Đức Phật Dược Sư Hay Thần Y Với Phương Thuốc Hiệu Nghiệm

(Nhân ngày vía Phật Dược Sư 30/9 âm lịch năm nay nhằm ngày 7/11/2018 )

Thường thì trong các lịch, ngày lễ vía của Phật Dược Sư là 30/9 âm lịch nhưng thường thì có năm nhằm tháng thiếu, tháng đủ nên rất ít người nhớ tới ngày vía này, còn các chùa thì vào đầu năm, sau mùng Tám tết thường mở đàn khai hội Dược Sư, riêng tôi lúc nào cũng nhớ các Ngày Vía của các Đức Phật hay Bồ Tát lắm vì theo như lời mẹ kể lại lúc tôi chào đời chỉ được 7 tháng rưởi và phải nằm lồng hấp 3 tuần và sau đó lại vướng bịnh liên miên nên mẹ phải đến nhiều chùa khấn nguyện cùng Bồ tát Quan Thế Âm và Đức Phật Dược Sư với tất cả lòng thành mong cho con mình được mau khỏe mạnh lại và chóng lớn nên người và nhờ đó mà tôi mới được hồi phục lại và vì thế lúc nào mẹ tôi cũng nhắc tôi nên đền đáp ân Đức của các Ngài nhất là khi tôi trưởng thành, rời khỏi vòng tay cha mẹ và dấn thân vào tự lập nơi phương xa.

Và có lẽ thế mà từ ngày tìm hiểu Đạo, ngoài giáo lý Căn bản của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền dạy tôi đã nghiên cứu thêm rất nhiều về Đức Phật Dược Sư vì trong tiềm thức tôi, chính nhờ Ngài đã mở rộng vòng tay khi nghe mẹ tôi khẩn cầu cứu độ cho tôi một đứa bé còi cọc ốm đau, nhưng Phật giáo Việt Nam chỉ có mỗi một quyển kinh Dược Sư mà tìm kiếm rất khó vì thời trước khi chưa có nền công nghệ vi tính phát triển thì những ai có lòng tin mới in vài nghìn kinh sách này để cúng dường đến một số chùa họ biết chứ không được truyền rộng lớn trong nhân gian, trong khi đó Phật giáo Tây Tạng tại các pháp hội của Đức Đạt Lai Lạt Ma theo sau đều có phần đọc tụng Kinh Dược Sư nhất là Pháp hội Dharamsala. 2013 và vì thế tôi biết được Phật Giáo Tây Tạng còn gọi Phật Dược Sư là Thần Y.

Kính xin được trình bày một chút vài điều am hiểu thô thiển cùng quý bạn như để tìm hiểu thêm về phương thuốc hiệu nghiệm để chửa lành bịnh thế gian như sau:

Theo Phật giáo Tây Tạng dựa vào sự ứng hoá thân mà một trong những hoá thân của Phật, Ngài đã hoá làm Thần Y Bhaisaya vào thế kỷ thứ 8 của Tây Tạng để chửa lành “Căn nguyên của đau khổ“, chính vì vậy mà hiện nay mỗi ngày trên YouTube có đến vạn vạn người nghe câu thần chú Dược Sư bằng tiếng Phạn mà đại ý của câu ấy được diễn dịch là:

Ôi, Đức Thần Y, người đã xoa dịu mọi đau khổ
Ôi, Đức Thần Y, người đã xoa dịu mọi cơn đau
Ôi, Đức Thần Y, người đã xoa dịu Cội nguồn của đau khổ

Và bài khấn cầu mang đầy thái độ lạc quan và vui mừng với điệu nhạc thật phấn khích, có lẽ vì thế mà Lạt Ma Tarthang Tulku đã dạy rằng “Khi cảm xúc và thái độ vui mừng hay lạc quan đi qua từng phủ tạng và tuần hoàn khắp cả ngũ tạng thì nguồn sinh lực vật chất và hoá học trong cơ thể sẽ chuyển biến và cân bằng“.

Riêng về Phật giáo nhân gian cũng có những điều thật hay từng lưu truyền qua nhiều thời đại xin mạn phép ghi lại vài điều tôi học được để chúng ta tham khảo thêm nhân ngày vía Đức Phật Dược Sư: VẠN VẬT ĐỀU CÓ KHẢ NĂNG CHỬA LÀNH, có nghĩa là bất cứ vật gì bắt gặp trong cuộc sống đều có thể là phương thuốc hiệu nghiệm. Đây là một khái niệm rất quan trọng vì nó nhắc nhở chúng ta rằng “SỨC KHOẺ NẰM TRONG TAY TA” và chúng ta có thể dựa vào môi trường sống để giúp chửa lành vết thương lòng và phục hồi sức khỏe, chúng ta đều là NGƯỜI CHỬA BỊNH, chúng ta có thể là HỌC CHỬA BỊNH CHO CHÍNH MÌNH và chúng ta cũng có thể GIÚP NGƯỜI KHÁC LÀNH BỊNH và chúng ta có thể ĐƯỢC CHỬA LÀNH qua lời nói, mối quan hệ, thuốc men, chế độ ăn uống, bạn bè, massage (thoa bóp), âm nhạc, theo tự nhiên và lời cầu nguyện.

Và điều căn bản về tâm thức mà Đạo Phật muốn truyền tải đến ta là “Năng lượng chửa bịnh xuất hiện qua sức mạnh nội tại trong mỗi chúng ta” và “Sự lành bịnh chủ yếu phát xuất từ tinh thần chứ không phải thể xác“.

Tuy từng theo học trong lãnh vực dược khoa nhiều năm tôi cũng phải công nhận những điều mà Phật giáo đã dạy và theo đó tôi đã học được rằng “Chửa lành về mặt thể chất chỉ nhắm vào triệu chứng hơn là căn nguyên sâu xa hơn trong nội tâm” và nhất là ngày nay nhiều căn bịnh thời đại đều xuất phát từ phản ứng, trạng thái tinh thần mà thôi và do đó “Nếu không chửa lành vết thương lòng, căn bịnh sẽ quay hệt lại như cũ xuất phát theo một khuôn mẫu của Nghiệp quả do những Hành vi xấu xa và những tập khí (thói quen thâm căn cố đế) để rồi cứ theo đuổi dai dẵng mãi và làm khổ chúng ta bất cứ lúc này hay lúc khác trong đời.

Cũng cần nhắc đến ý nghĩa của danh hiệu Đức Phật Dược Sư mà chúng ta thường tụng NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT theo nghĩa: Dược là Thuốc, Sư là Thầy, Lưu ly là một thứ Ngọc trong suốt từ trong ra ngoài với đủ loại màu xanh lơ, hồng,… đây là một trong bảy báu và tính đặc sắc nhất là có khả năng làm cho các vật ở gần trở nên sáng hơn và Quang là ánh sáng, nhưng đây không phải là ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng hoặc đèn mà là ánh sáng trí tuệ, còn Vương là một hình dung từ để nói rõ công dụng thù thắng của tánh thanh tịnh tuyệt vời.

Và nếu nói theo lời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong phần đầu của kinh Dược Sư khi nói về công hạnh của Ngài Dược Sư thì dù cho có nói đến ngàn kiếp cũng không hết…

Nhân ngày Vía Phật Dược Sư xin được mạn phép trình bày vài hiểu biết thô thiển đến các bạn và cũng luôn nhắc mình nên đọc tụng danh hiệu của Ngài để nhớ đến ân Phước của Ngài truyền trao cho Mẹ để nuôi dưỡng mình nên người… ngày nay.

Khi niệm danh hiệu Ngài tức là để tự nhắc mình rằng Tâm mình và Tâm Phật vẫn thường trụ khắp 10 phương không rời nhau mà trong kinh Lăng Nghiêm thường dạy rằng “Nếu Tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật thì đời này đời sau quyết định thấy Phật“.

Xin được kết thúc bằng bài tán Phật Dược Sư, chúc các bạn luôn được sống trong ánh hào quang Lưu ly của Ngài,

Mười hai nguyện lớn
Giáo chủ Đông Phương
Bốn chín đèn soi sáng đàn trường
Bảy bảy Đức chân thường
Lễ Bái tán dương
Hết tai nạn được thọ trường
Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.