Tiếng lòng bao la … hãy âm thầm gõ cửa !
Huệ Hương