03 – Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh
“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.
Xá-Lợi-Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử! thị chư pháp không tướng: bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn-giới nãi chí vô ý-thức giới; vô Vô-minh diệc vô Vô-minh tận nãi chí vô lão-tử diệc vô lão-tử tận; vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo; vô Trí diệc vô Đắc.
Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn.
Tam thế chư Phật y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, đắc a-nậu đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề.
Cố tri Bát-nhã ba-la-mật-đa, thị đại thần-chú, thị đại minh-chú, thị vô-thượng chú, thị vô đẳng-đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa chú. Tức thuyết chú viết:
“Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha”.
Bộ tâm kinh với 260 chữ nầy đã bao trùm toàn bộ chân lý của Đức Phật. Ngài đã thuyết minh về cái Lý Không và cái Thật Tướng của vạn pháp để con người có cái nhìn sâu xa về cái “Có’ với cái ”Không” và cái “Thật” đối cái “Giả”. Trong 49 năm hành đạo Đức Phật đã thuyết giảng qua 12 bộ kinh thì giáo lý của Đức Phật rộng rãi bao la vô tận. Để dễ hiểu chúng ta cứ tưởng tượng những lời Phật dạy thì vô cùng vô tận như bao ngàn mẫu cây mía. Khi các vị thánh tăng đem gom góp chúng thành 12 bộ đại tạng kinh cũng như là đem ép mấy ngàn mẫu cây mía kia thành ra 12 thùng nước mía nguyên chất. Sau cùng Bộ Tâm Kinh nầy chính là chất mật tinh túy được rút ra từ 12 cái thùng nước mía kia. Vậy Bộ Tâm Kinh nầy là cốt tủy, là phần tinh túy của giáo lý Đức Phật. Chính Ngài Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang đã qua tận Ấn Độ để tham khảo, thỉnh kinh và phiên dịch bộ kinh “Đại Bát Nhã” dày 600 quyển và Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh chính là tinh yếu, là cốt tủy của bộ Đại Bát Nhã nầy. Bộ Bát Nhã Tâm Kinh được dịch như sau:
“Khi Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa pháp Bát Nhã Ba La mật đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.
“Này Ông Xá Lợi Phất! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc; Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.
“Này Ông Xá Lợi Phất! Tướng “Không” của mọi pháp, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt.
“Vì vậy này Ông Xá Lợi Phất! trong “tướng không” không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn-giới cho đến không có ý-thức giới; không có minh, không có vô minh; cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có tuổi già sự chết và cũng không có cái hết của tuổi già sự chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí huệ cũng không có chứng đắc.
“Vì không có chỗ chứng đắc, nên Bồ tát y theo Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa lìa điên đảo, mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn. Chư Phật trong ba đời cũng y vào Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa mà được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
“Vì vậy, nên biết Bát Nhã Ba-La-Mật là đại thần chú, là chú của đại minh huệ và cũng là thần chú cao tuyệt, thần chú vô giá có thể trừ diệt hết mọi khổ đau; đó là chân lý vì không sai lầm.
“Đây là thần chú được công bố trong kinh Bát Nhã Ba-La-Mật: Này Bồ-đề, đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia.
Tâm kinh là kinh tinh yếu của toàn bộ Đại Bát Nhã. Tuy bộ tâm kinh chỉ vỏn vẹn có 260 chữ mà ý nghĩa của nó bao hàm cả 600 quyển Đại Bát Nhã. Ma Ha là lớn, là đại. Lý do Ngải Trần Huyền Trang gọi nó là tâm kinh bởi vì Ngài ám chỉ kinh nầy là chủ tể của tất cả kinh thuộc loại Bát Nhã, tức là trí tuệ, cũng như chúng ta lấy tâm làm chủ tể cho con người của mình vậy. Bát Nhã tức là trí tuệ còn Ba-La-Mật là tới bờ bên kia. Bờ bên nầy là thế gian còn bờ bên kia là Niết bàn. Hoặc là bờ bên nầy là dẫy đầy tham lam còn bờ bên kia là Phật đạo. Cũng có thể hiểu là thấy Có, thấy Không là bờ bên nầy còn có đủ sáng suốt để phá cái Có, cái Không là đến bờ bên kia. Do đó Ma-ha Bát-Nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh có nghĩa là bài kinh nằm lòng nói về Đại Trí tuệ. Vậy Bát Nhã Ba-La-Mật là cái sáng suốt có thể đưa người tới bờ bên kia, tức là được giác ngộ. Cái sáng suốt nầy được gọi là cái sáng suốt triệt để vì nó không hình, không tướng. Mặc dù chúng ta không thấy được nó cũng như không thể nào diễn tả về nó, nhưng thật ra chúng ta có thể biết được sự hiện hữu của nó, tức là biết nó bằng cách xuyên qua các công dụng, tức là việc làm của nó. Chẳng hạn như khi chúng ta bố thí tiền của cho người nghèo khổ thì tâm chúng ta cả.m thấy hân hoan khoan khoái vì đây là việc thiện. Cái khoan khoái nầy chính là sự bộc lộ thiện tâm của chúng ta Nhưng đố ai tìm ra được cái thiện tâm của mình? Vì thế cái trí tuệ Bát nhã cũng vậy. Chúng ta nghiệm biết được nó là nhờ nhìn vào cái nhân dụng của nó mà thôi. Bởi thế cổ nhân có câu:
“Dĩ sự nghiệm tri, nhân dụng khả biện.”
Vậy trước hết chúng ta hãy suy nghiệm về câu Bồ tát Quán Tự Tại thấy được ngũ uẩn là không.
04 – Ngũ uẩn giai không
Bởi do nhân duyên hòa hợp tất cả những nghiệp duyên từ trong quá khứ mà kiến tạo ra con người trong kiếp nầy. Nói một cách khác con người chỉ là sự kết hợp, tạo thành của Ngũ uẩn mà thôi bởi vì uẩn có nghĩa là tích tụ thành một khối. Ngũ uẩn thì có sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và sau cùng là thức uẩn. Một cách dễ hiễu là thân thể con người gồm có hai phần là thân xác và tâm linh. Phần thân xác có hình dáng nên gọi là sắc uẩn còn phần tâm linh vì không có hình sắc nên gọi là danh và bao gồm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Vậy Ngũ uẩn là một danh từ dùng chỉ cho con người hay nói một cách rộng rãi là chỉ cho toàn thể nhân sinh vũ trụ. Khi Ngài Bồ tát Quán Tự Tại thực hành Bát Nhã Ba La Mật một cách sâu xa thì Ngài quán chiếu và thấy rằng ngũ uẩn giai không. Nhưng thế nào là giai không? Giai không có nghĩa là vô ngã hay là không có tự tánh. Muốn hiểu vô ngã hay không có tự tánh thì trước hết phải biết thế nào là ngã hay tự tánh. Ngã là bản chất để tự nó có thể phát triển mà không cần đến sự giúp đỡ bởi những nhân duyên khác.
Nếu hạt lúa có ngã thì tự nó lớn lên rồi trở thành cây lúa, nhưng hạt lúa không thể tự nó phát triển được nếu không có những trợ duyên như đất, nước, phân bón, ánh sáng…vì thế tự tánh của hạt lúa là vô ngã hay nói một cách khác là hạt lúa không có tự tánh. Bất cứ vạn pháp nào trên thế gian nầy mà muốn sinh tồn hay phát triển được đều cần phải có trợ duyên. Cái xe là sự tổng hợp của biết bao sắt, kim loại, plastic và công phu của bao nhiêu người thợ…Cái nhà chúng ta đang ở là do cây, gỗ, gạch, ngói và công thợ tạo thành mà chính cây, gỗ, gạch, ngói không thể tồn tại bởi chính nó cho nên toàn bộ cái nhà không thể nào tồn tại được vì thế cái nhà cũng là vô ngã, tức là không. Có nghĩa là cái nhà nầy một ngày nào đó sẽ trở về với cát bụi vì ảnh hưởng bởi luật vô thường.
Vậy trước hết sắc uẩn có vô ngã không?
Thân xác của con người là sự kết hợp của tứ đại. Đó là đất, nước, gió, lửa. Chất cứng trong thân thể như xương, thịt, tóc, da thì thuộc về đất. Chất ướt như máu me, nước đờm, nước miếng thì thuộc về nước. Máu đen chạy từ cơ thể về tim và từ tim mang máu đỏ để nuôi tất cả các tế bào và mang oxygen cho sự sống thì gọi là gió. Muốn thân thể tồn tại thì cơ thể phải tiêu hóa đồ ăn thức uống để cung cấp năng lượng hay hơi nóng cho các tế bào được sống thì gọi là lửa. Nhưng nhìn kỹ thì bốn món đất, nước, gió, lửa lại thù nghịch chống đối lẫn nhau. Gió thì không ưa đất còn nước thì kỵ lửa. Một khi gió thịnh hơn đất hay là gió thổi ào ào vô mạnh thì thân thể đau nhức uể oải. Còn lúc nào nước mạnh hơn lửa thì chúng ta lạnh phát run hoặc lửa thạnh hơn nước thì chúng ta lên cơn sốt. Vì mang bản chất thù nghịch nên cái nầy luôn luôn muốn đàn áp cái kia làm cho thân của chúng ta không an là như vậy.
Nói tóm lại thân xác của chúng ta là do sự kết hợp của nhiều nhân duyên tạo thành thì chính nó không có tự tánh, không có chủ thể hay vô ngã tức là không. Vì mang tính vô ngã như thế nên không một ai trên thế gian nầy từ cổ đến kim thoát ra khỏi định luật “thành, trụ, hoại, không” cả. Có nghĩa là có sinh tất có diệt. Bởi thế mới có câu:”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?” là vậy.
Như thế thì sắc uẩn chính là sự kết tụ, chất chứa của vật chất để tạo ra những hình tướng như thân thể và cảnh vật. Sắc uẩn gồm có năm căn và sáu trần. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể. Còn lục trần thì có :
Thanh trần: tiếng mà tai nghe được.
Hương trần: hương vị do mũi ngửi được.
Vị trần: mùi vị do lưỡi nếm được.
Xúc trần: cảm xúc do thân biết được.
Pháp trần: đây là cảnh biết của ý thức và chỉ được nhận biết từ trong nội tâm mà thôi.
Bây giờ đến phần tâm linh của con người.
Vậy hảy xem thọ uẩn có vô ngã không?
Con người chúng ta thì có lục căn. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ngoại cảnh thì có lục trần. Đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi mắt của chúng ta thấy một vật gì, tức là sắc trần. Tai chúng ta nghe một âm thanh nào, tức là thanh trần. Mũi chúng ta ngữi một mùi thơm gì, tức là hương trần. Lưỡi của chúng ta nếm một mùi vị nào, tức là vị trần. Thân của chúng ta cảm thấy nóng, lạnh, cảm giác êm đềm hay đau đớn, tức là xúc trần. Sau cùng thì ý tưởng để lưu lại những hình ảnh, màu sắc, hương vị cũng như cảm giác từ năm trần ở trên để phát sinh ra sự phân biệt thì gọi là thức.
Vậy thọ uẩn là sự tiếp nhận của lục trần bởi lục căn. Chẳng hạn như khi nghe một bản nhạc rất hay thì chúng ta cảm nhận được cái vui hay cái buồn của bản nhạc đó. Khi xem một trận đá banh rất sôi nổi thì chúng ta cảm nhận cái tài nghệ, cái hồi hộp của trận đấu bóng nầy. Ăn món ngon vật lạ thì chúng ta cảm thấy sung sướng vì hương vị thơm ngon của nó. Tay của chúng ta rờ một tấm áo lông thì cảm thấy mềm mại êm ái.
Do đó thọ là sự tiếp nhận cái vui hay cái buồn của thế gian bởi vì lục căn tự nó không có thọ chẳng hạn như chính cái lưỡi không có mùi vị nhưng khi nếm thức ăn ngon thì sinh ra khoái khẩu tức là lạc thọ nên muốn ăn món ngon và chê món dở. Nhưng tất cả những sự tiếp nhận nầy đều cấu thành bởi những nhân duyên bên ngoài mà đã là từ nhân duyên thì chính nó không có tự tánh hay vô ngã tức là Không. Trong Phật giáo, thọ được chia làm ba loại: lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ.
Ø Lạc thọ là cảm nhận được cái vui, cái sung sướng ở thế gian nầy do sự tiếp xúc mà ra.
Ø Khổ thọ là cảm nhận sự đau khổ hay bất hạnh do cuộc đời đưa đến.
Ø Xả thọ hay vô ký thọ là không vui cũng chẳng buồn. Lúc nào cũng vậy thôi. Trước sau như một.
Vì những cảm giác của thân và tâm sinh diệt bất thường có nghĩa là chúng không ở mãi một trạng thái nào cố định trong tàng thức của chúng ta. Mới thấy vui thì nổi buồn đã đến hay buồn vui lẫn lộn thì thọ chính là vô ngã tức là không.
Đối với người tu Phật thì cần phải hiểu chữ “thọ” cho sâu rộng. Khi lục căn tiếp xúc với lục trần thì chúng ta cảm nhận hay “thọ” những cái vui hay cái buồn. Nếu tâm chúng ta thọ cái vui, cái sung sướng thì nó sẽ bị lục trần cuốn theo làm cho tâm bị mê hoặc. Khi ăn món ngon vật lạ thì đâm ra khoái khẩu tức là lạc thọ, do đó chúng ta cứ muốn ăn ngon hoài. Nếu không được ăn ngon như thế hằng ngày thì cảm thấy đau khổ, cắn rứt. Còn nếu cố gắng làm mọi cách để thỏa mãn cái dục tính nầy thì gây ra nghiệp để phải chịu quả khổ về sau. Do đó chạy theo lạc thọ là chạy theo luân hồi sanh tử. Còn khổ thọ là cảm nhận những đau khổ đắng cay của cuộc đời thì tâm sân sẽ phát hiện. Có người cần cù lao động, đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ tiền để nuôi gia đình nên họ nhìn cuộc đời thật cay đắng. Họ đâm ra thù ghét đời và trách móc con tạo khéo xoay vần cho đời họ phải khổ. Nhưng họ quên khổ là cái quả mà họ đã tạo ra từ trong quá khứ. Thế thì khổ thọ cũng đưa đẩy con người lún sâu trong vòng sinh tử luân hồi mà thôi. Cho nên cổ nhân mới có câu:
Tội nghiệp tiền thân nay phải chịu
Chịu rồi mới hết nghiệp oan gia.
Con đường duy nhất để đạt đến tâm thanh tịnh và cảnh giới Niết Bàn là vô ký thọ. Khi chúng ta bên ngoài không bị lục trần quyến rũ và bên trong không bị kích động bởi tham lam, giận hờn và si mê thì tâm của chúng ta sẽ thanh tịnh. Có nghĩa là dục lạc của thế gian khó mà cám dỗ làm cho chúng ta bị mê hoặc. Cái mà chúng ta đi tìm chính là sự an lạc từ trong nội tâm.
Vì sự an lạc nầy mà Ngài Xuyên Thiền Sư làm bài tụng như sau:
Kiến sắc phi can sắc
Văn thinh bất thị thinh
Sắc thinh vô ngại xứ
Thân đáo pháp vương thành
Nghĩa là:
Thấy sắc không mê sắc
Nghe tiếng chẳng nhiễm tiếng
Sắc tiếng đều không ngại
Mới đến Pháp vương thành.
Ý Ngài Xuyên Thiền Sư là mỗi khi lục căn tiếp xúc với lục trần mà tâm không khởi vọng niệm phân biệt, nhiễm ô nơi trần cảnh thì chúng ta sẽ được vào cảnh giới Phật.
Bây giờ tưởng uẩn có vô ngã không?
Tưởng là nhớ lại những hình ảnh vui khổ của thân và tâm. Khi lục căn tiếp xúc với lục trần thì trong tâm tưởng của chúng ta ghi nhớ lại những hình ảnh của quá khứ nầy. Chẳng hạn như đêm thứ bảy vừa qua chúng ta đi xem đại nhạc hội thì khi nghĩ lại chúng ta còn liên tưởng đến những cảnh nhạc nhả nhộn nhịp đó. Khi ăn một món ngon thì có lúc chúng ta liên tưởng sự khoái lạc của món ăn nầy. Ai chưởi mắng thì có lúc chúng ta cũng liên tưởng đến cảnh bực bội đau khổ kia. Do đó sau khi lục căn tiếp xúc với lục trần để lãnh thọ các cảnh khổ vui và sau đó sanh ra tưởng nhớ. Vì tưởng nhớ không phải tự nó có được mà cần phải có nhiều nhân duyên từ bên ngoài tạo tác nên tưởng uẩn là vô ngã tức là không.
Còn hành uẩn thì sao?
Hành là sự biến chuyển thay đổi của tâm niệm. Con người mỗi ngày từ khi thức giấc đến khi đi ngủ thì trong tâm chất đầy biết bao ý niệm. Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và cứ thế mà ý niệm sanh khởi liên tục trong tâm của chúng ta. Khi lái xe đến sở làm chúng ta liên tưởng những chuyện sắp xảy ra trong sở và đôi khi cũng liên tưởng đến những chuyện đã xảy ra ở nhà và đang xảy ra trong khi lái xe. Vì thế ý niệm đến từ hình ảnh hay kinh nghiệm trong quá khứ, hiện tại cũng như vị lai. Nhưng tất cả những tâm niệm nầy là do ở ngoại cảnh bên ngoài mang đến, có nghĩa là do nhân duyên kết tạo mới có sự suy tư. Vì do nhân duyên hòa hợp nên hành uẩn cũng là vô ngã tức là Không.