Người Tây Tạng Nghĩ Về Cái Chết: Người Chết Đi Về Đâu – Chương IV

b.      Ngạ quỷ (Preta)

Cảnh giới thứ hai của lục đạo là ngạ quỷ hay quỷ đói. Từ trong chân tâm thanh tịnh, thần thức không khởi lên sự căm thù như trong cảnh giới địa ngục, mà khởi lên sự thèm khát và ganh tị. Ðiều đáng nói là thần thức vừa có cảm giác đầy đủ sung mãn, không thiếu thứ gì, lại vừa thấy vô cùng thiếu thốn, luôn thèm khát muốn được nhiều hơn nữa.

Trong cảnh giới này, sự thỏa mãn của thần thức không phải là cái có được, mà chính là sự săn đuổi. Có thể so sánh với những người đi câu cá không phải để ăn con cá, mà để tìm cái khoái cảm lúc bắt được con cá. Hãy tưởng tượng có người đã quá no nê không thể ăn được gì thêm, nhưng vẫn thèm ăn vì cái khoái cảm khi được ăn. Người ấy nảy sanh sự thèm khát và ganh tị với những ai thực sự đói và có thể ăn được.

Biểu tượng của loài quỷ đói (ngạ quỷ) là một người có cái bụng to như cái trống, nhưng cổ họng chỉ như cái ống nhỏ xíu. Tùy theo nghiệp lực, quỷ đói cảm nhận khác nhau về các loại thức ăn.[3] Có loài vừa cầm thức ăn trên tay, thức ăn đã biến mất hay không ăn được. Có loài đưa vào miệng nhưng không nuốt được. Có khi thức ăn biến thành lửa, không tiêu hóa được. Thật ra, trong đời sống thông thường, chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến những trạng thái tương tự như thế.

c.       Súc sanh (Paśu)

Ðặc điểm của cảnh giới súc sanh là sự thiếu vắng của cảm giác hỷ lạc, tâm thức hài hước. Biểu tượng của cõi này là thế giới thú vật. Chúng có cảm giác hạnh phúc hay đau khổ, nhưng không hề biết cười.

Trong đời sống thông thường, ta sẽ đi vào cõi này một khi chỉ nhắm mắt đi theo một quan điểm cực đoan nào đó, hoặc một khuôn khổ lý thuyết nhất định, rồi tuyệt đối tin tưởng vào đó, một cách cố chấp, không suy xét, không thay đổi. Một con người như thế có thể rất siêng năng cần mẫn và vui lòng với cuộc sống. Như một bác nông phu với cái cày và cách thức canh tác của mình; như một thương gia, một người cha trong gia đình, chỉ mong muốn không có gì bất ngờ xảy ra, tránh mọi bất trắc. Tất cả đều theo những tiêu chuẩn, lề luật đã định sẵn, tất cả đều phải được tính toán từ trước.

Trong cảnh giới súc sanh, mỗi một điều lạ, mỗi một bất ngờ là một thứ tai họa và sẽ là nguyên nhân gây sợ hãi, hỗn loạn dữ dội. Ðó cũng chính là nét tiêu biểu của thế giới thú vật mà chúng ta đều biết.

d.      Người (Nãra)

Nếu cảnh giới súc sanh chỉ cần được sống sót và an lành thì cảnh giới người khác hơn một bước. Ðặc trưng của thế giới loài người là sự khao khát, tìm tòi, khám phá và thụ hưởng. Ðây là thế giới của những nhà nghiên cứu, tìm tòi, luôn muốn làm giàu thêm tri thức và kinh nghiệm. Cõi người có một vài dấu vết của loài quỷ đói là luôn muốn có được nhiều hơn; đồng thời cũng có yếu tố của súc sanh, cố gắng giữ cho mọi thứ được ổn định. Nhưng cõi người có một đặc trưng mà hai cõi kia không có, đó là sự khôn ngoan, thường xuyên suy xét và tìm tòi không ngưng nghỉ. Vì vậy tâm thức loài người đã đạt đến những thành quả lớn lao, rồi trên những thành quả đó nảy sanh thêm những thành quả khác, kể cả những âm mưu quỷ quyệt, những khao khát vô cùng.

e.      A-tu-la (Āsura)

Cảnh giới a-tu-la có thể xem là cao hơn loài người một bậc. Ðặc trưng của cõi này là mối liên hệ với nhau rất cao, đặt trên một trình độ tri thức phát triển. Vừa rời chân tâm trống rỗng vắng lặng đi vào cõi a-tu-la, thần thức có cảm giác rơi vào một nơi hoang địa và khôn ngoan quan sát rình rập mọi thứ. Trong thần thức nảy sanh một mối nghi ngờ với tất cả và luôn tìm cách thắng cuộc.

Khác với các cảnh giới người và súc sanh, a-tu-la là cảnh giới của những âm mưu quỷ quyệt, của những sự khôn ngoan gian hùng, những toan tính lớn lao liên quan đến toàn xã hội.

f.        Trời

Từ trong chân tâm thanh tịnh, thần thức bỗng khởi lên niềm hỷ lạc và muốn lưu giữ niềm vui đó. Thay vì lưu trú trong thức vô ngã, thần thức cảm giác về một tự ngã và muốn giữ gìn tự ngã đó trong một trạng thái đại định. Ðó là ý muốn duy trì đời sống trong trạng thái thiền định sâu lắng, an lạc. Thần thức ngần ngại không muốn lưu trú trong cảnh giới vô ngã, chỉ muốn an trú vào một nơi nào đó, muốn là một cái gì đó.

]

Sáu cảnh giới vừa nói trên là đối tượng của toàn thể cuộc sống trong cõi luân hồi, đồng thời cũng là sáu cửa ngõ để trở về với chân tâm không sanh không diệt. Sự hiểu biết về sáu cảnh giới này sẽ giúp ta hiểu được những cảnh tượng mà thân trung ấm nhìn thấy. Sáu cõi này cũng chính là sự thay đổi tâm lý của con người trong những tình huống khác nhau. Nếu hiểu cái tôi là thể chất bằng xương bằng thịt, thì sáu cõi đó có tính khách quan, còn nếu hiểu được cái tôi bao gồm cả tâm thức phân biệt, thì sáu cõi đó không gì khác hơn chính là các cảnh giới được dẫn dắt đến bởi nghiệp lực của mỗi người.

4.      Thể nhập pháp thân

Pháp thân chỉ là một từ tạm dùng để diễn tả một điều không diễn tả được, vì chỉ Phật mới có thể tri chứng được nó. Khi tâm thức người chết vừa thấy đượcchân tâm, thì dụng của chân tâm laø pháp thân, nhưng pháp thân lúc này xuất hiện dưới dạng của cõi Ta-bà. Trong dạng này của pháp thân, chư Phật và các vị thiên tướng xuất hiện.

Pháp thân không xuất hiện trong dạng vật lý, trong dạng sắc thể, mà với dạng năng lượng, thứ năng lượng sanh ra đất, nước, lửa, gió và không gian. Trong luận này sẽ nói đến sự xuất hiện của chư Phật, nhưng đây không phải là sự thấy thông thường, nghĩa là có người thấy và có kẻ bị thấy, vì rằng ở đây người thấy đã hòa nhập làm một với đối tượng nhìn thấy.

Ðây là một điều rất quan trọng để có thể thấu hiểu được cảnh tượng sau khi chết. Có thể giải thích rằng những gì ta thấy chính là bản thân diện mục tâm lýcủa ta. Nhưng như thế chưa đủ, phải nói thêm rằng đó chính là năng lượng củapháp thân đang nhìn ngắm lại chính mình.

5.      Thế giới hình ảnh của thần thức

Trong thân trung ấm, những hình ảnh, màu sắc, âm thanh hoàn toàn không có thực chất nếu hiểu theo nghĩa thông thường. Chúng chỉ là một dạng của tâm thứcvô ngã rỗng không, vắng lặng. Muốn nhận rõ được điều này, thần thức cần phải quên đi cái tôi cố hữu của mình.

Nhưng rất ít thần thức thể nhập được vào cảnh giới vô ngã, mà cứ cố chấp rằng mình đang thấy và có đối tượng nhìn thấy. Vì thế, đối với thần thức thì những cảnh tượng xuất hiện dường như là khách quan, có thực thể. Những cảnh tượng này có thể tạo ra sự sung sướng, an lạc. Nhiều thiện thần xuất hiện, tạo cảm giác hạnh phúc, đem lại những tri kiến chưa hề có về thế giới bao la vô tận, nhất thể với vũ trụ. Có những cảnh tượng của thiên giới, đầy ánhg sáng và âm nhạc.

Nhưng, sau một vài ngày, thần thức lại trải qua những cảnh tượng không mấy đẹp đẽ. Các vị ác thần xuất hiện gây ra sự sợ hãi. Họ lãnh đạm thờ ơ trước mọi lời cầu khẩn van xin.

Những hình ảnh thiện thần và ác thần lần lượt xuất hiện như thế nào?

6.      Bảy ngày sau khi chết

a.      Ngày thứ nhất

Luận vãng sanh chỉ rõ, bốn ngày sau khi chết thì bắt đầu ngày thứ nhất của thân trung ấm. Thần thức đột nhiên tỉnh giấc, lưu trú trong chân tâm sáng suốt, hiểu được rằng mình đang ở trong giai đoạn thân trung ấm và sắp lưu chuyển trở lại trong cõi Ta-bà. Cảm nhận trong giai đoạn này đều là ánh sáng và hình ảnh, chưa thấy vật chất và sắc thể.

Ngũ uẩn của thần thức một khi bắt đầu hoạt động trở lại, thức uẩn liền lập tức biến thành không gian, là yếu tố chứa đựng tứ đại.

Trong trạng thái lúc này, thần thức sẽ cảm nhận một không gian có sắc xanh, và đó là cảnh giới của Phật Ðại Nhật.[4] Phật Ðại Nhật được mô tả là đức Phật có hào quang sắc trắng. Ngài có bốn mặt, cùng một lúc nhìn ra bốn hướng. Ngài cầm trên tay bánh xe có tám nhánh, tượng trưng cho không gian và thời gian. Biểu tượng của Phật Ðại Nhật là tính chất mênh mông linh hoạt của thức, tượng trưng cho thức uẩn.

Cảnh giới này cũng chứa đựng những yếu tố của cõi trời, thuộc về lục đạo. Không gian có hào quang xanh biếc, không biên giới, không cùng tận. Trong không gian đó, cõi trời của lục đạo tỏa một sắc trắng nhạt như một luồng sáng nhỏ trong đêm. Thần thức thường có khuynh hướng đi về ánh sáng trắng đó, ánh sáng của cõi trời. Cõi trời là một dạng của cõi Ta-bà được nhìn thấy lúc này.

Cảnh tượng này cũng có thể xảy ra trong đời sống hằng ngày. Mỗi một khi ta có niềm hoan hỷ sâu lắng của thiên giới, lúc đó ta cũng có thể cảm thấy dấu vết của cõi Phật Ðại Nhật. Thông thường, cảm nhận được cõi Phật Ðại Nhật là tiếp cận cái vô cùng, cái không biên giới, cái vô ngã, và vì thế không phải đơn giản và dễ chịu đối với những người thường.

Ði vào cõi trời chính là rời bỏ cõi Phật Ðại Nhật, rời bỏ chân như tịch tịnh vắng lặng để đi vào lục đạo. Dù rằng cõi trời, theo như thông thường mà nói, là cõi an lạc nhất của thế giới Ta-bà, nhưng nơi đây vẫn còn chịu mọi trầm luân sanh tử vô thường. Chính do nơi ác nghiệp mà thần thức đột nhiên sợ hãi hào quang rực rỡ chói lòa của cõi Phật Ðại Nhật, và muốn trốn chạy ra khỏi cõi Phật này.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.