Thuở xưa, ở chùa Tước Lý có một vị Trưởng lão Tỳ kheo đắc quả A La Hán. Một hôm, vị Tỳ kheo dẫn ông Sa di vào thành hóa đạo. Ông Sa di gánh y bát rất nặng theo sau Thầy.
Dọc đường ông Sa di suy nghĩ: “Người ta sanh ra ở trần gian, không ai chẳng bị khổ. Muốn thoát khỏi khổ này, phải phát tâm tu những pháp gì?” Rồi lại suy nghĩ: “Phật thường khen ngợi hạnh Bồ Tát là thù thắng. Nay ta phải phát tâm Bồ Tát”. Vừa khởi ý niệm đó, thì vị La Hán dùng tha tâm thông soi suốt tâm suy nghĩ kia, liền bảo ông Sa di:
– Đem y bát đưa đây! Ông Sa di bèn theo y bát trao cho thầy mình. Nhận xong y bát vị La Hán liền bảo:
– Ngươi đi trước đi!
Ông Sa di đi trước, lại vừa suy nghĩ:
– Đạo Bồ Tát rất cần khổ, xin đầu cho đầu, xin mắt cho mắt. Việc này rất khó, ta không thể trọn vẹn chẳng bằng sớm cầu quả La hán, mau được xa lìa khổ nạn thì hơn.
Vị La Hán biết rõ tâm niệm ấy lại bảo ông Sa di:
– Ngươi hãy gánh y bát trở lại đi theo sau ta!
Ba lần như thế. Ông Sa di rất lấy làm lạ, không biết ý gì. Đợi đến khi dừng nghỉ, ông Sa di chấp tay bạch Thầy, thỉnh vấn ý ấy.
Vị bổn sư đáp:
– Ngươi đối với đạo Bồ Tát ba phen tinh tấn tâm Đại thừa, nên ta cũng ba phen nhường cho ngươi đi trước. Nhưng vì tâm ngươi ba phen thối chuyển, nên ta ba phen để ngươi đi sau.
Vi Sa đi hiểu được ý thầy dạy. Từ đó phát tâm tinh tấn tu hạnh đại thừa …
Đạo Lược
Người tu hạnh Bồ Tát phải lấy từ bi làm gốc. Cây bồ đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu hành lấy từ bi lợi lạc hữu tình làm lẽ sống.
Bố thí thân mạng
Về thời kỳ quá khứ xa xăm, trên một đại thọ có ổ chim năm con. Một chim trống, một chim mái và ba chim con.
Ngày kia, chim trống thấy ba lữ khách thoạt đến nghỉ chân dưới gốc cây, bèn nói với chim mái rằng:
– Nầy, chúng ta phải làm sao bây giờ? Khách lạ đến nhà, nhằm mùa đông lạnh lẽo mà ta lại không có chút lửa!
Dứt lời, chim trống cất cánh bay đi, rồi tha về một miếng củi cháy, nhả ngay xuống trước chỗ ba người. Lữ khách mới lượm cành khô nhúm thành một đống lưởi để sưởi.
Thấy vậy, chim trống cũng chưa thỏa lòng, bèn nói cùng chim mái:
– Nầy, chúng ta phải làm sao bây giờ? Khách đã đói lòng, nhằm tiết đông thiên mà chẳng có chi đãi khách! Đây là nhà của ta, vậy ta có trách nhiệm phải nuôi mấy kẻ xa lạ đến tá túc. Cái chi có thể làm thì phải làm ngay! Vậy để tôi hiến thân cho khách đỡ lòng.
Vừa dứt lời, chim trống bay nhào xuống đống lửa hồng.
Ba lữ khách ngồi dưới gốc cây, thấy vậy lật đật lại cứu chim, nhưng đã muộn.
Chim mái bùi ngùi, than rằng:
– Dưới gốc cây, có ba người mà một thân của chồng ta thì sao cho đủ! Bổn phận của ta là vợ, phải tỏ rằng chồng đã cư xử đúng theo lẽ đạo. Vậy ta cũng phải hiến thân cho khách qua đường! Dứt lời, chim mái liền nhào xuống ngay đống lửa…
Ba chim con chứng kiến cử của cha mẹ, và biết rằng bấy nhiêu cũng chưa đủ cho ba khách no lòng, nên bàn tính với nhau:
– Cha mẹ đã tùy theo sức mà tròn bổn phận, nhưng việc cũng chưa xong! Vậy thì chúng ta lại phải hiến thân cho khách lạ!
Dứt lời, cả ba nhào xuống đống lửa một lượt…
Trích chính bản Thanh Nguyên
Người thọ thí là ân nhân của người bố thí. Vì người kia có đến xin, người này mới thực hành được hạnh bố thí.
Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/