Sở Thú Nhỏ

Vừa lên xe cô bé nói cùng chú tài xế.

– Hôm nào chú về quê, đưa mẹ và Vú cháu vào đây.

– Có chuyện gì không cháu ?

– Dạ không, còn 1 tuần nữa là nghỉ hè, cháu muốn thu xếp để có thể về quê một lần với mẹ và Vú mà.

– À, sáng chủ nhật tôi đi rước sớm, nhưng lúc đưa bà về lại quê thì phải mượn chiếc xe lớn hơn, vì nghe bà muốn đem ít đồ về quê đó.

– Dạ, cảm ơn chú.

– Cháu có muốn ghé chợ không ?

– Dạ không, chú làm ơn đưa cháu đến chùa Hải Đức.

– Ồ, con nít đi học về thường thích ra chợ ăn quà, hôm nay đâu phải ngày rằm mà cháu lên chùa lễ Phật?

Bé cười.

– Cháu đến gặp thầy trụ trì mà.

– Là Thầy Thích Trí Thủ thường xuống nhà gặp cậu đó phải không?

– Dạ. Chú làm ơn chờ cháu một chút nghe.

Cô bé muốn nhờ thầy nuôi giùm cô bé những con thỏ yêu quí của bé, bé chọn thầy là người số 1, vì bé nhớ hôm thầy đến nhà gặp anh của bé, thấy bé nâng niu chú thỏ con, Thầy khen.

– Thỏ của con xinh quá, lông trắng với hai mắt màu hồng, ai nhìn cũng thương. Ngoài cà rốt ra, thỏ ăn được thứ gì nữa hở con?

Nhìn đôi mắt và cử chỉ của thầy khi bồng và vuốt ve thỏ, bé yên lòng nếu thầy nhận nuôi những con thỏ này. Vì rất nhiều người đến nhà gặp anh, ai cũng khen thỏ của bé dể thương nhưng đều kèm theo một câu.

– Thỏ nấu với rượu chát đỏ là món ăn tuyệt vời của người Pháp.

Nếu thầy không nhận nuôi những con thỏ vì luật của nhà Phật thì bé nhờ người thứ 2. Đó là giáo sư Võ Hồng dạy bé môn vạn vật, thầy cũng là một nhà văn, vợ thầy là giáo sư dạy đàn Piano, cô vừa mất vì bệnh tim, hiện giờ thầy Võ Hồng ở vậy nuôi 3 đứa con. Các em còn nhỏ, bé và các bạn thích đến nhà thầy cô chơi vì gia đình này ai cũng hiền lành, thương và gần gũi học trò. Khi cô mất rồi, bé và các bạn tới nhà thầy thường hơn vì Hằng và Thủy cần các chị chải dùm mái tóc, chỉ cho cách thắt bím hay cài nơ trên tóc. Còn Hào là con trai nên thân với các nam sinh hơn, thầy phải về tận quê mới tìm được người bà con để săn sóc các em và lo việc nhà, nhưng bà này rất khó tánh, nếu đem thỏ đến bà sẽ rầy la, các em thì mê rồi vì mỗi lần đến nhà bé các em không muốn rời các con thỏ, không khéo làm thầy khó xử.

Còn con nhồng, két, và chó, thì bé có cách rồi. Thật ra bé không tự đem chúng về, đó là những bệnh nhân mà anh khám bệnh không lấy tiền còn giúp họ thuốc men nên khi hết bệnh họ đem đến đền ơn, rồi anh mang về cho bé thôi, chỉ có con dê là bé phải chịu trách nhiệm với nó.

Ngày đám giỗ đầu tiên của ba cũng là những ngày còn trong tết. Trước tết, rất nhiều người bạn ruộng hay tá điền đến để cất 2 cái rạp bằng lá dừa, một cái thật to bên hông nhà làm nơi đãi tiệc và một cái nhỏ hơn ở phía sau nhà làm nhà bếp.

Ôi ngày cúng ba, không biết người ở đâu mà đến đông quá, đủ mọi thành phần, ai cũng đến chúc tết mẹ và thắp cho ba 1 cây nhang, ở lại ăn một một bữa cơm để tỏ lòng thương nhớ ba. Ở xa như Ban Mê Thuộc, Sài Gòn, Đà Lạt, có người đưa cả gia đình họ tắm biển ở làng Đông Hải, bãi biển đẹp nhất Nhatrang, rồi đến nhà ăn giỗ luôn, chưa nói các ông anh con nuôi ba tự về.

Mọi người đem đến đủ thứ cá, gà, vịt … thậm chí có cả con nai, heo rừng, thỏ, trái cây, bánh mứt v.v… Nhà đông quá bé không có chỗ nào riêng tư ngoài phòng ngủ của mình. Vì đi ra trước, sau hay trong phòng khách, ở ngoài rạp, xuống nhà bếp cũng đều đông người.

Mẹ và Vú thì bé không thể đứng gần họ chứ đừng nói đến chuyện nhõng nhẽo.
Gần Tết mẹ và Vú rất bận, trước đó hai người đã gói bánh tét, làm đủ các loại bánh … Đến ngày giỗ hai người phải tiếp khách vì rất nhiều người đến phụ nấu ăn và lo các việc.

Kinh nghiệm năm nay khi anh Xung người chăn dê phải ở nhà để người lớn sai vặt thì bé xin thay thế. Việc chăn dê dễ dàng lắm, thả bầy dê lên núi, lâu lâu canh chừng con dê đầu đàn không cho nó đi lên cao quá hay chạy qua núi khác, vì cả đàn dê chỉ theo con đầu đàn thôi.

Bé vừa quay xuống bãi cỏ dưới chân núi thì nghe tiếng chó sủa, tiếng dê kêu và nhất là tiếng người la rất to ở lưng chừng núi, nơi bày dê bé vừa lùa lên đó.

Bé chạy thật nhanh theo lối mòn lên đến nơi thì thấy có bốn người đàn ông đứng đấy, ba người đang giữ 3 con chó, còn một người thì la lớn để gọi chó trở về, vì nó đang ở trên mình con dê và miệng cắn chặt lưng dê.

Dê vừa sanh con đang cố cho dê con bú, mà dê con cứ té lên té xuống. Tuy bị chó cắn chặt vào lưng, hai chân sau của dê mẹ máu chảy đầm đìa nhưng vẫn cố đứng vững, lấy đầu hất đứa con dưới bụng mình vào vú.

Ôi tình mẫu tử! Loài vật cũng thương và bảo vệ con dù biết mình sắp chết, vẫn ráng cho con bú giọt sửa đầu đời!

– Tại sao thằng Xung không chăn dê hôm nay, mà lại là cháu?

– Thưa cậu (cậu là người bà con xa bên mẹ ở làng bên), hôm nay nhà cháu có giỗ, anh Xung phải ở nhà

– Thằng Xung không dặn gì cháu sao ? Cậu kêu nó hôm nay phải thả dê phía sau đèo.

Bé không dám trả lời. Sáng nay bé xin phép mẹ đi chăn dê thế anh Xung trong lúc mẹ rất bận, nên mẹ vừa ừ là bé chạy liền, vì sợ đứng lâu mẹ đổi ý và Vú biết sẽ không cho (Vú thường nói con gái nhỏ không được lên núi 1 mình, lỡ rắn cắn hay gặp nguy hiểm biết làm sao mà xoay sở). Vì vậy bé không gặp anh Xung.

– Cậu đưa chó lên đây kiếm vài con thỏ để đem qua nhà cháu.

– Dạ, mẹ cháu cúng ba cháu cơm chay.

– Ai mà không biết, nhưng phải đãi khách bằng các món mặn mà mới thật ngon. Thôi để cậu đem con dê về nói chuyện cùng mẹ cháu, cháu lo cho dê con nghe.
Họ cột chân dê mẹ lại và hai người đàn ông xỏ đòn gánh vào khiêng, đoàn đi săn xuống núi.

Dê con đứng không vững, nó run run mà thân lại nhiều nhớt quá, bé cởi bớt một cái áo ngoài bọc cho dê rồi ôm chạy xuống núi đến nhà Huề, người bạn gần nhất.

Huề và bé lau cho dê khô.

– Bạn ơi, nhà mình có cái bình sữa của đứa cháu bỏ, lấy sữa bò hộp pha cho dê uống nghe.

– Dê uống sữa bò hộp có được không ?

– Không biết, nhà bạn mỗi ngày đều lấy sữa dê uống mà.

– Ồ, nhớ rồi, sáng nay vú không cho ai uống hết, nói để làm bánh kem, mình chạy về nhà lấy liền.

– Bạn lấy quần áo mình thay đi.

– Đúng, đúng. Vú sẽ xỉu khi thấy mình mặc áo lá như vầy chạy ngoài đường.

Hai đứa đều hình dung ra Vú lúc đó nên đồng cất tiếng cười.

Từ đó bé đem dê con vào Nhatrang. Mỗi chiều đi học về, con két trên vai bé, con nhồng trên vai chị Hương, hai đứa chạy trước, dê và chó chạy theo sau.

Đó là con chó Nhật, nhỏ, màu trắng, đôi tai màu nâu đậm, nó đến nhà bé khi chưa dứt sữa. Chị Hương đưa sữa nó không chịu uống, thiếu hơi mẹ nên la hét nguyên đêm.

Cả đoàn chạy chung quanh nhà mấy vòng, chó vừa chạy theo vừa sủa, người mệt mà thú chưa thấm gì. Sau này bé chạy những vòng đầu, rồi chị Hương chạy những vòng sau, chó và dê chạy theo gấp đôi như vậy. Khi chúng mệt rồi, dê không còn đến lấy cái đầu hất hất vào bé hay chị Hương nữa (ý muốn chạy thêm).

Két và nhồng đứng trên vai nhưng chúng sợ té hay sao mà cắn vào tóc tìm cách leo lên đầu bé, móng nhọn làm đau lắm (sau này phải đội mũ kết trên đầu), có khi vui quá chúng phụ cùng tiếng gấu gấu của chó, be be của dê, kêu lên két két hay nói tiếng học được của người như:

– Ai đó, có khách, mời vào, đừng bước tới.

Con két nói giọng của đứa con gái nhỏ nên dễ thương lắm!

Con Nhồng cũng phụ cất lên tiếng cười. Nó có giọng cười của người đàn ông, chắc chủ trước nó là đàn ông tiếng cười của nó không đàng hoàng, nghe rợn cả người, và tiếng nói giọng ồ ồ cũng không lịch sự.

– Chào cô, cô đẹp quá, ăn gì không ?

Bé nói cùng anh về tiếng cười của con Nhồng, anh đem về cho mấy trái banh nhỏ, anh dặn khi nào Nhồng cất tiếng cười là ném trái banh vào chuồng của nó, nhiều lần nghe tiếng ầm ầm là nó sẽ im lặng.

Bây giờ dê con ngày một lớn nên lú 2 chiếc sừng nhỏ trên đầu 2 cm rồi, nó không còn thích chạy theo sau mà nó lại muốn húc lộn. Dê đứng xa hai chân trước cào xuống đất và lao thẳng đến bé hay chị Hương, phải dùng 2 tay đẩy đầu dê ra, hai bên đẩy qua đẩy lại như kiểu chơi đọ sức.

Hễ chị Hương đùa cùng dê là bé đứng ngoài cổ vũ cho chị, ngược lại thì chị cổ vũ cho bé, Chó chạy quanh sủa thật to, két nhồng cũng phụ két két: – Chào cô. Chào.

Chiều nào sân nhà cũng ồn ào náo nhiệt, có khi chị bếp hay chú Thái làm vườn ra làm khán giả.

Dạo sau này thấy dê húc mạnh hơn, bé có ý đem dê về quê cho nó nhập bầy lại để có bạn bè, không dám cho chị Hương biết bởi chị sẽ khóc.

Chị Hương lớn hơn bé vài tuổi, mồ côi từ lúc nhỏ, chị ở cùng người chủ cũ, họ bắt chị đi chăn bò làm công việc nặng, tối phải ngủ ở chuồng bò để trừ muỗi cho bò mà không được trả lương. Một người tốt bụng dẫn chị trốn, rồi đem đến cho mẹ nuôi để chị chơi cùng bé và lại có tiền công, chị rất thương các con thú mà bé nuôi, một tay chị săn sóc hết.

Lâu lắm anh bé mới được ăn sáng với mẹ và Vú ở Nhatrang, nhà là một villa xưa cất theo kiểu Pháp, lối bước lên nhà có những bậc tam cấp 2 bên, chính giữa là hành lang hình vòng cung rất rộng với mái che mưa, mẹ dùng nơi đó làm phòng ăn, để từ đó có thể thấy vầng thái dương đỏ lòm tuyệt diệu bắt đầu ngoi lên mặt biển lung linh mỗi sáng bình minh.

Vừa lên đến hành lang, hai chuồng chim được để hai bên, phía trong một chút là chuồng thỏ một bên, đối diện là một khung gỗ cao 3 cm trong đó có trải cỏ khô là chỗ dê ngủ.

Còn chó thì nằm trên ghế salong gần bên. Sở thú nhỏ của bé nằm ngay nơi đó (khi nào có khách mời vào phòng ăn trong nhà). Dê và chó muốn ra vườn lúc nào cũng được, những đêm mưa, chuồng thỏ, két, Nhồng được phủ lại cho ấm, chỉ riêng chó những lúc trời lạnh thì không chịu ở ngoài.

Bé nói rõ ý định của mình là nhờ mẹ và Vú giúp đỡ bằng cách đưa chị Hương đi chơi suốt ngày, để bé đem bầy thỏ đi cũng như thả con Nhồng buổi sáng. Còn Két thì phải đến chiều mới thả được, vì mấy tháng nay có bầy két đến ngủ ở cây cao phía góc vườn, những tiếng kêu két két ồn lắm, tội nghiệp cho con Két nghe tiếng kêu của bầy nó lăn xăn quýnh quíu bay từ bàn qua chuồng, từ chuồng xuống đất, miệng không ngớt kêu két két, hình như chúng hỏi thăm nhau hay kể cho nhau nghe gì đó.

Bé từng để két trên tay bắt đầu nhún mình lấy trớn cho nó bay, két cất cánh bay nhưng không bay cao được, chỉ đến nữa thân cây mà đàn két đậu rồi xà xuống, vì chủ trước đã cắt bớt lông cánh lớn của nó. Nay cánh chim đã mọc lại đủ dài, chỉ cần để trên tay lấy đà là nó bay cao được, bé muốn thả két gấp để nó họp đàn, vì sợ đàn két sẽ di chuyển nơi khác.

Bé sẽ để lại con chó nhỏ cho chị Hương để chị có bạn khi bé đi học.

Con Nhồng và két chắc chắn sẽ quên tiếng người khi về cùng bầu trời rộng tự do bay lượn. Bây giờ hai con biết nói rất nhiều, mỗi buổi trưa khi gió đến hay mỗi chiều, giờ mà cả nhóm gồm có hai con người và bốn con vật cùng nhau chạy thi đùa giỡn.

Mẹ ngồi yên nghe, chờ bé nói xong mẹ bước đến ôm bé hôn lên tóc, anh chỉ cười nhìn bé, Vú thì mừng ra mặt.

Chị Hương chiều nay đi chơi về biết được những con vật mà chị yêu thương săn sóc đã xa chị, nước mắt chị sẽ chảy dài và giận bé.

Con dê cũng về lại quê để nhập vào bầy có đời sống thật của nó, với bạn bè rừng núi và bầu trời rộng mênh mông.

Chiều nay như thường lệ, bé chạy trước đến phiên chị Hương thì bầy két bay về ngủ, có một con tách đàn xà xuống đậu trên đầu chị Hương kêu tiếng người: – Hương ơi! Hương ơi!

Chị Hương đang chạy hai tay giang rộng, nước mắt tuôn trào miệng cũng kêu két két.

Chị chạy thẳng đến ôm bé, két bay qua đậu trên đầu bé, chó và dê cũng vừa đến, bé ngồi xuống cả gia đình ôm nhau đoàn tụ.

Ôi! Một mái ấm ngây thơ trong sáng an vui, loại hạnh phúc giản đơn vô điều kiện! Đứa bé ngày xưa giờ đây tóc đã hanh hao màu tuyết phủ nhưng ký ức tuyệt vời vẫn hiện lên trong những khoảnh khắc thất vọng của đời này, làm một nơi ẩn mình của tâm thức tôi giữa trời đông buốt giá. Xin cảm ơn những người bạn dấu yêu thời trẻ dại, két, nhồng, dê, chó của tôi, loại tình yêu mà phải đi gần hết cuộc trần tôi mới hiểu khổ đau bất mãn do bản ngã phát sinh đã làm rối loạn, đối kháng lại sự hồn nhiên bất tận của nguồn tâm vốn trong lành tích cực.

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.