Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Phần 3

II-4 CHÂN LÝ CAO SIÊU VỀ CON ÐƯỜNG DIỆT KHỔ (Bát Chánh Ðạo – Ariya Magga)

HAI LỐI CỰC ÐOAN VÀ CON ÐƯỜNG ÐI GIỮA

S.36 – “Buông tha say mê trong các thú vui trần tục rất thường tình, nhơ bẩn, thấp hèn, vô bổ. Ðàng khác, tự chế bằng cách hành thân hoại thể rất khó nhọc, không thanh cao mà cũng chẳng lợi ích gì. Bậc Toàn Giác tránh cả 2 điều đó và đã xây đắp con đường đi giữa, rồi đem ra giải thích, giáo hoá (chúng sanh) tới nơi an lạc, tới sự nhận xét chánh đáng, tới Giác Ngộ, tới Niết Bàn”.

Ðây là con đường siêu việt có tám phần, con đường đưa đến kết thúc nguồn đau khổ:

Chánh kiến (Sammà-Ditthi)
Chánh tư duy (Sammà-Sankappa)
Chánh ngữ (Sammà-Vàca)
Chánh nghiệp (Sammà-Kammanta)
Chánh mạng (Sammà-Àjìva)
Chánh tinh tấn (Sammà-Vàyàma)
Chánh niệm (Sammà-Sati)
Chánh định (Sammà-Samàdhi)

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Sự tiến hoá tuyệt đối trên lộ trình rèn luyện nội tâm, trau dồi giới đức phải căn cứ vào Chánh kiến, nghĩa là phải nhận xét cho thấy một cách chính xác. Lẽ đó Chánh kiến là bước đầu tiên của Bát Chánh Ðạo.

Nhưng muốn kiện toàn sở nguyện, người tu Phật phải noi theo lịch trình được sắp đặt đúng thứ tự như sau:

Giới (Sìla)
Ðịnh (Samàdhi)
Tuệ (Pannà)

Bởi vậy Chánh kiến và Trí tuệ liên quan rất chặt chẽ với nhau trong Giáo Pháp của Ðức Phật.

S. 56 – “Ðây là đường lối “Trung dung” mà Ðấng Toàn Giác đã khám phá và đem ra giảng giải, giáo hoá để đưa đến nơi an tịnh, tới sự nhận xét rõ rệt, tới Giác Ngộ, tới Niết Bàn.

Ðường lối đó không hành thân hoại thể, không gây đau đớn than van, khổ não. Ðó là con đường huyền diệu.

DHP. 247-275-276 – “Thật ra, ngoài Bát Chánh Ðạo, không còn cách nào khác để tẩy uế nội tâm, để thấy rõ chân lý. Noi theo Bát Chánh Ðạo, các ngươi sẽ chấm dứt được nguồn thống khổ.

Nhưng mỗi cá nhân phải tự mình chiến đấu. Ðấng Chánh đẳng đã chỉ rõ đường đi”.

M.26 – “Tư cách bất tử đã tìm được rồi! Như Lai đem ra phổ biến và giải thích đúng chân lý. Các ngươi hãy nghe theo. Vì mục đích cao thượng của cuộc đời đạo đức mà có nhiều con nhà danh giá rời bỏ gia đình nhà cửa, đi tìm sống lang thang nay đây mai đó. Chẳng bao lâu nữa, vì chính trong kiếp hiện tại, nếu các ngươi cố công học hỏi, trì chí thực hành thì sẽ thành đạt đạo quả chẳng sai”.

Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Maha Thongkham và Huỳnh Văn Niệm soạn dịch
Dựa theo quyển “The Word of the Buddha” của Hòa thượng Nyanatiloka
Tái bản năm 1995 tại Sài Gòn

http://www.buddhismtoday.com

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.