Tản Mạn Thế Nào Là “Sống Trong Pháp, Sống Thuận Pháp”!

Có lẽ bạn cũng như tôi sẽ ngạc nhiên khi đọc đâu đấy rằng… khi một người có niềm tin vào một tôn giáo (Phật, Chúa) thì họ sẽ kiềm hãm để không rơi vào hố sâu của tự mãn và kiêu ngạo.

Và đôi khi còn được chú giải thêm rằng “khi một thiên tài còn biết mình vẫn sẽ mãi mãi ở dưới một người và luôn biết mang ơn người đó thì Anh ta sẽ không đánh mất chính mình”.

Nhưng hẳn chúng ta cũng đã được nghe “Ai thấy Pháp người ấy thấy Ta, ai thấy Ta người ấy thấy Pháp”. Đấy là lời dạy của đức Phật dành cho tỷ-kheo Vakkali. Lời dạy này được ghi lại trong Kinh Tiểu Bộ và Kinh Tương Ưng; do Hòa thượng Minh Châu dịch từ tiếng Pàli sang tiếng Việt.

Như vậy “Học Pháp hằng ngày tức là Ta sống trong Pháp có nghĩa là Phật dạy gì ta nghe nấy, gắng phụng hành bằng tất cả tâm sức và lòng kính trọng”.

Thật ra người có niềm tin vào chân lý thì cảnh giới tinh thần cũng thăng hoa trở thành thánh khiết vì không mang dục vọng và có nội tâm chính trực do đó nơi con người họ sẽ toát ra một vẻ đẹp cao quý thuần tịnh.

Trộm nghĩ : người Phật tử tại gia dù cho có tích lũy nhiều kiến thức và kỹ năng tốt nhưng lúc nào cũng biết quay về với Tự Tánh vạn pháp… việc đến Tâm liền ứng hiện, việc đi Tâm trở về Không thì xem ra sống như vậy cũng được gọi là sống thuận pháp không có gì mâu thuẫn.

Nhiều lần được nghe pháp thoại từ HT Viên Minh, Ngài cho rằng “Tu học là Thấy, biết rõ tất cả các Pháp với tâm thanh tịnh, trong sáng”. Cũng như một danh ngôn ở phương Đông cho rằng “Học Phật là sự thọ hưởng tối cao của đời người”. Và ta sẽ tìm được nét kỳ diệu của Phật Pháp khi nghe những bài giảng của các bậc cao tăng, ghi chú lại để đọc nhiều lần, mỗi lần sẽ giúp chiêm nghiệm thêm một điều mới.

Hơn thế nữa nhiều học giả cho rằng …

– Thế gian có được bao người gặp Phật Pháp để hiểu rằng “cuộc đời vốn tràn ngập những đau khổ và làm cách gì để tránh”

– Ai đã biết rằng Phật pháp vô biên phủ trùm khắp các cõi, không một thứ gì không bao hàm, song không phải để khẳng định sự cao vời ấy mà phải thấm nhuần được ánh sáng Tuệ nhật đến mọi người nơi thế gian như nhà thơ Hắc Thuỷ Thừ Cảnh bên Trung Hoa đã tả:

“Rỗng rinh vô hạn trùm trời đất
Ẩn hiện sương mù …nắng Phật lên”

Ánh nắng này sẽ giúp ta có được sự hưởng thụ chân chính, vì Đạo Phật chính là phụng hiến, phụng sự và một khi Ta gặp được chân lý chính là hưởng thụ chân chính.

Ta phải luôn luôn tri ân và cám ơn những gì Ta có được hôm nay là do Phước phần đã gieo từ nhiều kiếp trước mà Phước đó lại ví như dầu trong đèn, một khi Phước vơi …ắt thọ mạng lâm nguy.

Nhưng nếu các bạn sẽ thắc mắc hỏi: “ trọng điểm của việc giải thoát là tu tập để đoạn tận tham, sân, si , các lậu hoặc ….thì thế nào là sống theo Pháp?”.

Kính xin mời cùng nghe Đức Thế Tôn dạy rằng:

– “Dù cho vị Tỷ-kheo học thông suốt Pháp tức là thuộc lòng 12 bộ kinh ( khế kinh, ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Nhân duyên, Thí dụ, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng, luận nghị)
Vị ấy dùng trọn cả ngày để học thuộc lòng Pháp, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Tỷ-kheo thông đạt nhiều kinh điển, nhưng không sống theo Pháp”. (Tăng Chi II-B, 1982, tr. 118).

– “Lại nữa, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thuyết cho các người khác một cách rộng rãi pháp như đã được nghe, như đã được học thông suốt… Vị ấy dùng trọn cả ngày để trình bày Pháp cho các người khác, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo thuyết trình nhiều, nhưng không sống theo Pháp”.

– Lại nữa, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đọc tụng một cách rộng rãi Pháp như đã được nghe, như đã học thuộc lòng. Vị ấy dùng trọn cả ngày để tụng đọc, bỏ phế sống độc cư, an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đọc tụng nhiều, nhưng không sống theo Pháp”

– “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo… dùng trọn cả ngày suy tầm nhiều về Pháp, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo suy tầm nhiều, nhưng không phải sống theo Pháp”.

Tiếp theo đoạn kinh trên, Thế Tôn dạy đại để rằng, nếu làm các công việc trên một phần của ngày và để một phần của ngày vào công việc sống độc cư, chuyên tâm tịnh chỉ, thì như vậy có nghĩa là sống theo Pháp.

Sau đó Thế Tôn kết thúc bằng lời giáo giới này:

– “Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật. Chớ để về sau phải hối tiếc. Đây là lời giáo giới của Ta dành cho các Ông”.
Cuối cùng, vấn đề giải thoát, vấn đề sống với Chánh pháp vẫn là việc hành Thiền định để đoạn tận các lậu hoặc.

Và như vậy để diệt trừ được các lậu hoặc, lại đòi hỏi sự kiên trì mà ta sẽ được Phật cảnh báo trong kệ 271-272 trong phẩm Pháp Trụ của Kinh Pháp Cú :

Chẳng phải vì trì giới nghiêm túc
Chẳng phải do kiến thức thật cao
Chẳng phải vì thiền định thâm sâu
chẳng phải do sống xa Trần tục
Mà có thể tự mãn
Ta nay hưởng phước hạnh viễn ly
Mà các phàm phu làm gì hưởng được
Tỳ Kheo, chớ xao lảng
Kiên trì diệt lậu hoặc cho xong !

Trong khi việc hành Thiền, Hoà thượng Viên Minh lại dạy rằng:

“Thiền chỉ là thấy ra hiện trạng sự tương giao giữa thân tâm và môi trường sống để ngay đó thấy ra sự thật.

Thấy sự thật thì mới biết tùy hoàn cảnh mà tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng pháp.

Các pháp lại luôn luôn đổi mới, nên nhận thức cũng phải luôn mới mẻ. Cho nên sự sống bên trong và xung quanh chúng ta đều luôn trôi chảy và đổi mới, sống theo Pháp là sống thiền mà Thiền là thấy ra sự thật đang diễn ra nơi chính đời sống mỗi người.

Trở về quan sát thân – tâm trong những hoạt động thật sự tự nhiên của nó sẽ nhận ra rằng nếu không có ý đồ can thiệp của bản ngã thì cái thân-tâm này cùng với vũ trụ sẽ tự vận hành một cách hoàn toàn tự nhiên và hoàn hảo nhất”.

Từ đó muốn đạt tới giác ngộ cứu cánh thì người tu phải thành tựu trí siêu việt.

Riêng Ngài Đạo Nguyên (Dogen) Sơ Tổ phái Tào Động thì lại cho rằng:

“Người dù đạt đến giác ngộ hoặc ví như có giác ngộ đi chăng nữa, cũng đừng bao giờ ngừng tu tập mà phải tu tập tiếp nhiều hơn nữa để đạt được giác ngộ tuyệt đỉnh vì Giác Ngộ là vô biên. Hãy nhớ rằng nghị lực như một thứ giáo pháp, không bao giờ hẹn lại những gì ta có thể thực hiện hôm nay, và luôn chống lại những cám dỗ của các sinh hoạt vô bổ và luôn tâm tâm niệm niệm rằng cần phải cố gắng thực thi và duy trì nghị lực mãi khi ta còn sống”

Chúng ta lại học được từ các cao tăng rằng “Sống trong pháp là sống tỉnh thức , sống thực sự với ý thức cảm nhận được từng phút giây của hiện tại, ý thức được cảm nhận của giác quan trên thân xác và ý thức được sự vận hành của tâm thức trong từng khoảnh khắc”.

“Tỉnh giác là con đường bất tử
Buông lung là nẻo dữ tử sinh
Sống theo tỉnh giác tâm linh
Hơn người phóng dật đã thành chửa chôn” (Pháp cú 21)

Cần biết rằng Tỉnh thức được xem tương đương với Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Từ sự tỉnh thức ta mới có thể tập trung suy tư để quán xét một đối tượng, lúc bấy giờ sự tập trung lại biến thành Chánh Định ( đó là chú tâm đích thực). Có định mới phát sinh ra tuệ giác để không còn thấy cái tôi, và cái của tôi xuất hiện bằng cách thực hành đúng 3 nguyên tắc ( thu thúc lục căn, chế ngự tam độc và diệt trừ kiết sử ).

Lời kết:

Sống trong pháp và sống thuận pháp chỉ là một, mà trong đó sự chú tâm quán xét được ý nghĩa minh bạch của mọi hiện tượng, và để thấy được thực tánh của Pháp là Vô thường, Vô Ngã, Khổ để hưởng được pháp vị Giải thoát.

Người sống trong pháp sẽ không áp dụng công thức nào để đạt được bất kỳ điều gì, mà chỉ trở về quan sát hoạt động của thân – tâm trong mối tương giao với hoàn cảnh xung quanh để nhận ra đâu là sự vận hành của pháp (tự nhiên) và đâu là sự tạo tác của bản ngã để đạt được tuệ giác đích thực.

“Người tuy nghe ít mà trực chứng
Chẳng lảng xao Giáo pháp chút nào
Đấy mới là người an trụ pháp rất cao“ (Kệ pháp cú 259)

Người sống trong pháp là người biết an trụ pháp và hộ trì pháp (an trụ là lúc nào cũng giữ đúng theo luật pháp của xã hội và luôn luôn tuân theo đầy đủ các giới luật trong đạo) trong khi hộ trì Chánh pháp là giữ gìn, bảo vệ Chánh pháp được sáng tỏ để mọi người biết tuân theo.

Theo thiển ý người viết “Cách để có tuệ giác đích thực chỉ có thể đến bằng sự nghe pháp và hành thiền mà thôi”. Còn nhớ yếu chỉ thiền của Ngài Bách Trượng Hoài Hải :“Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu!” để thấy ra Tánh Giác khác xa cái biết hữu thức thường nghiệm. Nó âm thầm vận hành tất cả pháp nhưng vẫn vô tâm dường như không biết gì cả. Nên Lão Tử nói “Tri bất tri thượng” tức cái biết mà như không biết mới là cái biết cao nhất.

Và ngoài ra ta cũng nên chuyển hoá tâm mình theo những đức tính tốt của người hiền trí: chẳng hận thù, chẳng sợ hãi, sống an hoà với mọi người dứt bỏ sự ganh ghét, lòng ích kỷ, tâm diệt hết mọi điều ác, biết lúc nào nên nói, biết lúc nào nên im lặng.

Với căn cơ, trình độ tiếp nhận lời dạy của Phật còn kém, người viết theo kinh nghiệm nhiều năm có được tuy chỉ đôi khi hoan hỷ trong an lạc vài giờ sau khi nghe pháp thoại nên đã khắc ghi trong tâm rằng “muốn sống trong pháp cần phải tập trung hoàn toàn vào các bài pháp thoại mà mỗi khi nghe lại nắm giữ được ý nghĩa của bài giảng trong lúc giảng và cả sau lúc giảng thì sự nghe Pháp này tốt nhất sẽ dần tiến với trí tuệ rộng lớn. (Theo Tăng Chi I, 1980, tr. 145-146).

Vì những lợi ích sau đây:

• Ích lợi lớn nhất của việc nghe Pháp chính là để hiểu Pháp.

• Ích lợi lớn nhất của việc hiểu Pháp là hỷ tâm và tín tâm sinh để vận dụng vào việc tu tập Pháp bằng thiền quán khi đó sẽ vượt qua mối do dự và nghi ngờ.

• Ích lợi lớn nhất của việc tu tập chính là sự giải thoát tham, sân, si.

Khi tham, sân, si đã bị tận diệt thì nhu cầu nghe Pháp và hành Thiền vẫn còn có để được hiện tại lạc trú và từ đấy thấy mọi sự vật và hiện tượng là hư ảo, là huyễn, là vô thường, vô ngã, không bị lạc vào đường chấp ngã mà phải nỗ lực thực hành sao cho chân tâm vô trụ, an nhiên tự tại.

Cái an nhiên tự tại chính là tâm thanh tịnh, là tâm không vướng mắc, là tâm “đối cảnh vô tâm” trong bài thơ kệ Cư trần lạc đạo của vua Trần Nhân Tông:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tác san hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền”

Đây chỉ là những ý nghĩ thô thiển của một người căn cơ còn kém, nhưng được chút nghị lực và tinh tấn nghe nhiều pháp thoại của quý danh tăng và đúc kết tổng hợp lại, người viết kính mong được sự chỉ dạy của nhiều học giả cao kiến hầu hiểu Pháp hơn và có thể sống trong Pháp được vài phút vài giờ mỗi ngày cũng đã mãn nguyện lắm rồi.

Kính trân trọng,

Chữa trị Tâm, Thân theo cổ truyền y học
“ Điềm đạm hư vô, chân khí tuỳ chi ”
Khi trở về rỗng lặng trong sáng…lo gì
Sẽ đẩy lùi bịnh tật nhờ phục hồi, ổn định !

Cần cảm nhận trọn vẹn chính mình là chính
Đến từ tự động, hoặc luyện tập thói quen
Luôn bình tĩnh sáng suốt… định hướng đi lên
Tri ân cuộc sống này… khi Thấy ra Sự Thật.

Sống được trong Pháp là thực hành lời Phật
THU, CHẾ, DIỆT…. phương pháp phải nhuần ôn (1)
Tăng sức mạnh tập trung … mới khá hơn
Tiếp nhận món quà trao tặng từ cuộc sống!

Hãy sử dụng thời gian với những khoảng trống
Kết hợp Chánh niệm trong yếu quyết hành thiền
Sống trong pháp, cũng là thuận pháp tuỳ duyên
Sẽ hỷ lạc khi… muôn sự đều đến từ Tuệ Giác!

Huệ Hương

________________________

(1) THU thúc lục căn khi tiếp xúc cảnh trần
CHẾ NGỰ được phần nào Tham, Sân, Si từng bước
DIỆT TRỪ 10 kiết sử mà bắt đầu từ thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ trước

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.