Thiền Sư Trí Bảo

Thiền Sư Trí Bảo (? – 1190) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông & Lý Cao Tông)

Mỗi một đệ tử đắc pháp của Thiền Sư Đạo Huệ đều có những đặc điểm độc đáo mà người Tu cần phải học.

Thiền Sư Trí Bảo là một trong sáu đệ tử đắc pháp với Ngài Đạo Huệ : Tịnh Không, Đại Xả, Tín Học, Trường Nguyên.

Tịnh Lực và Ngài

Qua hành trạng được ghi nhận lại chúng ta tán dương sức dõng mãnh kiên cường của Ngài đã từ bỏ phù du danh lợi uy tín… mà chỉ hướng về chí nguyện tối cao của người xuất gia chân chánh : tìm được chân tánh, giải thoát.

Vì là cậu ruột của Thái Uý Tô Hiến Thành hẳn nhiên Đạo Nho (Khổng Tử) thời ấy đã ảnh hưởng không ít đến tư ưởng nhân sinh nhưng lạ thay khi xuất gia Ngài đã phạm hạnh sống đời thiểu dục tri túc và áp dụng lời dạy của Đức Phật, Lão Tử trong nhiều năm khi chưa ngộ đạo Và điểm tuyệt vời khi đã được truyền tâm ấn, điều này lại một lần nữa nói lên phạm hạnh cao quý của một bậc chân tu . khi được tăng sinh hỏi đến về Tri túc.

Chúng ta nhờ bài kệ của Ngài

(Bồ-tát tư tài tri chỉ túc,
Ư tha từ bi bất dâm dục.
Thảo diệp bất dữ ngã bất thủ,
Bất tưởng tha vật đức như ngọc.
Bồ-tát tự thê phương tri túc,
Như hà tha thê khởi tham dục ?
Ư tha thê, thiếp, tha sở hộ,
An nhẫn tự tâm khởi tâm khúc.)
HT Thích Thanh Từ dịch :
Của dùng Bồ-tát biết vừa đủ,
Đối người thương xót chẳng lấn tham.
Vật mọn không cho ta chẳng lấy,
Chẳng quản của người đức ngọc lành.
Bồ-tát vợ nhà còn biết đủo,
Tại sao vợ người lại khởi tham ?
Thê thiếp của người người bảo hộ,
Đâu nỡ lòng mình khởi vạy tà.

Mà tìm về lại những lời dạy của Đức Thế Tôn trong Kinh Di Giáo cũng như những lời dạy của Lão Tử để đoạn trừ lòng tham, mưu sinh bất chính.

Khi trong tâm bị câu thúc quá nhiều, quá mạnh bởi ham muốn, con người dễ bất chấ đạo lý, đang tâm thực hiện mọi mánh khóe thủ đoạn để đạt cho bằng được cái điều ham muốn ấy.

Do đó, khi một người biết đủ, ít ham muốn thì ngay những nhu cầu, khát vọng chính đáng cũng không thể làm vẩn đục cái tâm trong sáng, lành mạnh, bình lặng của người ấy thì làm sao có sự tham lam hiện hữu trong cái tâm ấy được.

Hơn nữa, nhờ Thiểu dục và Tri túc mà gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa. Cái lợi ích của Thiểu dục và Tri túc thật không sao kể xiết được.

Trong kinh Thuỷ Sám có câu: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Đó là lý do vì sao nhiều người giàu nhưng vẫn không tìm được hạnh phúc, người nghèo lại có được hạnh phúc tràn đầy. Ta thấy rằng, thiếu thốn hay đầy đủ không phải phụ thuộc vào vật chất, mà nó phụ thuộc vào tư tưởng hay cách suy nghĩ của chúng ta.

Đây là lý do vì sao Đức Phật dạy hạnh thiểu dục tri túc cho người Phật Tử. Thiểu dục tri túc không kiềm hãm sự phát triển của bất kỳ ai, cách sống này là để đối trị với lòng tham không đáy, lòng tham gây ra phiền não không có điểm dừng mà chúng ta, những con người hiện đại đang bị vướng phải. Thiểu dục tri túc là môt sắc thái tâm lý sống.
Vì lẽ đó, một người, trong khi thực hiện ước vọng của mình, nếu biết vận dụng tâm lý thiểu dục tri túc sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn với những ước vọng của mình; do đó, người ấy thực hiện cái ước vọng của mình trong sự nỗ lực tối đa mà vẫn giữ được trạng thái thanh thản của tâm hồn, không bị ước muốn đó đốt cháy sự an lạc. Đây mới là điểm chủ ý của đức Phật khi Ngài dạy về pháp thiểu dục tri túc. Do đó, pháp thiểu dục tri túc có tính chất là một liệu pháp tâm lý hơn là một chủ trương có tính giáo điều, áp đặt.

Thiểu dục tri túc giúp con người bình đẳng trước hạnh phúc, vì hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ tâm lý con người, chứ không phụ thuộc vào vật chất nhiều hay ít. Một trăm nghìn cũng có thể tạo nên xúc cảm hạnh phúc tuyệt vời đối với anh chàng nhà nghèo, nhưng một triệu

Hiểu thiểu dục tri túc, mỗi người phải biết lượng tài sức của mình để quyết định ước muốn của mình nhiều hay ít. Nếu sức lực của mình không đủ mà suốt ngày cứ loay hoay đeo đuổi những mơ tưởng điên rồ thì chắc chắn sẽ chuốc lấy những khổ não mà thôi.

Con người đến với đạo Phật là để được hạnh phúc hơn, an lạc hơn chứ không phải đến để giàu có hơn, địa vị cao hơn. Tuy điều kiện vật chất giúp ta sống có hạnh phúc hơn, điều đó không ai phủ nhận, nhưng chúng ta không thể đánh đổi, bất chấp tất cả để đạt được nó.

Chúng ta vẫn luôn hướng đến một đời sống với vật chất đầy đủ hơn hoàn thiện hơn, nhưng hành trình chúng ta đi trong tâm thái thanh thản, an lạc, không bị câu thúc nung nấu bạo loạn bởi những tâm thái không biết đủ, quá nhiều ham muốn. Đó là những gì mà đức Phật muốn gửi gắm chúng ta qua lời dạy về pháp thiểu dục tri túc.

Kính trân quý những gì đã học được với Thiền Sư Trí Bảo và cũng kính xin trân trọng gửi đến quý đạo hữu bài thơ Sinh Tử Không Hai của Thiền Sư Nhất Hạnh khi liễu tri “Sanh từ đâu đến và Tử đi về đâu “.

Sinh tử không hai
đêm nghe mưa gội
linh hồn thức dậy
trời thế gian ngập lụt
biển sóng gầm ảo tượng
trong phút giây chập chờn
đường nét hôm nay
ra vào thấp thoáng
đưa anh về đâu?

không
mầu nhiệm trong giây lát
hạt mưa cười
nghiêng đổ u sầu.
( TS Nhất Hạnh )

Kính ngưỡng Thiền Sư Trí Bảo,
Đệ tử đắc pháp thứ sáu từ Minh Sư Đạo Huệ
Được xem từng dòng hành trạng của Ngài
Tán thán thay phạm hạnh bậc anh tài
Tuy cậu ruột một đại thần … xuất gia cầu Đạo (1)

Chùa làng Thanh Tước…cần kiệm bòn Phước báo (2)
Khắc khổ nhiều năm, rèn luyện nội tâm
Ngã rẽ cuộc đời … lời quở mắng từ bậc danh tăng (3)
” Chùa tốt không có Phật “… tư duy sâu … tự trách ! (4)

Dõng mãnh kiên cường… uy tín, danh lợi rũ sạch
Sanh từ đâu đến, tử đi về đâu ? (5)
Minh sư giảng giải …vi diệu nhiệm mầu
Trích lời dạy Đức Phật … cốt tủy Kim Cang Bát Nhã (6)

Phút giây liễu ngộ …điều muốn biết liền được giải tỏa (7)
Thấy được trời trong không gợn chút mây nào
Thốt lên câu kệ … hào khí dâng trào (8)
Lời tán dương ân đức Sư Phụ … trình bày cái Thấy((9)
Tâm được ấn Tâm … tiếp tục con đường chọn lựa

Cơ phong giáo dưỡng như đá nháng lửa (10)
Tam giáo đồng nguyên … thuyết tri túc tuyệt vời (11)
Nguyên tắc từ Lão Tử, áp dụng Kinh Di giáo cho đời
Bài kệ thượng đường … Thi đàn Lý Trần còn ghi chép lại (12)

Huệ Hương – Melbourne 28/10/2021

__________________________

Chú thích :

(1) Sư họ Nguyễn, quê ở Ô Diên, Vĩnh Khương, là cậu ruột là Thái Uý Tô Hiến Thành, một đại công thần đời Lý Anh Tông.
Về Thái Uý Tô Hiến Thành , Đại Việt sử ký có ghi như sau:
……….
Trong chính sử, Tô Hiến Thành được đề cập lần đầu tiên với vai trò của ông trong việc bình định nổi loạn Thân Lợi.[4] Năm 1140, Thân Lợi tự xưng là con trai Lý Nhân Tông và nổi loạn chống vua Lý Anh Tông ở khu vực phía bắc (nay là Thái Nguyên).[5] Quân của Thân Lợi cuối cùng đã bị quân nhà Lý do Đỗ Anh Vũ chỉ huy đánh tan, Thân Lợi bị Tô Hiến Thành bắt và bị chém đầu theo lệnh của Lý Anh Tông tháng 10 năm 1141.[6] Chính Tô Hiến Thành đã khuyên nhà vua tha cho các thành viên tham gia nổi loạn để tỏ lòng nhân ái đối với dân chúng.[7] Sự nghiệp làm tướng võ của Tô Hiến Thành chủ yếu là dưới thời trị vì của vua Lý Anh Tông. Tiếp nối gương của Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái úy Tô Hiến Thành đã cùng vua Lý Anh Tông đi dẹp loạn các nơi, mở mang bờ cõi thêm về phía Tây bắc. Sự nghiệp võ công của ông chống Chân Lạp xâm lược, chinh phạt Chiêm Thành; làm cho vị thế của quốc gia Đại Việt dưới thời Lý Anh Tông trở nên lớn mạnh với các nước lân bang và với nhà Tống; buộc nhà Tống phải công nhận Đại Việt vào năm 1164
Sự nghiệp làm quan văn của ông cũng hiển hách không kém, nhưng phần lớn công lao lại tập trung ở giai đoạn cuối đời, khi ông trở thành đại thần phụ chính tài năng và đức độ cuối cùng của nhà Lý. Ở giai đoạn trước đó, công lao lớn nhất của ông là việc ông tổ chức khai hoang lấn biển các vùng ven biển thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh ngày nay, đặc biệt đối với vùng đất ven biển Hải Dương nay là Vĩnh Bảo – Hải Phòng. Cuối đời ông làm đến chức Nhập nội Kiểm hiệu Thái phó bình chương quân quốc trọng sự (Tể tướng). Khi vua Lý Anh Tông băng hà tháng 7 năm 1175, Hoàng tử trưởng là Lý Long Xưởng hư hỏng, vua có di chiếu lập hoàng tử Lý Long Cán mới có 3 tuổi lên ngôi (tức vua Lý Cao Tông), đã giao cho ông làm phụ chính.
Hoàng hậu – mẹ Lý Long Xưởng – đem mâm vàng đến hối lộ ông, mong ông đổi di chiếu đưa Long Xưởng lên ngôi, nhưng ông kiên quyết từ chối và làm theo sự ủy thác của Tiên đế. Nhưng do tuổi già sức yếu mà thời gian phò trợ ấu chúa của ông không được là bao. Năm 1179 khi vua mới 6 tuổi, thì ông ốm nặng và mất. Trước khi mất ông tiến cử Trần Trung Tá, người có thực tài, thay mình phụ chính nhà vua, mà nhất quyết không tiến cử Vũ Tán Đường người hầu cận bên mình. Mặc dù người đương thời ví Tô Hiến Thành như Gia Cát Lượng thời Tam Quốc bên Trung Quốc[8], triều đình sau đó đã không nghe theo lời ông cho Trần Trung Tá làm Thái phó phụ chính cho vua, dẫn đến sau này vua Cao Tông không được dạy bảo điều hành chính sự mà chỉ lo ăn chơi, nhà Lý đi vào suy vong.

(2) Sư xuất gia vào tu ở chùa Thanh Tước trên núi Du Hý làng Cát Lợi, đất Thường Lạc. Thường ngày mặc áo vá ăn cơm hẩm, cả mười năm không đổi chiếc áo, đến ba ngày chẳng thổi lửa nấu cơm, tay chân chai cóp, thân thể khô khan
Thấy có người đến thì khoanh tay đứng nép một bên, gặp bậc Sa-môn thì quì gối lễ bái. Sư chuyên tu như vậy đến sáu năm mới xuống núi.
Xuống núi, Sư chuyên tạo phước nào sửa đường, bắc cầu, cất chùa, xây tháp, tùy duyên khuyến khích người, không vì lợi dưỡng.

(Trích đoạn tả núi Thanh Tước trước là một quận thuộc tỉnh Phú Yên , năm 1960 đổi thành quận Vĩnh Phúc thuộc Hà Nội ( cách xa Hà Nội 29 km ) … Ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh còn có ngọn núi mang tên Thanh Tước, cao 59 m. Đây là nơi quận Hẻo Nguyễn Danh Phương đã lập tiền đồn chống chúa Trịnh. Tại vùng này còn lưu truyền câu: “Ba làng Kẻ Đám (Đạm Nội, xã Tiền Châu )/Tám làng Kẻ He (Xuân Phương, xã Phúc Thắng) không đánh nổi quận què ở núi Thanh Tước.”

(3) Chợt gặp một vị tăng hỏi:- Sanh từ đâu lại, tử đi về đâu ?
Sư liền suy nghĩ. Vị tăng ấy bảo:
– Trong lúc ông suy nghĩ, mây trắng bay ngàn dặm.
Sư không đáp được. Vị tăng ấy quát:- Chùa tốt mà không có Phật.
Nói rồi bèn bỏ đi.

(4) Sư tự than rằng:
– Ta tuy có tâm xuất gia, nhưng chưa được yếu chỉ của người xuất gia, ví như kẻ đào giếng, dù đào đến chín, mười thước mà chưa có nước, vẫn phải bỏ đi. Huống là, tu thân mà chẳng ngộ đạo thì có ích gì ?
Từ đây, Sư dạo khắp bốn phương tham tìm bậc thiện tri thức.

(5) Nghe Thiền sư Đạo Huệ giáo hóa ở Tiên Du, Sư liền đến đó.
Sư hỏi Đạo Huệ:- Sanh từ đâu lại, tử đi về đâu ?
Đạo Huệ bảo:- Sanh không từ đâu lại, tử chẳng đi về đâu.
Sư thưa:- Thế ấy, đâu chẳng rơi vào chỗ không sao ?

(6) Trong kinh Kim Cương, đức Phật giảng: Như Lai là một thực tại như thế, không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu[1]

Như Lai giả, vô sở tùng lai
Diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai
(Như Lai ấy, không từ đâu đến
Cũng không đi đâu, nên gọi Như Lai).

Mọi sự tới – lui, qua – lại, phải – trái… đều là tướng phàm phu, còn bị mắc kẹt trong vòng sắctướng, chưa thể thoát ra ngoài vòng đối đãi của nhị nguyên được. Pháp còn trong vòng đối đãi là pháp chấp thế gian hay cũng gọi là pháp nhiễm. Pháp lìa tướng siêu xuất thế gian hay còn gọi là pháp tịnh. Phật – Như Lai – bậc đại giác tu hành trong vô lượng kiếp dày công khổ luyện tinh cần thành tựu viên mãn. Nên chứng pháp nhãn tịnh. Pháp nhãn tịnh chỉ có Phật có được còn hàng Bồ tát trở xuống chưa ai đạt được. Ðiều ấy cũng có nghĩa là những ai chưa thành là bậc Như Lai hãy tinh tấn dũng mãnh, hẳn một ngày không xa cũng sẽ đạt được quả vị Phật, như lời Phật tuyên bố.

(7) Đạo Huệ bảo:
– Chân tánh diệu viên, thể tự không tịch, vận dụng tự tại, chẳng đồng với sanh tử.
Thế nên, sanh không từ đâu đến, tử chẳng đi về đâu.

Chân Tánh được giải thích thêm như sau:
Chân tánh còn gọi là Thể tánh Tịnh Minh, chân Tâm , Như Lai Tạng , Phật tri kiến, Phật Tánh.
Chân tánh là tánh chân thật nó ở luôn với mình, không lúc nào nó rời khỏi mình hết. Còn cái nó đến rồi nó đi, cái đó là vọng tâm chứ không phải chân tánh. Vọng tức là khi buồn, khi vui, khi thương, khi ghét, lúc này lúc khác chứ không phải như vầy mãi mãi. Đó là khách, là vọng. Còn cái mà chúng ta hằng thấy, hằng nghe, hằng biết, đang thấy, đang nghe, đang biết ngay bây giờ nó không bao giờ rời chúng ta một chút nào, đó là cái Thật của chúng ta. Nếu chúng ta nhận ra chỗ này rồi, thì đó là chúng ta ngộ Đạo.

Chân ránh cũng được gọi là Bản Tánh tánh là vì cái tánh “Biết” nó sẵn có từ hồi nào đến giờ. Trong kinh gọi là Phật tánh hay chơn như. Bản tánh là tên khác của Phật tri kiến hay Viên giác v.v… Thí như trong quặng nhơ sẵn có chất vàng ròng trong đó. Đứng về mặt bản thể của sự vật, thì nói là bản tánh. Thí như nước và sóng, nếu đứng về mặt bản thể, thì người ta gọi là nước. Nhưng nếu đứng về mặt hiện tượng thì người ta gọi là sóng. Như vậy, sóng và nước không thể ly khai ra mà có. Chính trong lúc sóng nổi lên, thì nó mang sẵn chất nước tiềm tàng ở trong sóng. Nếu không có nước thì làm gì có sóng? Nhưng nói sóng là nước thì không đúng.
Cũng thế, khi phiền não (dụ cho sóng) dấy khởi thì nó che phủ mờ tánh giác sẵn có. Ngay khi phiền não dấy lên, thì mình không thể nói phiền não là chơn tâm hay bản tánh được. Nhưng bản tánh cũng không rời phiền não mà có. Như nước trong không rời lìa nước đục mà có. Muốn có nước trong cần phải lóng. Lóng có nghĩa là tu, tu là chuyển hóa những thứ phiền não nhiễm ô, để cho tâm ta được thanh tịnh sáng suốt. Hai thực thể nầy không thể ly khai mà có. Đây là lý “Bất Nhị” hay pháp môn “Không Hai” của Kinh Duy Ma Cật đã nói. Và đây cũng chính là yếu lý “Tương Tức Tương Nhập, hay Lý Sự vô ngại” của hệ tư tưởng giáo lý trong Kinh Hoa Nghiêm. Vì thế, nên nói một là sai, mà nói hai thì không đúng.

(8) Ngay câu nói này, Sư liền lãnh ngộ, nói:
Chẳng nhân gió cuốn mây trôi hết,
Đâu thấy trời trong muôn dặm thu.
(Bất nhân phong quyển phù vân tận,
Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu

(9) Đạo Huệ hỏi:- Ngươi thấy cái gì ?
Sư thưa:
Biết nhau khắp thiên hạ,
Tri âm có mấy người.
(Tương thức mãn thiên hạ,
Tri âm năng kỉ nhân.)
Sư bèn từ tạ trở về núi.

(10) Từ đây, Sư nói ngang nói dọc, như chọi đá nháng lửa

(11) . Một hôm, Sư thăng đường, tăng tục vây quanh, có người hỏi:
– Thế nào là tri túc ?
Sư đáp:
– Phàm người xuất gia và tại gia đều phải biết tri túc. Nếu người biết tri túc thì ngoài chẳng lấn người, trong không tổn mình. Vật nhỏ nhít như rau cỏ, người không cho, mình chẳng nên lấy. Huống là, những vật lớn khác thuộc của người, khởi tưởng là vật của người, trọn không do đây mà sanh tâm trộm cắp. Cho đến, thê thiếp của người, khởi tưởng là thê thiếp người, cũng không do đây mà sanh tâm dâm.
Tam Giáo đồng nguyên gồm Phật – Nho – Lão
Phật dạy:
Ðể đối trị lòng tham, Phật khuyên chúng ta trong kinh Đi giáo phải “thiểu dục và tri túc”. Trong Khế kinh có nói: “Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất chi túc chi nhơn, tuy xứ thiên đường diệc bất xưng ý“. Nghĩa là: Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý.
Trong kinh Di Giáo, Phật dạy: “Nầy các Tỳ kheo! Nếu các ông muốn thoát khỏi sự khổ não, nên suy nghiệm hai chữ “Tri túc”. Hễ biết đủ thì ở cảnh nào cũng yên vui. Người không biết đủ, tuy giàu mà nghèo; người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường bị năm thứ ham muốn kéo dắt, làm người biết đủ thương hại.
Một người trong tay thâu tóm tất cả của cải trong thế gian, với người nghèo mà không tham muốn, hai người đều giàu như nhau.”

Lão Tử thì khuyên con người phải biết sống tri túc (biết đủ thì không nhục), tri chỉ (biết dừng thì không sợ hiểm nguy), biết đề phòng và ngăn ngừa hậu họa khi nó còn mới manh nha, chưa định hình. Điều đó chứng tỏ ông đã có nhận thức về lượng của sự vật cũng như giới hạn tồn tại của sự vật hay độ của nó. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ (biết thế nào là đủ thì sẽ luôn có đủ).
Trong Chương 46 Đạo Đức Kinh, Lão Tử giảng: “Họa mạc đại vu bất tri túc, cữu mạc đại vu dục đắc, cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”, nghĩa là: không họa nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào lớn bằng ham muốn có được, cho nên biết thế nào là có đủ thì sẽ luôn có đủ.
Tư tưởng biết đủ của Lão Tử bao hàm rất nhiều ý nghĩa khác nhau. “Biết đủ” là cầu bên trong mà không cầu bên ngoài, là theo đuổi bản tính chất phác và sự dồi dào về tinh thần. “Tri túc giả phú”, người biết đủ là người giàu có.
Lão Tử vô cùng coi trọng tư tưởng biết đủ. Ông cho rằng, tư tưởng biết đủ có thể quyết định vinh nhục, sống chết, họa phúc… của mọi người. Không chỉ thế, Lão Tử còn dùng “biết đủ” để phân biệt người giàu và người nghèo trong xã hội. Một người nếu biết đủ thì những yếu tố khách quan như tiền tài, của cải… cho dù không có nhiều lắm nhưng họ vẫn có thể tự nhận mình là người giàu có.

(12) Các ngươi nghe ta nói kệ:
Của dùng Bồ-tát biết vừa đủ,
Đối người thương xót chẳng lấn tham.
Vật mọn không cho ta chẳng lấy,
Chẳng quản của người đức ngọc lành.
Bồ-tát vợ nhà còn biết đủ,
Tại sao vợ người lại khởi tham ?
Thê thiếp của người người bảo hộ,
Đâu nỡ lòng mình khởi vạy tà.
(Bồ-tát tư tài tri chỉ túc,
Ư tha từ bi bất dâm dục.
Thảo diệp bất dữ ngã bất thủ,
Bất tưởng tha vật đức như ngọc.
Bồ-tát tự thê phương tri túc,
Như hà tha thê khởi tham dục ?
Ư tha thê, thiếp, tha sở hộ,
An nhẫn tự tâm khởi tâm khúc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.