Năng lực của lời cầu nguyện có hiệu ứng khi nó xuất phát từ tấm lòng chân thành và tâm ý cao thượng. Nội dung lời cầu nguyện là thể hiện lòng mong ước đi đôi với hành động lợi mình và lợi người là điều đáng tôn trọng. Đứng về mặt tác dụng giao cảm tâm thức thì thường được chư Phật, Bồ tát, Thiện thần gia hộ. Với người có tâm lành mạnh như thế, chí nguyện hướng thượng như thế thì ngay trong cuộc đời này cũng được các bậc thiện hữu tri thức giúp đỡ, được xã hội tán dương. Trường hợp khác nữa là trong Phật pháp xác nhận rằng, hạng người tội lỗi mà biết hồi tâm hành thiện, tức là biết ăn năn sám hối, như một người học trò biết nhận thức ra lỗi lầm trước vị thầy khả kính, thì sẽ được Phật chứng minh gia hộ. Hoặc có người gặp nhiều tai ương hoạn nạn, nhất tâm tụng kinh, niệm Chân ngôn hay niệm Phật để cho ba nghiệp thân, khẩu và ý thanh tịnh cảm ứng sức gia hộ của Phật và Bồ tát mà tai qua nạn khỏi là điều chắc thật. Vì đó là do tâm hướng về nẽo giải thoát, tâm tương ưng với bổn nguyện từ bi cứu độ chúng sanh của các bậc thánh giả. Tức là do lòng thành cảm ứng năng lực từ bi của Tam Bảo.
Tết về, phần đông tín đồ Phật giáo đi chùa lễ Phật cầu nguyện gia đạo bình an, đời sống hạnh phúc đã trở thành tín ngưỡng quen thuộc và khá phổ biến. Sự thực trong tâm lý chung của mọi người là cầu nguyện năm mới điều gì diễn ra cũng thuận buồn xuôi gió. Ai cũng mong rằng ước nguyện của mình sớm thành hiện thực. Từ đó, mọi người phát khởi niềm tin và nội dung cầu nguyện trình lên Đức Phật cùng các bậc thánh hiền chứng minh và gia hộ. Người Phật tử có chánh kiến thì phải biết bày tỏ ý nghĩa và mục đích của lời cầu nguyện như thế nào mới phát huy được phẩm hạnh tốt đẹp của mình trong đời sống. Nếu chúng ta biết phản tỉnh suy xét thì những gì tốt đẹp nhất trên thế gian này đức Phật đã tự nguyện ban tặng cho chúng ta rồi, không đợi sự cầu xin tha thiết. Tất cả có trong những lời dạy cao quý trong kinh giáo Phật đã để lại thế gian này. Giáo lý ấy dạy chúng ta sống và thực hiện từ lời nói đến việc làm với cái tâm trong sạch để tạo nhiều phước lành để có hạnh phúc, giáo lý ấy còn dạy chúng ta phải phát triển trí tuệ giác ngộ để không còn khổ đau triền miên. Cho nên chúng ta đến chùa cầu nguyện cho mình được thực hành trọn vẹn lời Phật dạy là lời ước nguyện cao đẹp nhất trong ngày đầu xuân.
Lời cầu nguyện có hai khuynh hướng, khuynh hướng tích cực và tiêu cực. Thế nào là lời cầu nguyện mang khuynh hướng tích cực? Khi đối chúng ta đối trước Tam Bảo phát lời cầu nguyện chân thành từ nội tâm với những mong muốn cao thượng và thiết thực. Cầu nguyện cho bản thân mình và mọi người hiểu được lời Phật dạy, sống theo lời Phật dạy để có được an lạc trong hiện tại và tương lai. Sống có chánh kiến với mọi hành động của chính mình. Biết rõ nguồn góc khổ đau là vô minh và tham ái, mong muốn tu tập khéo léo để mau hết khổ. Nếu tu tập mù quáng mong hết khổ cũng như nấu cát mà đợi có cơm để ăn thì thật là đáng thương! Lời cầu nguyện ấy thể hiện sự trân trọng lời dạy của Phật. Vì bao lâu nay chúng ta đã dại dột ham rong chơi nhiều quá, sống say chết mộng mà lạc lối trở về căn nhà chân như an ổn, nay gặp lời dạy của Phật soi sáng tâm trí nên chúng ta vô cùng trân trọng. Ví như người mù có được đôi mắt sáng nên vô cùng mừng rỡ và nguyện giữ gìn cẩn thận đôi mắt đó mãi mãi để thấy rõ sự vật trong từng bước đi vững chãi.
Chúng ta hãy suy tư về lời Phật dạy qua đoạn kinh sau: “Này thầy Xá Lợi Phất, thầy có biết rằng nếu một vị đệ tử áo trắng (vị cư sĩ) đạo hạnh biết hộ trì năm Giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm) thì có thể dạt tới rất dễ dàng và không khó khăn gì khả năng an trú hạnh phúc ngay trong hiện tại, và biết chắc chắn rằng mình sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh và các nẻo ác khác trong tương lai? Một người như thế là đã đắc quả Vào Dòng, không sợ còn bị rơi vào đường ác, chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác. Người ấy chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên Giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ. “[1]
Theo lời dạy trên thì con đường hướng đến hạnh phúc cho cá nhân gia đình và xã hội đó là thực hiện năm tiêu chuẩn đạo đức còn gọi là năm giới tại gia: 1- Không sát sanh, 2- Không trộm cắp, 3- Không tà hạnh, 4- Không nói dối, 5- Không uống rượu. Vì đó là nền tảng cơ bản có trong mười điều thiện và các giới hạnh khác chung cho chúng đệ tử của Phật. Bất cứ người nào sống theo những nguyên tắc căn bản đó mới có khả năng sống an lạc trong hiện tại, phát triển đạo đức và tuệ giải thoát khổ đau. Đức Phật còn dạy thêm bốn pháp quán tưởng, nhớ nghĩ để thanh tịnh hóa nội tâm: 1- Quán tưởng phẩm đức giải thoát của Phật. 2- Quán niệm về Pháp, tức lời dạy của Phật giúp chúng ta sống có trí tuệ, 3- Quán niệm Về Tăng, tức những thánh đệ tử của Phật sống phạm hạnh thực hành và truyền bá đạo giải thoát, 4- Quán niệm về Giới, tức những giá trị đạo đức phù hợp với nguyên lý sống an lạc, giải thoát. Phật dạy, người tại gia nếu thực hành năm giới và bốn pháp cao đẹp đó thì hiện tại có được hạnh phúc, không bị đọa lạc vào cảnh giới khổ đau, chắc chắn chứng thánh quả và sẽ được giác ngộ viên mãn. Đó là điều chúng ta phải tư duy và tu tập thường xuyên, không nên nghi ngờ và chạy theo các ảo tưởng mê lầm.
Thiết nghĩ, sống trong cuộc đời muôn ngàn cạm bẩy của ngũ dục như: Tiền tài, sắc dục, danh vọng, tham ăn và tham ngủ. Con người thường bị cuốn hút vào dòng thác đam mê nên tâm trí mê muội, tự tạo lấy hậu quả sầu khổ nặng nề. Lời cầu nguyện được sống theo lời Phật dạy là sự tha thiết trở về đạo lý buông bỏ đi thú vui thấp hèn để thăng hoa đời sống mình. Nếu một lòng chân thật cầu nguyện như thế thì sẽ được chư Phật, Bồ tát, Chư thiên, Hộ pháp tán thán và ủng hộ. Trong kinh thuật lại rằng, Phật thế luôn khen ngợi, tán thán những đệ tử phát nguyện siêng năng tu học theo pháp giải thoát.
Thế nào là lời cầu nguyện tiêu cực: Lời cầu nguyện xuất phát từ lòng tham, lòng ích kỉ quên người khác đang khổ đau, cầu Phật cho mình đủ phương tiện sống theo đam mê, suy thoái đạo đức cá nhân, gia đình và xã hội. Như cầu nguyện buôn bán mua may bán đắt, đánh thắng nhiều ván bài, cầu trúng số để trở nên giàu có để tha hồ hưởng thụ. Sự thực, một người khi có tiền tài vật chất mà không có đạo đức và trí tuệ thì càng rơi vào cuộc sống tội lỗi và khổ đau nhanh chóng hơn những người nghèo khó. Nếu Phật chứng minh cho những lời cầu nguyện tiêu cực đó thì Phật không có lòng từ bi bình đẳng hay sao? Nên hiểu rằng Đức Phật không bao giờ mong người này thắng kẻ khác thua, cho người này gặp may kẻ kia gặp rủi, cho người này được kẻ khác mất. Những lời cầu nguyện đó chắc chắn Phật và Bồ tát không khen ngợi mà còn quở trách rằng những tâm niệm như thế là quá ư khờ dại!
Đức Phật chúng ta vốn xuất thân từ dòng dõi đế vương, sống trong quyền uy, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan mà ngài từ bỏ và xuất gia. Khi giác ngộ, Ngài còn dạy cho con trai là La Hầu La cùng dòng tộc xuất gia tu đạo. Ngài không khuyên con trai mình ở đời để kế vị đế vương, hay không khuyên dòng tộc sống đời để hưởng thụ vinh hoa phú quý. Phật dạy, đời sống tiện nghi, giàu sang chỉ là sự hưởng thụ tạm bợ, chỉ có trí tuệ và đạo đức mới giúp con người và nhân loại ra khỏi vũng bùn vô minh và sầu khổ muôn đời.
Năng lực của lời cầu nguyện có hiệu ứng khi nó xuất phát từ tấm lòng chân thành và tâm ý cao thượng. Nội dung lời cầu nguyện là thể hiện lòng mong ước đi đôi với hành động lợi mình và lợi người là điều đáng tôn trọng. Đứng về mặt tác dụng giao cảm tâm thức thì thường được chư Phật, Bồ tát, Thiện thần gia hộ. Với người có tâm lành mạnh như thế, chí nguyện hướng thượng như thế thì ngay trong cuộc đời này cũng được các bậc thiện hữu tri thức giúp đỡ, được xã hội tán dương. Trường hợp khác nữa là trong Phật pháp xác nhận rằng, hạng người tội lỗi mà biết hồi tâm hành thiện, tức là biết ăn năn sám hối, như một người học trò biết nhận thức ra lỗi lầm trước vị thầy khả kính, thì sẽ được Phật chứng minh gia hộ. Hoặc có người gặp nhiều tai ương hoạn nạn, nhất tâm tụng kinh, niệm Chân ngôn hay niệm Phật để cho ba nghiệp thân, khẩu và ý thanh tịnh cảm ứng sức gia hộ của Phật và Bồ tát mà tai qua nạn khỏi là điều chắc thật. Vì đó là do tâm hướng về nẽo giải thoát, tâm tương ưng với bổn nguyện từ bi cứu độ chúng sanh của các bậc thánh giả. Tức là do lòng thành cảm ứng năng lực từ bi của Tam Bảo.
Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, mọi thành tựu đời sống hạnh phúc hay hiện tượng khổ đau con người đều do tâm tạo. Đó là biểu hiện tính chất vận hành nhân quả khách quan mà đức Phật đã dạy. Giả sử chúng ta đến chùa cầu giàu sang, cầu trường thọ mà sống với lòng tham lam ích kỉ, giết người hại vật thì làm sao có được kết quả được mà cứ dóc lòng cầu nguyện. Trong nguyên lý nhân quả, muốn sống lâu và giàu sang phải biết tu hạnh bố thí, cúng dường, phải biết tôn trọng sự sống con người và sinh vật. Phật dạy: “Người đời nay sống lâu, là do đời trước có từ tâm. Người đời nay chết non, là do đời trước hay sát sanh. Người đời nay giàu to là đời trước hay làm hạnh bố thí.”[2] Một khi người Phật tử tư duy và thiền định, học kinh Phật thuyết về Thiện ác nhân quả thì tự nhận thức được rằng: Hạnh phúc có được do từ tấm lòng hiến dâng và ban tặng cho đời những điều tốt đẹp mà chúng ta có được, chứ không do cầu xin van vái.
Do vậy, điều cầu mong chính đáng và thiết thực của chúng ta là được sống trong giáo pháp Phật dạy:
“Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.” [3]
Câu kinh trên đã tóm tắt nội dung lời Phật dạy trong các Kinh điển, hàm chứa ý nghĩa Giới-Định-Tuệ là con đường thành tựu đời sống phước đức, thành tựu đời sống trí tuệ giải thoát khổ đau sanh tử luân hồi.
Như vậy, người học Phật không mong cầu gì hơn, không quý trọng gì hơn ngoài việc tu theo lời Phật dạy. Không những nguyện đời này và mãi mãi đời sau đều được sống theo lời Phật dạy. Vì trong giáo lý Phật để lại thế gian này là đã có đủ những phương tiện giúp chúng sanh sống an lạc rồi, chúng ta không mong ước tìm cầu điều gì khác hơn nữa. Nhận thức đúng như thế, ngày đầu xuân chúng ta đến chùa dâng lời cầu nguyện cao thượng đó thì sẽ được Đức Phật tán dương và gia hộ./.
Thích Đức Trí
http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/xuan
[1]Kinh ưu bà tắc (Kinh người áo trắng), số 128 của Kinh Trung A Hàm, HT. Thích Nhất Hạnh dịch.
[2] Trích từ: Phật thuyết kinh thiện ác nhân quả.
[3] Kinh pháp cú, số183. HT.Thích Minh Châu dịch.