Ngoài năm thước đo này, bất cứ lời giảng, pháp môn nào, nếu không phát triển, và đặt nền tảng theo năm thước đo đó, ta được quyền đặt nghi vấn.
1. DUYÊN KHỞI:
Học thuyết Duyên khởi được xem là tuệ giác – phát minh đầu tiên do đức Phật Thích Ca, cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ để xác định vũ trụ, con người, vạn vật không do Thượng đế và các thần linh tạo dựng. Do đó, với vai trò của một con người, chúng ta chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi, đạo đức do mình tạo ra. Ta không thể đổ thừa cho bất cứ trường hợp nào, con người nào, hay do Thượng đế, thần linh, trời, đất… mọi nguyên nhân chủ quan hay khách quan của xã hội. Như vậy, học thuyết Duyên khởi giúp con người có trách nhiệm đạo đức. Về phương diện nhận thức luận, học thuyết Duyên khởi giúp con người có một nhận thức phân tích về bản chất của nhân và duyên rất da đạng. Ta không thể giải quyết vấn đề một cách đơn giản mà phải tổng hợp hết mọi thứ và đưa ra kết luận. Ðây là phương pháp khoa học mà các ngành học hiện đại đang sử dụng, nó hoàn toàn phù hợp với lời Phật dạy.
2. NHÂN QUẢ:
Nhân quả là một phương diện ứng dụng của duyên khởi, là thước đo của đời sống đạo đức, phước và tội, hạnh phúc và khổ đau, thuận và nghịch. Tất cả các pháp môn của Phật giáo đều đặt trên nền tảng nhân quả. Nếu chúng ta tu học theo bất kỳ một pháp môn nào, trong đó có quá nhiều hứa hẹn, chẳng hạn như đạt được sự mầu nhiệm chỉ cần làm việc A, B, C… thì mọi nỗi khổ niềm đau sẽ tan biến mà ta không phải nỗ lực nhiều, dù biết rằng đó là lời khích lệ hơn là mô tả chân lý. Chân lý không thể nào ngược lại với nhân quả. Lời khích lệ giúp chúng ta có giá trị trấn an trong một hoàn cảnh bị bấn loạn về tâm mà ta không đủ sức vươn lên trên con đường tu học và hành trì.
3. TỨ DIỆU ĐẾ:
Là một phương diện giải quyết vấn đề cho nhiều tình huống nghịch cảnh khác nhau. Công thức của Tứ diệu đế là hai lớp nhân quả:
Thứ nhất, thừa nhận bế tắc, khổ đau có mặt với mình là một hiện thực. Do vậy người tu học theo Phật giáo không chán nản, trốn chạy cuộc đời và nghịch cảnh mà phải trực diện với chúng thật bản lĩnh không sợ sệt để ta xem gốc rễ của nó nằm ở đâu. Từ thái độ phân tích này, ta mới truy ra nguyên nhân xa và gần, khách quan và chủ quan, mình và người, hoặc bao gồm tổng hợp những thứ vừa nêu. Trong kinh tế học và lĩnh vực ngành nghề khoa học, hầu như không có phương pháp nào vượt khỏi cấu trúc thừa nhận sự bế tắc, để tìm ra nguyên nhân. Thứ hai, đối đầu lớp nhân quả trước tiên là an vui hạnh phúc, đỉnh cao nhất là Niết bàn, không bị trở về trạng thái của khổ đau thêm lần nữa, cũng không có được từ cầu nguyện, van xin hay phép mầu. Nó có được bằng con đường thực tập Bát chánh đạo, bắt đầu bằng Chánh tư duy và kết thúc bằng Chánh trí tuệ. Như vậy, ta thấy rõ con đường thực tập trong Phật giáo chính là tiến trình nhân quả.
Ðúc kết lại lời Phật dạy trong kinh, Ngài khẳng định, xưa cũng như nay; từ lúc Ngài thành đạo dưới cội bồ đề cho đến trước lúc nhập Niết bàn, trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, Ngài chỉ đưa ra hai vấn đề là vạch mặt khổ đau và chỉ rõ con đường để vượt qua khổ đau. Như vậy, tu học mà không dựa trên giải quyết vấn đề bằng Tứ diệu đế, thì ta sẽ đi ngoài quỹ đạo của chánh pháp.
Tứ diệu đế là một phạm trù mang nặng về phương diện phép mầu. Còn có nghĩa là Tứ thánh đế. Sở dĩ có chữ Thánh là vì bất kỳ hành giả nào, tại gia hay xuất gia, thực tập đúng con đường Bát chánh đạo, thì sau thời gian thực tập, tính cách phàm phu sẽ giảm thiểu một cách đáng kể, thay vào đó là tính cách của Thánh nhơn. Nếu tu tập một cách rốt ráo, thì người phàm sẽ không còn là phàm nữa mà sẽ trở thành Thánh nhơn với quả chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả A la hán, Bồ tát và Phật. Vấn đề là thời gian và phương pháp luận cũng như sự nỗ lực, dụng công như thế nào.
4. VÔ NGÃ:
Nếu pháp môn nào cho rằng tự ngã là thật, được xem bằng với danh xưng do cha mẹ đặt, trên thân thể vật lý ba mươi sáu thể trượt, được cấu tạo bởi nguyên lý chất rắn, chất nhiệt, chất lỏng, không khí. Hoặc dòng cảm xúc, ý niệm quán, tâm tư, và nhận thức phân biệt là tôi, và cái tôi đó bị lệ thuộc vào một trong năm yếu tố, hay cả năm yếu tố thì người đó đang đi trên đường tà. Khi hiểu được Vô ngã về phương diện nhận thức luận; đối diện với già, bệnh, chết và những thiên tai, hành giả vẫn thản nhiên, hoan hỷ chấp nhận, không có những phản ứng trỗi dậy dẫn đến những nỗi đau, hay sự tàn phá cõi tâm, người như thế được xem là hiểu được vô ngã.
Về phương diện tâm lý học, người hiểu được vô ngã sẽ có thái độ khiêm hạ, từ tốn, không cống cao ngã mạn, không cho mình là trung tâm của vũ trụ. Chỉ xem mình là bộ phận cơ cấu tập thể của sự sống, trong đó rất nhiều người và mỗi người đóng chức năng khác nhau. Ta có thể là thầy của thiên hạ về sở trường tốt nhất của mình, nhưng cũng là học trò của thiên hạ về hàng trăm lĩnh vực khác. Bằng tinh thần như thế, việc tu học cần phải tinh tấn vươn lên và sẽ không bao giờ cảm giác rằng mình đã tu học đủ, trọn vẹn, mà không cần tìm kiếm để học hỏi thêm.
Vì thế, thước đo này sẽ giúp ta không mê tín vào cái tôi, để không rơi vào chủ nghĩa ngã si, ngã kiến, ngã mạn, không có thần tượng cái tôi là trên hết, để trở nên khiêm hạ, hòa nhã, kính trên, nhường dưới và dung thông trong mọi phương diện đối tác.
5. VÔ THƯỜNG:
Là dòng chảy của thời gian. Lúc đầu, tạm gọi là quá khứ, kế tiếp là hiện tại và những gì chưa diễn ra là tương lai. Tương lai dần dà trở thành hiện tại. Hiện tại tức tốc trôi qua trở thành quá khứ. Cứ như thế, dòng chảy không bao giờ có sự dừng. Một vũ trụ tồn tại, phát triển, hoại diệt được gọi là sinh, trụ, dị, diệt. Sự hình thành lên chúng gọi là thành, trụ, hoại, không.
Mỗi chúng sanh có bốn giai đoạn: Sinh, già, bệnh, chết. Thời gian gồm có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông; mỗi mùa có 3 tháng; ngắn hơn có ngày và đêm. Sự vận hành đó luôn trôi chảy và cách tiếp nối không dừng. Như thế, khi đối diện với già, bệnh, chết, ta thấy đó là một quy luật tự nhiên, không có thần linh hay đấng tối cao nào cưỡng lại được. Không thể kháng lại, không phủ định mà phải thuận theo để chuyển hóa tâm thức; không để cho nỗi khổ, niềm đau bám trên sự chấp trước này, nhờ vậy, hành giả được thong dong tự tại.
Tất cả các pháp môn và kinh điển của Phật giáo Ðại thừa, đều là sự phát triển về lĩnh vực nào đó trên năm thước đo vừa nêu. Không có pháp môn nào vượt ra khỏi năm thước đo này. Có thể bằng những ngôn ngữ khác, nhưng nội dung chỉ là một. Có thể quá chi tiết và ấn tượng, rộng rãi mang tính thuyết phục hơn, giống như một tác phẩm văn học thời hiện đại, nhưng tất cả đều trên nền tảng của năm thước đo đó.
Như vậy, khi ta học thấu đáo, nên lấy năm thước đo này ra để làm chuẩn thì không bao giờ sợ chủ nghĩa thần tượng về một ai, làm cho mình có thể mê tín dị đoan. Thà ta chấp nhận sự khó khăn về nhân quả, để nỗ lực tự tu, tự học có mặt từ ban đầu, ta sẽ trở thành người thành công được mấy mươi phần trăm. Nếu ta nghe theo những lời hứa hẹn, chẳng khác gì ăn bánh vẽ, chỉ hấp dẫn giai đoạn đầu, nhưng nó vô vị trong tiến trình đi, không có kết quả gì ở điểm cuối.
Thích Nhật Từ (Đạo Phật Ngày Nay)
http://thuvienhoasen.org/