Thiền Ngay Bây Giờ – Phần 3

Việc kinh nghiệm thế gian như những rung động này nói đến cái gốc căn bản của khổ như thế nào?

Thánh Đế Thứ Nhất nói rằng bạn phải đi vào chiều sâu nơi diễn ra sự tương tác giữa tâm và vật chất (danh-sắc). Thánh Đế Thứ Hai nói rằng bạn phải thấy nhân sanh của khổ này là gì, đó là thấy được rằng bạn đang phản ứng với sự xúc chạm. Do tiếp xúc với cảm thọ bạn bắt đầu phát ra tham và sân. Nếu bạn thích cảm thọ, bạn bắt đầu tham muốn thêm nữa và nếu bạn không thích cảm thọ bạn bắt đầu phát ra sân.

Kỹ thuật của Đức Phật đưa chúng ta vào chiều sâu của tâm, nơi chúng ta bắt đầu phản ứng với các cảm thọ. Khi bạn đi vào được chiều sâu đó, việc luyện tâm trở nên dễ dàng. Dừng lại mọi phản ứng. Các cảm thọ chắc chắn có mặt ở đó, bao lâu bạn còn đang sống. Vì thế khi xúc có mặt, thì thọ có mặt, chỉ việc quan sát. Quan sát một cách khách quan, không tự đồng nhất mình với cảm thọ này, và cũng không đồng nhất mình với thân hoặc tâm, hoặc sự kết hợp của cả hai. Chỉ quan sát. Nó sanh và sớm muộn gì nó cũng diệt.

Đây là trạng thái vô thường, và vô thường này là không phải là một triết lý của Đức Phật. Nó là quy luật của vũ trụ. Việc tu tập là để cho chúng ta khả năng kinh nghiệm tính chất vô thường ấy. Một cái tâm bình thường, một cái tâm tán loạn, không thể cảm giác được những dao động rất vi tế của sanh và diệt. Việc tu tập tâm rất là quan trọng cho mục đích này.

Trong khóa thiền Vipassanā mười ngày đầu có thể bạn không đủ khả năng để cảm giác nhiều loại cảm thọ. Nhưng sớm muộn gì bạn cũng đạt đến được giai đoạn (ở đây) bạn có thể cảm giác được các cảm thọ vi tế. Khi bạn nhận biết được cảm thọ vi tế, tâm an tịnh; bạn chỉ việc quan sát các cảm thọ mà thôi.

Bất cứ phiền não nào bạn phát ra trong tâm đều sẽ làm khuấy động tâm. Sự bình an đã bị khuấy động. Lời dạy của Đức Phật về giới rất rõ ràng. Bạn không thể sát sanh mà không phát ra sân hận, ác ý hay thù nghịch. Trong thiền Minh Sát, bạn hiểu rằng ngay khi bạn phát ra bất kỳ một dạng thái tiêu cực nào, bạn sẽ là nạn nhân đầu tiên của dạng thái tiêu cực đó. Bạn trở nên rất đau khổ – có một cảm thọ thiêu đốt, tim đập nhanh, căng thẳng tăng trưởng. Bạn đang tạo ra khổ não cho chính mình và không ai muốn làm như vậy.

Lời dạy về giới, về tránh làm những điều bất thiện như một con người sống trong xã hội, đã hiện hữu trước Đức Phật. Sự đóng góp của Đức Phật là ở chỗ dạy cho chúng ta làm việc với các cảm thọ của thân, và để hiểu rằng chúng ta đang phản ứng với các cảm thọ của thân. Nếu chúng ta quên các cảm thọ của thân này, chúng ta đang đi lạc ra khỏi lời dạy của Đức Phật.

Tôi thu thập từ một số bài nói chuyện của ngài và thấy rằng ngài không chấp nhận việc dùng các từ “Phật Giáo” (Buddhism) hoặc “Phật tử” (Buddhist). Vì sao?

Khi người ta hỏi tôi, “Ngài đã cải hóa được bao nhiêu người sang đạo Phật rồi?” Tôi trả lời, “Không một người nào cả. Chính bản thân tôi cũng không cải đạo.” Họ nói, “Vậy ngài không dạy đạo Phật? Ngài không phải là Phật tử sao?” Tôi nói, “Không, tôi không dạy đạo Phật. Tôi không phải là một Phật tử.” Ở Miến Điện (Myanmar), quê hương của tôi, các vị sư mới đầu cũng rất bực tức về chuyện này, Họ nói, “Cái ông này đã học (thiền) nơi chúng ta thế mà bây giờ ông lại muốn dạy cái riêng của ông ấy. Ông ta không phải là một Phật tử. Ông quả là con người vô ơn.” Họ thực sự bị sốc.

May thay, vị tổng thống trước đây (của Miến Điện) đã đến dự một khóa thiền ở Ấn Độ và ông thấy rằng mọi điều tôi dạy đều hợp theo lời của Đức Phật. Ông ta rất thỏa mãn và nhất là đã đạt được một kết quả khả quan từ việc thực hành đến nỗi không cầm được những giọt nước mắt. Khi ông trở về nước, ông nói với nội các, “Người ta đã nói những lời chống đối ông Goenka, nhưng những gì ông đang dạy lại là lời dạy thuần túy của Đức Phật.”

Chính phủ Miến đã mời tôi đến để bàn luận với các vị chức sắc trong giáo hội lý do tại sao tôi không dùng chữ “Phật Giáo”. Tôi nói với họ rằng những từ “Phật Giáo” và “Phật tử” không có trong kinh điển Pāli. Trong toàn bộ những lời dạy của Đức Phật và cả trong chú giải, chữ Boddh – tương đương với chữ “Phật giáo” – không có. Đức Phật chỉ dạy Pháp – Dhamma. Dhamma có nghĩa là quy luật tự nhiên, là sự thực. Những ai theo pháp đó thì được gọi là dhammiko (người hành theo chánh pháp – chánh pháp giả). Nếu Đức Phật chưa từng bắt một ai làm Phật tử (Buddhist), tôi là ai mà lại bắt người khác làm Phật tử? Nếu Đức Phật không dạy Đạo Phật (Buddhism) tôi là ai mà dám dạy đạo Phật? Đức Phật dạy Pháp-Dhamma, tôi cũng dạy pháp. Đức Phật làm cho người ta thành người hành theo chánh pháp – dhammiko; tôi cũng gọi người ta là dhammiko.

Trong hai ngày đầu, họ nói, “Không, chúng tôi không thể tin chuyện đó. Để chúng tôi thẩm tra lại. Chắc chắn phải có một từ để chỉ Phật Giáo-Buddhism.” Sau hai ngày, họ nói, “Không, không có chữ ấy; ông đúng.”

Ngài nói rằng người ta ai cũng có thể thực hành Vipassanā bất kể họ là người Thiên Chúa hay người Hồi giáo, hay Phật giáo. Nhưng trong thực tế liệu tôn giáo có thể là một trở ngại cho việc trao dồi pháp hành này không?

Một số người rất cố chấp vào tín ngưỡng của họ, và nếu tôi nói, “Trước tiên hãy thay đổi tín ngưỡng của bạn đi đã rồi hãy đến với tôi,” ai mà chịu đến với tôi? Sẽ không một ai đến với tôi cả. Do đó, tôi nói, “Cứ giữ lấy tín ngưỡng của bạn và làm việc (thực hành).” Khi họ thực hành, họ nhận ra, “Đây là sự thực (chân lý) và tín ngưỡng của ta còn rất xa sự thực.” Lúc đó, họ tự động thoát khỏi sự cố chấp ấy. Họ có thể không chỉ trích tín ngưỡng cũ, và tôi cũng không muốn một ai làm điều này, vì tôi không chỉ trích một tín ngưỡng nào cả. Nhưng sự thực vẫn là sự thực, nó trở nên rõ ràng: “Đây là sự thực.” Vì thế vấn đề đã được giải quyết.

Sự thực (chân lý) là như nhau đối với mọi người, dù cho họ là một người Thiên Chúa hay Tin Lành hay một người Hồi giáo. Điều đó không làm khác đi được. Sự thực là sự thực.

Liệu tôn giáo có tổ chức có thích hợp với sự thực mà ngài đang nói về không?

Lúc đầu, đứa trẻ nào cũng có thể gặp khó khăn trong việc tự đi vì thế chúng cần dựa vào một vật gì đó để tập đi. Nhưng khi chúng đã tự mình đi được rồi thì chúng liền quăng những vật ấy đi. Tất cả những cái vỏ “tôn giáo” là cần thiết đối với con người, bởi vì họ không thể đi mà không có chúng. Nhưng, khi họ có được sức mạnh trong Pháp, họ quăng bỏ cái vỏ ấy đi. Tôi không bảo họ, “Quăng nó đi,” Họ tự ý quăng nó. Những cái vỏ ấy chỉ thích hợp lúc ban đầu, khi họ còn là những đứa trẻ thơ ở lớp mẫu giáo. Nhưng sau đó, họ không cần chúng nữa.

Tôi nghĩ một số người sẽ phản ứng mạnh mẽ khi ngài nói rằng tôn giáo của họ giống như là lớp mẫu giáo.

Đó là lý do vì sao tôi không thể đi quanh và la lớn rằng tôn giáo của các ông là lớp mẫu giáo. Tôi không la lên như thế. Tôi không nói, “Hãy chấp nhận điều này bởi vì tôi nói vậy.” Khi họ thực hành, họ sẽ thấy, “Ồ, cái này giúp ích cho tôi thật, nhưng bây giờ nó không còn cần thiết nữa.” Một đứa bé bú sữa, và còn phải có người dỗ dành. Tất nhiên khi còn là một đứa bé, phải để cho nó bú như vậy nhưng không phải suốt cả đời.

Như vậy, theo quan điểm của ngài, Đạo Phật là gì?

Dhamma (Pháp), lối sống, quy luật tự nhiên, là phổ quát. Bản chất của lửa là đốt cháy. Đây là Pháp; đây là điều tự nhiên của lửa. Liệu bạn có thể bảo rằng đây là Phật Pháp (Buddhist Dhamma) hay Thiên Chúa Pháp được không? Pháp là tự nhiên. Nếu lửa không đốt cháy, thì nó là một cái gì khác, chứ không phải lửa. Tương tự, bản chất của bất kỳ một tiêu cực nào mà bạn phát ra trong tâm bạn là để thiêu đốt, để làm cho bạn khổ não. Nó làm cho mọi người khổ não. Nếu bạn phát ra tình yêu thương, bi mẫn, thiện chí, với một cái tâm thanh tịnh, bạn sẽ có bình yên và hòa hợp. Mọi người sẽ có giống như nhau. Đây là Pháp.

Quy luật tự nhiên áp dụng chung cho mọi người. Mặt trời không chiếu sáng và chỉ soi sáng cho người này, không cho người khác. Khi gió thổi, nó không chỉ thổi cho người này mà không thổi cho người khác. Pháp là chung, là phổ quát.

Ở đây tôi không chỉ trích một truyền thống nào cả, tất nhiên không cả bất cứ truyền thống Phật giáo nào. Những người chưa đi vào chiều sâu để hiểu rõ được quy luật phổ quát của tự nhiên ở mức kinh nghiệm ít ra cũng có thể làm việc ở mức bề mặt và có được một vài sự lợi ích.

Khi tôi nói điều này, nhiều người bị chạm tự ái. Họ nghe tôi nói, “Các bạn còn ở mức bề mặt, Goenka này đã vào chiều sâu.” Không chỉ Goenka đi vào được chiều sâu; nếu các bạn thực hành, các bạn sẽ tìm thấy nó. Tôi được rất nhiều lợi ích từ nó. Tôi cũng được nhiều lợi ích từ kỹ thuật khác mà tôi đã học. Tôi không chỉ trích các kỹ thuật ấy. Làm thế nào tôi có thể chỉ trích nó? Nó cho tôi rất nhiều lợi ích và nó cũng đem lại lợi ích cho rất nhiều người. Nhưng tôi nói rằng có những bước thêm nữa. Tại sao các bạn lại không bước thêm? Cuộc sống hiện hữu là để cho chúng ta dấn thân tiến bước. Đừng chấp nhận nó bởi vì Goenka nói như vậy hay vì Đức Phật nói như vậy hoặc vì kinh điển nói như vậy. Hãy thực hành nó, khám phá nó, rồi bạn sẽ chấp nhận nó.

Nếu tôn giáo, như ngài nói, chỉ là một người dỗ dành hay một người xoa dịu, liệu như thế nó có là một trở ngại cho việc thực hành pháp (dhamma) không?

Nó có thể trở thành một chướng ngại. Mỗi tôn giáo xứng đáng với tên gọi phải có cùng một bản chất nội tại như nhau. Không chỉ tôn giáo của Đức Phật, mà mọi tôn giáo. Mỗi tôn giáo đều nói, sống một cuộc đời đạo đức với một cái tâm đã khép vào kỷ luật, với một cái tâm trong sạch, đầy từ ái, bi mẫn, thiện chí, khoan dung. Đây là tinh túy của mọi tôn giáo.

Nhưng cái vỏ bên ngoài của tôn giáo lại khác với nhau. Cái vỏ bề ngoài là những lễ nghi, nghi thức,… và một niềm tin mang tính triết lý mà vốn mỗi tôn giáo mỗi khác. Bao lâu người ta dù có những hình thức lễ nghi riêng của họ nhưng vẫn xem bản chất nội tại là quan trọng, nó sẽ không có gì nguy hại. Nhưng ngay khi họ quên cái bản chất nội tại, và xem trọng cái vỏ bề ngoài, chấp chặt vào nó, họ liền biến thành những kẻ cuồng tín hoặc thậm chí những kẻ khủng bố: “Hãy chấp nhận tôn giáo của tôi nếu không tôi sẽ giết ông. Toàn thế gian này sẽ được giải thoát chỉ khi nào mọi người cải đạo sang tôn giáo của tôi.” Cho nên chỉ chú trọng đến cái vỏ bề ngoài, chấp chặt vào đó, quên hết bản chất đạo đức nội tại, sẽ rất là nguy hiểm.

Có những lễ nghi hay nghi thức nào trong cộng đồng của ngài không?

Cộng đồng gì? Đối với những ai hành thiền, lễ nghi duy nhất đó là họ phải hành thiền và quan sát những gì đang xảy ra ở bên trong. Ngoài ra không có hình thức lễ nghi nào khác.

Ngài sẽ minh xác thế nào là một con người giác ngộ?

Một con người như vậy phải hiểu được sự thực ở mức kinh nghiệm. Họ phải giải thoát khỏi mọi bất tịnh, không chỉ ở mức bề mặt mà trong toàn bộ tâm. Lúc đó, theo bản chất, họ sẽ tràn đầy lòng từ ái, bi mẫn, và thiện chí. Chúng ta có thể nói rằng một con người như vậy đã giác ngộ. Giác ngộ là một sự thăng tiến. Bạn bắt đầu với một sự soi sáng nào đó và cuối cùng thì giác ngộ viên mãn. Người ta càng giác ngộ được nhiều bao nhiêu, họ càng là con người tốt hơn bấy nhiêu – tốt đối với bản thân họ và tốt đối với mọi người.

Ngài thấy việc tu tập theo chế độ tu viện có cần thiết chút nào không?

Tất nhiên, bởi vì người tu có cơ hội để học hỏi sâu rộng hơn về Pháp. Họ cảm thấy rằng đời người rất quý và muốn tận dụng tối đa nó. Là những người gia chủ, họ có quá nhiều trách nhiệm và không có đủ thời gian. Vì thế họ từ bỏ cuộc sống của người gia chủ và sống như một nhà sư hay tu nữ.

Nếu một người nào quyết định sống cuộc đời như một vị sư hay tu nữ, và không được luyện tập thích hợp về cách làm thế nào để sống như một người xuất gia, thời sẽ có những vấn đề. Đức Phật muốn họ phải có một sự tu tập thích hợp. Ngài không nhận hết những người đến và thỉnh cầu được thọ y (xuất gia). Ngài thường yêu cầu các vị đệ tử lớn của ngài trước hết phải xem xét một người. Nhiều lần, ngài nói, “Ông hãy sống trong Tăng chúng trong ba tháng, sau đó chúng Tăng sẽ quyết định xem có nhận ông hay không.” Những lần khác ngài lại nói, “Hãy về xin cha mẹ ông cho phép xuất gia đã. Nếu không thì ta sẽ không nhận ông.”

Người ta cần phải thực sự phù hợp để làm một nhà sư hay tu nữ, chứ không chỉ xuất gia vì cảm tình. Và ngay cả sau khi đã trở thành một vị sư hay tu nữ, họ còn phải thực hành liên tục và nghiêm túc hơn một người gia chủ nữa. Tu tập rất là quan trọng đối với những người xuất gia từ bỏ cuộc sống gia chủ.

Khóa thiền mười ngày cũng giống như đời sống tu hành vậy. Mặc dù những người tham dự không cạo tóc đắp y, họ sống một cách giản dị và yên tịnh. Không phải trả tiền cho thức ăn thức uống và những thứ khác. Giống như các nhà sư hay tu nữ, các thiền sinh đi thành hàng để nhận phần ăn của họ. Được cho thức ăn gì, họ ăn thức ăn đó. Nếu như họ phải trả tiền, thì họ có thể nói, “Tôi trả năm mươi đôla cho bữa ăn này? Món này quá nhiều gia vị, món này quá nhiều dầu ăn.” Lúc đó sẽ không còn là đời sống của một nhà sư nữa. Trong cuộc sống của một nhà sư, bất cứ món gì được bỏ vào bình bát ăn xin, họ thọ dụng những món ấy. Trong mười ngày, những người tham dự học cách làm thế nào để sống giống như một nhà sư hay tu nữ.

Ngài đã huấn luyện được hơn bảy trăm vị thầy trợ tá. Theo như tôi hiểu, họ trợ giúp khóa thiền bằng cách tổ chức chúng. Nhưng những bài giảng thực sự lại được ngài giới thiệu qua băng video hay băng cát-sét. Tại sao những vị thầy trợ tá không tự mình đưa ra những bài giảng?

Toàn bộ mục đích là ở chỗ người ta phải nhận được bức thông điệp thực của Pháp (Dhamma). Và nó phải đồng bộ. Nếu một bức thông điệp đến từ một vị thầy và bức khác từ một vị thầy khác, tất có những sự khác nhau và các thiền sinh sẽ trở nên bối rối. Người ta lắng nghe bài giảng từ băng video và những hướng dẫn trên video, và nếu họ không hiểu điều gì, vị thầy trợ tá ở đó sẽ giải thích.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.